MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hồi sinh nghề sấy gió quả hồng ở vùng ven Đà Lạt

17-11-2019 - 20:18 PM | Thị trường

Sau những thăng trầm của nghề hồng sấy, những chuyên gia người Nhật đã đưa về thôn Đất Làng, xã Xuân Trường (vùng ven của thành phố Đà Lạt) những kỹ thuật mới giúp nhà vườn sấy gió quả hồng. Được thổi luồng sinh khí mới, làng hồng lâu đời nhất vùng đã hồi sinh, qua đó nâng cao giá trị quả hồng, tăng thu nhập cho người dân.

Những ngày này, dọc theo quốc lộ 27, đoạn đi qua các xã Xuân Trường, Trại Mát, khu vực chùa Tàu (Đà Lạt) và thị Trấn Dran (huyện Đơn Dương) có nhiều vườn hồng đang chín. Các vườn hồng bạt ngàn trên hàng chục ngọn đồi đồng loạt phủ một màu vàng cam, xen lẫn sắc đỏ rực của những quả hồng đang vào thời điểm chín rộ.

Nơi đây các nhà vườn đang hối hả thu hoạch, sau đó làm sạch tai xung quanh cuống, rửa sạch rồi gọt vỏ, xử lý cho hết nhựa; đưa vào phòng vô khuẩn, Cuối cùng là đem quả hồng ra treo trong nhà kính. Quả được treo bằng dây, cách nhau khoảng 20 - 25cm, để làn gió tự nhiên sấy khô dần. Thời gian, treo hồng từ 20 -25 ngày thì quả sẽ co dần do mất nước nhưng vẫn giữ lại được lượng đường bên trong. Quả càng nhỏ thì thời gian phơi gió càng ngắn vì nếu để lâu sẽ bị khô. Gặp lúc thời tiết đẹp thì 6 kg quả tươi sẽ cho 1kg quả khô.

Khi thưởng thức, thực khách cảm nhận được vị dai ở lớp vỏ bên ngoài, độ dẻo và ngọt thanh bởi mật đường bên trong quả hồng sấy gió. Đặc biệt, hương vị đặc trưng của quả hồng vẫn được giữ nguyên. Vài tháng sau khi hút chân không và đóng gói đưa đi tiêu thụ, hồng sấy lên men tự nhiên với những hạt li ti màu trắng, phủ đều quanh quả hồng, có cảm giác như là hạt đường, ăn rất ngon.

Anh Mai Xuân Long, chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đất Làng Cầu Đất cho biết vùng đất này có thể trồng nhiều loại hồng như hồng trứng lốc, trứng láng, trứng lửa, trứng son, tám hải, vuông đồng…

Hồi sinh nghề sấy gió quả hồng ở vùng ven Đà Lạt - Ảnh 1.

Quả hồng được treo bằng dây, cách nhau khoảng 20 - 25cm để làn gió tự nhiên sấy khô dần. Sau 20 -25 ngày, quả sẽ co dần do mất nước nhưng vẫn giữ lại được lượng đường bên trong. Gặp lúc thời tiết đẹp thì 6 kg quả tươi cho ra 1kg quả khô.

 

Quá trình sấy, nếu trời nắng đẹp thì quả hồng sẽ lên màu đỏ tía khá đẹp; còn nếu thời tiết âm u kéo dài, quả hồng sẽ không thoát được nước gây xì nhựa, rụng cuống hàng loạt, phải đổ bỏ. Rút kinh nghiệm, khi thời tiết xấu, người làm hồng sấy phải dùng đèn hồng ngoại để sưởi ấm cho quả hồng, làm giảm độ ẩm, ngăn ngừa tình trạng rụng quả.

Bà Đặng Thị Thu Vân, 59 tuổi, ngụ phường 10, thành phố Đà Lạt chia sẻ, từ giữa thế kỷ trước, gia đình gắn bó với nghề hồng sấy thủ công, tôi cũng may mắn giữ lại nghề và đến nay đã phát triển thành hồng treo theo công nghệ Nhật Bản. Không chỉ phát triển nghề hồng sấy, hồng treo gió, gia đình còn chú trọng thương hiệu cho đặc sản.

Hồng thường chín rộ vào tháng 10 và tháng 11, bán không kịp, phải đổ bỏ ê hề, quả rụng đầy gốc vì nhiều lúc giá bán rớt xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, không bù được công thu hoạch, vận chuyển… Qủa hồng ngon ngọt là thế nhưng nhiều lúc đến vụ thu hoạch, nhà vườn lại ví von là mùa hồng chát, mùa hồng đắng…

Xem link bài gốc tại đây.

Theo Đặng Tuấn

Báo tin tức

Trở lên trên