MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hôm nay phân công người phụ trách UBND tỉnh Lâm Đồng

04-01-2024 - 08:08 AM | Xã hội

Ngày 3/1, ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa tổ chức cuộc họp, dự kiến hôm nay (4/1) sẽ có thông báo cụ thể về việc phân công người tạm thời phụ trách, điều hành hoạt động của UBND tỉnh.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất phân công ông Võ Ngọc Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tạm thời phụ trách, điều hành chung hoạt động của UBND tỉnh đến hết ngày 31/12/2023. Nguyên nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an triệu tập để điều tra và sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ.

Hôm nay phân công người phụ trách UBND tỉnh Lâm Đồng - Ảnh 1.

Theo Quy chế làm việc của UBND tỉnh, các phó chủ tịch UBND tỉnh chủ động thực hiện theo đúng nhiệm vụ được phân công. Những công việc, nhiệm vụ, vấn đề cấp bách, quan trọng theo luật định bắt buộc phải giải quyết thuộc thẩm quyền UBND tỉnh hoặc cần phải xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh thì Văn phòng UBND tỉnh lập phiếu trình xin ý kiến của các phó chủ tịch UBND tỉnh và trình phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực ký duyệt ban hành, sau khi có ý kiến thống nhất của cả 3 phó chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra, đối với những nội dung đã có nghị quyết của HĐND tỉnh, những việc đã được sự thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh thì phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực ký duyệt ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của cả 3 Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Cũng xin nói thêm, trước khi bị bắt về tội nhận hối lộ, ngày 8/12/2023, tại kỳ họp 12 HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Trần Văn Hiệp khẳng định, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy không có “sân trước sân sau” trong đầu tư xây dựng cơ bản. “Hôm nay, kỳ họp được truyền hình trực tiếp, một lần nữa tôi khẳng định với đồng bào, cử tri cả tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy không liên quan, không dính líu và không có sân sau sân trước gì tới xây dựng cơ bản; không bao che, không bảo kê”, ông Hiệp quả quyết.

Hàng trăm ha rừng bị phá, lấn chiếm

Dự án Khu đô thị nam Đà Lạt rộng gần 3.600 ha, trải rộng trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng, từng được kỳ vọng là một trong những công trình có hạ tầng dịch vụ, du lịch lớn, trọng điểm bậc nhất của tỉnh Lâm Đồng. Từ Quốc lộ 20 chạy xuôi vào hồ chứa thủy điện Đại Ninh rất khó nhận ra hình hài của dự án Đại Ninh. Sau 13 năm chấp thuận đầu tư, Cty Sài Gòn - Đại Ninh mới xây dựng được 15 nhà làm việc của chuyên gia dạng chòi dở dang, 1 hội trường chưa hoàn thiện, 6 trạm dừng chân và khoảng 20 km đường nội bộ. Kinh phí thực hiện các hạng mục này khoảng 2.000 tỷ đồng, con số rất khiêm tốn so với tổng mức vốn đầu tư đăng ký của dự án là hơn 25.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án được triển khai trong giai đoạn 2010 - 2018, nhưng trên thực tế, chủ đầu tư mới xây được một số công trình tạm như trên, nhiều hạng mục đang bị bỏ hoang, có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, kết cấu bê tông hư hỏng, sắt thép hoen gỉ.

Đặc biệt, từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, Cty Sài Gòn - Đại Ninh đã để rừng bị phá, lấn chiếm hơn 368 ha. Doanh nghiệp này phải bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng hàng chục tỷ đồng.

Dự án chậm tiến độ nhiều năm và có nhiều sai phạm nên vào tháng 6/2020, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án. Tuy nhiên, vào tháng 7/2021, TTCP ban hành thông báo sửa đổi, bổ sung một số vấn đề của kết luận thanh tra nói trên theo hướng đề nghị tỉnh Lâm Đồng không thu hồi đất đối với dự án này.

Đáng chú ý, trước lúc TTCP có động thái “bẻ kèo”, bà Phan Thị Hoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Sài Gòn - Đại Ninh bán 100% vốn điều lệ cho Cty CP Tập đoàn Bến Thành Holdings Group của Nguyễn Cao Trí với giá 5.000 tỷ đồng. Đến ngày 28/1/2021, Sài Gòn - Đại Ninh đăng ký thay đổi giấy chứng nhận doanh nghiệp lần thứ 8, đổi người đại diện pháp luật từ bà Hoa sang ông Trí.

Sau khi mua cổ phần của Sài Gòn - Đại Ninh, ông Trí lại bán cho bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) 100% vốn điều lệ Sài Gòn - Đại Ninh với trị giá 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho ông Trí tổng cộng 20 triệu USD, tương ứng hơn 463 tỷ đồng.

Sau đó, bà Lan không mua cổ phần Cty Sài Gòn - Đại Ninh và thống nhất chuyển số tiền trên cộng với tiền mua cổ phần 2 công ty khác của ông Trí mua 10% vốn điều lệ Cty Văn Lang. Ngày 7/10/2022, bà Lan bị khởi tố, bắt tạm giam. Sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, lợi dụng việc bà Lan bị bắt, ông Trí đã có thủ đoạn gian dối chỉ đạo nhân viên lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư để xóa bỏ nghĩa vụ nợ, nhằm chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng đã nhận.

Vụ nhận hối lộ của ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan đến dự án Khu đô thị nam Đà Lạt tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Chủ đầu tư dự án là Cty Sài Gòn- Đại Ninh do đại gia Nguyễn Cao Trí làm Tổng giám đốc.


Theo Kim Anh - Duy Quang

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên