MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Hội nghị này có ba Thứ trưởng ngồi ghi chép đến cuối giờ, nhiều cuộc trước đó 9h lãnh đạo đã đi về"

Một cuộc họp có tới ba Thứ trưởng đại diện cho ba Bộ ngành quan trọng, cùng ngồi ghi chép cẩn thận từng ý kiến, tham dự tới cuối buổi đang đặt ra nhiều kỳ vọng có thể lập lại trật tự thị trường phân bón vốn đang nhức nhối với vấn nạn phân bón giả như hiện nay. Đây cũng là sự nghiêm túc khác hẳn với những cuộc hội nghị về phân bón từng diễn ra trước đó, theo nhận định của một chuyên gia nông nghiệp.

Dù cuộc họp không có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và các bộ ngành theo như dự kiến ban đầu, song việc ba vị Thứ trưởng của các bộ ngành dự họp cho đến cuối buổi Hội nghị, ghi chép rất cẩn thận từng ý kiến của các đơn vị phát biểu đã khiến cho một chuyên gia trong ngành phân bón bày tỏ niềm tin tưởng, có thể lập lại trật tự trên thị trường phân bón Việt Nam.

Bởi trước đó theo ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp Nhiệt đới, đã có không ít hội thảo về vấn đề này được tổ chức, bàn thảo về việc chống nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, các đại biểu tham dự "vỗ tay rào rào", nhưng chưa kết thúc hội nghị lãnh đạo đã ra về, và xong rồi "đâu lại vào đấy".

Nhiều hội nghị những... đâu lại vào đấy

"Lăn lộn 40 năm với nông dân, tôi rất thấm thía câu nói của ông lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam chưa thấy ông lãnh đạo rơi nước mắt trước nỗi khổ người nông dân. Qua nhiều hội nghị hội thảo, xuất hiện thêm Trung ương hội Nông dân Việt Nam và Ban chỉ đạo 389, ba ông Thứ trưởng ngồi ghi chép, chứ trước 9 giờ đã về. Tôi kỳ vọng hội nghị hôm nay sẽ lập lại trật tự cho thị trường phân bón" - vị này bày tỏ.

Vấn đề "lập lại thị trường phân bón" được đặt ra giữa lúc, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng hoành hành khắp nơi, gây thiệt hại cho người nông dân, mà thậm chí còn thách thức cả kỷ cương, pháp luật. Vụ việc điển hình nhất được các chuyên gia chỉ ra, đó là vụ công ty phân bón Thuận Phong được Văn phòng thường trực 389 về chống hàng giả quốc gia phát hiện, các cơ quan như Bộ KHCN, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương xác nhận là hàng giả, vụ việc đang chờ kết luận của Thủ tướng, vậy mà tỉnh Đồng Nai cho dỡ niêm phong và tha, xử lý hành chính.

Thống kê của Hiệp hội Phân bón cả nước có từ 800-1.000 cơ sở sản xuất mặt hàng này. Trong đó, gần 50% số mẫu phân bón được kiểm tra không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký, công bố trên bao bì.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất - Bộ Công Thương, cho rằng thị trường phân bón rất phức tạp, vẫn còn phân bón giả, kém chất lượng, bao bì nhãn mác mập mờ chưa thể hiện được bản chất của một loại phân bón, gây hiểu nhầm về công dụng sản phẩm. Tình trạng một số tổ chức cá nhân chưa được cấp phép, vẫn sản xuất phân bón, và phân phối gây sức ép về giá thành buộc phải giảm chất lượng đầu vào.

Cần có kiến nghị rõ ràng, sửa Nghị định 202

Do đó, ông Nghĩa cho rằng sau buổi họp này cần có kiến nghị rõ ràng lên Thủ tướng Chính phủ bởi có những đại biểu quốc hội rất bức xúc về vấn đề này và đích thân Thủ tướng chỉ đạo mà chưa có tiến triển gì. Đồng thời, cần chỉnh sửa lại Nghị định 202 về quản lý kinh doanh phân bón để lập lại trật tự, trên cơ sở thống nhất quy định cho một bộ quản lý thay vì hai bộ như hiện nay, để tránh chồng chéo.

"Quy định của Nghị định 202 gây nên sự chồng chéo giữa hai bộ, khiến doanh nghiệp chết, đại lý, nông dân cũng chết. Không chỉ vậy, lực lượng quản lý thị trường cũng lúng túng, đại lý cũng vậy bởi không phân định được chỗ nào của Bộ Công Thương, chỗ nào thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT" - ông Nghĩa nói.

Theo ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, phân bón chủ yếu là giả, kém chất lượng, trên thị trường đang là vấn nạn, quản lý thị trường biết hết nhưng khó khăn nhất là khâu xử lý, giám định chất lượng, bởi theo quy định không phải ai cũng được đi lấy mẫu. Dẫn tới một mẫu giám định nhưng "sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng" đặt ra dấu hỏi về tính chính xác của mẫu kiểm định.

"Hiện phải chấn chỉnh khâu phối kết hợp, khâu này còn yếu, thanh tra sở công thương, nông nghiệp phải được lấy mẫu chủ động. Việc chia sẻ thông tin hiện cũng rất yếu, những công ty nào sản xuất phân bón phải đăng ký đến cấp phường xã, để quản lý thị trường trên địa bàn nắm được. Việc tiêu hủy cũng cần có chính sách cụ thể, phải có quỹ" - ông Hùng nêu quan điểm.

Theo đại diện Cục hóa chất, thời gian tới việc sửa đổi Nghị định 202 sẽ theo 9 nội dung lớn, trong đó tập trung vấn đề phân cấp mạnh cho địa phương về cấp phép sản xuất phân bón, phân cấp hoạt động chứng nhận hợp quy, kiểm soát kiểm tra nhãn mác, quản lý hệ thống thị trường để làm sao gắn trách nhiệm địa phương với quản lý phân bón trên địa bàn.

M. An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên