MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nghị xúc tiến đầu tư Hà Nội và những con số ấn tượng

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư TP. Hà Nội với chủ đề: “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” sáng nay, Thành phố Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Tổng số dự án tăng 5 lần, số vốn tăng 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016.

Đồng thời cũng tại Hội nghị này, Thành phố Hà Nội cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó có 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD) và 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD).

UBND Thành phố cũng công bố tại Hội nghị danh mục 282 dự án mong muốn thu hút đầu tư với tổng số vốn dự kiến 483,1 nghìn tỷ đồng. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực: Hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu đô thị thông minh; công viên; giáo dục, dạy nghề, bệnh viện; môi trường, xử lý rác thải; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà ở; nông nghiệp; phát triển đô thị, logistics, công viên phần mềm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết trong giai đoạn 2016-2019, kinh tế Thủ đô có mức tăng trưởng cao, bình quân 7,3-7,5%/năm; quy mô GRDP hiện nay đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD. GRDP bình quân đầu người đạt 5.420 USD, bằng 1,8 lần so với bình quân cả nước. 

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Thủ đô, giảm sâu trong tháng 4, hồi phục trở lại từ giữa tháng 5 và tăng trưởng mạnh lên trong tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, GRDP tăng 3,39%, là mức tăng trưởng khá cao so với bình quân cả nước và trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4,9% cả năm 2020 theo dự báo mới nhất của IMF.

“Qua Hội nghị, Thành phố Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh”, ông Vương Đình Huệ nói. Đây cũng là giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2020, phấn đấu tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành 285.000 tỷ đồng dự toán thu ngân sách năm 2020.


H.A

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên