MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nhập TPP: Doanh nghiệp dệt may vẫn chậm trên "sân nhà"

Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, từ đầu năm đến nay, dòng vốn mới đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng và đổ dồn vào ngành dệt may Bình Dương, chiếm ưu thế cả trong sản xuất lẫn thị phần.

Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước vẫn đang “loay hoay” tìm đường liên kết. Điều này ít nhiều cho thấy doanh nghiệp Việt đã bị chậm trên sân nhà.

Tại Bình Dương, số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may chiếm thị phần áp đảo. Trong hơn 560 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thì chỉ có hơn 100 doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước, số còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, sau khi Hiệp định TPP được ký kết đã có trên 400 triệu USD vốn FDI đổ thêm vào lĩnh vực dệt may, đó là chưa tính hàng tỷ USD của 460 dự án nhóm này đã đầu tư và hoạt động sản xuất ổn định.

Các dự án mới chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ và nguyên phụ liệu cho ngành may mặc. Đây là tín hiệu tích cực góp phần bổ sung cho yếu điểm của ngành dệt may trong nước. Một trong số các dự án phải kể đến là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Far Eastern Polutex Việt Nam đã đầu tư trên 274 triệu USD vào Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) để sản xuất công nghiệp phụ trợ ngành dệt may.

Đây là dự án cung ứng chuỗi liên hợp hóa sợi-dệt nhuộm quy mô lớn đã đầu tư vào Bình Dương để đón đầu Hiệp định TPP.

Cùng thời gian trên, dự án quy mô lớn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghiệp De Licacy Việt Nam (vốn Đài Loan, Trung Quốc) vừa cấp phép cũng đầu tư vào Khu công nghiệp Bàu Bàng với số vốn lên đến 100 triệu USD chuyên sản xuất lĩnh vực sợi, dệt vải; hoàn thiện sản phẩm dệt. Nhà máy này còn gia công dệt nhuộm các loại vải, nhuộm màu vải; in ấn hoa các loại vải; sản xuất sợi nhựa tổng hợp và sợi nhân tạo… Thêm một dự án ấn tượng nữa là Nhà máy sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghiệp Li Long (vốn đầu tư Brunei) với số vốn hàng chục triệu USD đã chọn Khu công nghiệp Rạch Bắp (thị xã Bến Cát) để sản xuất và gia công sợi bọc đàn hồi, sợi xoắn cho ngành dệt công nghiệp…

Hiện dệt may là một trong 26 ngành hàng sản xuất và xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương. Từ đầu năm đến nay, ngành dệt may tỉnh này đã xuất khẩu vượt trên 550 triệu USD, tăng trên 9% so với cùng kỳ năm trước. Những tín hiệu lạc quan đang hiển hiện trên các dây chuyền sản xuất với số đơn hàng xuất khẩu lấp kín cả năm 2016.

Riêng năm 2015, ngành dệt may Bình Dương đã góp phần đưa xuất khẩu của tỉnh vượt con số 2 tỷ USD. Tuy nhiên, một trong những điều kiện của Hiệp định TPP về quy định nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đang vô hình chung đẩy hàng loạt thách thức về phía doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương Phan Lê Diễm Trang, các doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn hàng tại nhiều thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu kín cả năm 2016. Lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và Hiệp định TPP dự báo sẽ mang thêm nhiều đơn hàng cho các doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực dệt may có vốn đầu tư trong nước. Tuy nhiên, những thách thức cũng bắt đầu xuất hiện.

Dòng vốn FDI đang “ráo riết” đổ vào Việt Nam và địa bàn Bình Dương chứng tỏ lợi ích từ TPP là rất lớn. Việc gia tăng thu hút thêm nhiều dự án FDI vào ngành dệt may đã giúp ngành dệt may có nhiều cái lợi; trong đó có việc góp phần tăng thêm tỷ trọng xuất khẩu cho Việt Nam. Nhưng nhìn chung, vốn FDI chảy vào nhiều cũng sẽ làm khó cho doanh nghiệp trong nước, nhất là với đơn vị có nguồn lực tài chính yếu và thiếu năng lực sản xuất.

Cụ thể, hai thách thức mà doanh nghiệp FDI đang đè nặng lên sân chơi “không cân sức” là họ mạnh vốn nên chiếm thị phần sản xuất rất lớn và thêm nhà máy mới sẽ làm chuyển dịch thị trường lao động. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước vừa hạn chế vốn, chưa chủ động trong đào tạo nguồn lao động nên càng thêm khó khăn.

Những thách thức này sẽ đẩy các doanh nghiệp trong nước phải làm gia công hoặc đi làm thuê lại cho các doanh nghiệp FDI - bà Trang phân tích.

Bà Trang cũng tỏ ra băn khoăn trước việc cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn “loay hoay” tìm chuỗi liên kết trong khi TPP đã vào quá sâu. Hàng trăm doanh nghiệp FDI đã nhanh chân đi trước, chiếm được ưu thế và sẽ hưởng lợi ngay trên sân nhà Việt Nam.

Mặc dù các doanh nghiệp trong Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương đã chủ động tìm liên kết nhưng đến nay vẫn chưa thể khớp nối được với nhau. Bên cạnh đó, tự thân các doanh nghiệp trong nước cũng chưa “mặn mà” tạo ra chuỗi liên kết, bởi niềm tin giữa các doanh nghiệp đang còn một khoảng cách khá xa.

Đây cũng là lý do khi TPP đến các doanh nghiệp trong nước chưa tạo ra được chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may lành mạnh, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp vốn FDI./.

PV

Theo TTXVN/Vietnam+

Trở lên trên