Hồi sinh dự án treo
Chỉ 3 tháng đầu năm, TPHCM đã tái khởi động nhiều dự án treo sau hàng chục năm hoặc thi công ì ạch kéo dài. Những vấn đề bất cập liên quan đến các dự án này vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” bởi sự chồng chéo về các thủ tục chi trả, bồi thường, giải tỏa mặt bằng...
Cuối tuần qua, UBND TPThủ Đức (TPHCM) và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM đã tổ chức tái khởi động dự án xây dựng cầu Nam Lý (TP Thủ Đức) với tổng mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TPHCM, công trình này được giám sát chặt chẽ và triển khai nhanh để hoàn thành sau 14 tháng tái khởi động trở lại.
Đây chỉ là một trong số nhiều dự án treo thuộc các địa bàn quận, huyện được HĐND TPHCM thông qua cho phép đẩy nhanh thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất. Theo số liệu báo cáo HĐND TPHCM, đến nay đã có hơn 400 dự án hoàn thành (chiếm 28%), 741 dự án đang được triển khai (chiếm 51%). Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng cho biết, đối với hơn 300 dự án treo đang vướng mắc còn lại sẽ được rà soát để đưa ra khỏi Nghị quyết vì đã quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa triển khai. Thậm chí, có quận, huyện còn đến 30% số dự án quy hoạch treo chưa thực hiện.
Về các dự án thi công kéo dài được Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM lý giải do vướng mắc chủ yếu ở công tác bồi thường, giá đền bù chưa thống nhất được với người dân.
Trong khi đó, chính các chủ đầu tư cũng phải cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính để bồi thường và thực hiện dự án. Điển hình tại siêu dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) được quy hoạch từ 1992, với tổng diện tích lên đến hơn 425 ha, đã trải qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và cho đến nay vẫn dấu tích hoang phế, um tùm cỏ dại, sình lầy nhếch nhác. Trong bối cảnh dự án bị quy hoạch “treo”, hàng nghìn hộ dân của quận Bình Thạnh nằm trong khu vực dự án phải sống trong điều kiện sinh hoạt tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng không được sửa chữa hoặc xây mới…
Tương tự, Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) cũng được quy hoạch từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chỉ là “đô thị trên giấy” khiến người dân, cá nhân, tổ chức khiếu nại kéo dài, vượt cấp nhiều năm qua chưa dứt.
Một dự án khác là Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thủ Đức) cũng ngót nghét 30 năm quy hoạch treo và đang được UBND TPHCM đặc biệt quan tâm tháo gỡ từng phần, trong đó có những ô đất sạch đã được bàn giao cho chủ đầu tư triển khai dự án như siêu thị Sala, Khu căn hộ cao cấp The River View Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 1, 2 kết nối TP Thủ Đức với quận Bình Thạnh và quận 1,…Tuy nhiên, gần đây siêu dự án này cũng dính vào các lùm xùm về đấu giá đất, với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng do các chủ đầu tư bỏ cọc hoặc không đủ năng lực tài chính để triển khai dự án.
Nhiều chuyên gia cho rằng dự án chậm triển khai không chỉ làm khổ người dân bị quy hoạch treo mà còn làm lãng phí nguồn lực xã hội. Các dự án treo, quy hoạch treo không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy như gây lãng phí nguồn lực từ đất đai, thất thu thuế, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh…
Trong bối cảnh như vậy, việc tái khởi động các dự án treo cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của UBND TPHCM trong điều kiện ngân sách giữ lại hạn hẹp và phải cân đối cho nhiều lĩnh vực ưu tiên khác nhau. Từ điểm sáng này, nhiều chuyên gia kiến nghị HĐND TPHCM tiếp tục chủ động đẩy mạnh việc rà soát, kiểm tra tính khả thi của các dự án treo đang được đề xuất thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trước khi trình HĐND thành phố để tránh tình trạng nhiều dự án không khả thi vẫn được thông qua.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, từ năm 2016 đến năm 2020, HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua 11 nghị quyết về thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 1.445 dự án; trong đó, có 402 dự án đã hoàn thành, 741 dự án đang triển khai và 302 chậm triển khai.
Đại đoàn kết