"Cái chết" của 1 khái niệm kinh tế đang là kim chỉ nam cho chính sách tiền tệ
Ở thời điểm hiện tại, dường như mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát đang biến mất vì các NHTW đã sử dụng nhiều cách để bơm tiền vào nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng đây là điều nguy hiểm đe dọa kinh tế toàn cầu.
- 04-08-2017Milton Friedman - Người tạo nên cuộc cách mạng ở các NHTW
- 07-05-2017Cuộc đời khó tin của George Soros - Từ chàng trai liên tiếp thất bại khi đi xin việc đến "kẻ cắp NHTW"
- 07-05-2017300 năm lịch sử các NHTW: Ôm mộng "chính sách độc lập"
Những ngày này, các thống đốc NHTW trên toàn thế giới đang tụ họp tại 1 khu nghỉ dưỡng ở Jackson Hole để tham dự cuộc họp của các NHTW trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia phân tích cho rằng 1 khái niệm kinh tế học quan trọng sẽ trở thành chủ đề được bàn tán nhiều nhất ở Jackson Hole: đường cong Philiips.
Năm 1958, nhà kinh tế học người Anh Alban William Phillips đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm dựa trên dữ liệu của nước Anh từ năm 1861 đến năm 1957 và phát hiện ra tương quan âm giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, tức là khi thất nghiệp ở mức cao thì lạm phát ở mức thấp và ngược lại.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dường như mối quan hệ này đang biến mất vì các NHTW đã sử dụng nhiều cách để bơm tiền vào nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng đây là điều nguy hiểm đe dọa kinh tế toàn cầu.
“Mối quan hệ nghịch đảo giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đã “chết”. Chuyện lương thấp và công việc không ổn định đồng nghĩa với sức chi tiêu đã không còn đúng nữa”, Edward Smythe, chuyên gia kinh tế tại Positive Money nói với CNBC.
Smythe bổ sung thêm rằng đó là tin tức rất xấu đối với những nhà hoạch định chính sách mong muốn tăng lãi suất trở lại mức trước khủng hoảng và xóa bỏ số tài sản khổng lồ trên bảng cân đối kế toán mà các NHTW đã mua vào trong các gói nới lỏng định lượng.
Hai mỏ neo của chính sách tiền tệ
Kể từ sau khủng hoảng tài chính đến nay, các NHTW lớn trên thế giới đã neo chính sách tiền tệ vào 2 yếu tố tỷ lệ thất nghiệp và tốc độ lạm phát. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Anh (BoE) đã hi vọng rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống trong khi lạm phát sẽ sớm đạt mức mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, các số liệu kinh tế mới đây cho thấy dù thất nghiệp giảm, lạm phát vẫn gần như dậm chân tại chỗ.
“Đầu năm nay, lạm phát của Mỹ đã có xu hướng tăng lên do nền kinh tế tăng trưởng ổn định và thị trường lao động có nhiều diễn biến tích cực. Chỉ số lạm phát lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) đã lên tới 2,3% hồi tháng 2. Tuy nhiên trong mấy tháng gần đây xu hướng đã đảo ngược với chỉ số giảm xuống dưới mức 2%. Một số tính toán cũng cho thấy tiền lương tăng trưởng rất ì ạch”, Micheal Hood, chuyên gia tại JPMorgan Asset Management, nói.
ECB chật vật với đường cong Phillips?
Tháng 6 vừa qua, ECB cũng đã phải hạ triển vọng lạm phát. Chủ tịch Mario Draghi nói rằng ECB dự báo lạm phát năm 2017 chỉ đạt 1,5%, giảm xuống 1,3% trong năm 2018 và đến năm 2019 vẫn chỉ ở mức 1,6%. 3 tháng trước đó các con số dự báo lần lượt là 1,7%, 1,6% và 1,7%.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 của ECB cho thấy các quan chức của ECB đã dành ra rất nhiều thời gian để bàn luận về sự rời rạc giữa lạm phát và thất nghiệp. Theo ECB, có một số nguyên nhân thuộc về cấu trúc nền kinh tế gây ra tình trạng này.
“Đó là sự thay đổi của thị trường lao động, trong quy trình xây dựng hợp đồng lao động và khung lương tại các doanh nghiệp. Những thay đổi này là kết quả của các cải cách được đưa ra từ mấy năm trước”, báo cáo có đoạn.
Về lạm phát, một số chuyên gia phân tích cũng cho rằng những yếu tố căn bản đang khiến lạm phát không thể tăng. Theo Alberto Gallo, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô và là ông chủ của quỹ Algebris Macro, đó là những “vết sẹo” trong nền kinh tế cũng như thị trường lao động do thời kỳ suy thoái để lại, là sai sót trong phân bổ nguồn lực do lãi suất thấp, những công nghệ mới giúp tối đa hóa việc chia sẻ nguồn lực và cuối cùng là tình trạng dân số già.
Thoát khỏi QE là câu trả lời?
Gallo cho rằng các NHTW nên chú trọng đến việc xóa bỏ những chính sách kích thích khiến nền kinh tế bị bóp méo.
“Trước tiên thì hiệu quả của chúng đã giảm đi rõ rệt. Lãi suất được giữ ở mức thấp trong thời gian quá dài có thể tạo ra giảm phát. Dân số già đồng nghĩa với tiết kiệm nhiều hơn, trong khi giới doanh nghiệp tập trung vào các biện pháp cắt giảm chi phí. Thứ hai, QE tạo nên những tác dụng phụ, trong đó có bong bóng tài sản đe dọa hệ thống tài chính. Thứ ba, các NHTW cần phải xây dựng những tấm đệm chính sách chắc chắn để đối mặt với bất kỳ rủi ro nào trong tương lai”.
Dẫu vậy, chuyên gia này cảnh báo xóa sổ QE là công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi sự đồng thuận giữa các NHTW trong điều kiện mỗi nước theo đuổi 1 chính sách tài khóa khác nhau (và bản thân các chính sách tài khóa cũng không ổn định).
Sẽ có rất nhiều món ăn được dọn ra trên các bàn tiệc cũng như rất nhiều vấn đề cần bàn luận ở Wyoming cuối tuần này. Và thị trường tài chính luôn dõi theo từng động thái của sự kiện để nắm bắt những gợi ý về tương lai của chính sách tiền tệ.