Hôm nay thông hầm đèo Cả
Hầm đường bộ qua đèo Cả có tổng chiều dài khoảng 13km, trong đó hầm đèo Cả gồm hai hầm song song, mỗi hầm dài 4.125m, được thiết kế cho hai làn xe chạy với tốc độ 80 km/giờ.
Sáng nay (31-7), Công ty CP đầu tư Đèo Cả tổ chức lễ thông hầm đèo Cả, cũng là thông toàn tuyến dự án hầm đường bộ qua đèo Cả trên quốc lộ 1 thuộc địa phận hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, đánh dấu mốc quan trọng về năng lực làm hầm đường bộ của VN.
Ông Lê Quỳnh Mai - phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả, người thường trực ở công trường trong hầu hết thời gian thi công - cho biết sự kiện thông toàn tuyến dự án hầm đường bộ đèo Cả dài hơn 13km (gồm hệ thống hầm chính qua đèo Cả, hầm đèo Cổ Mã và đường dẫn, cầu) chính thức khép lại giai đoạn thi công phức tạp nhất tại dự án.
“Cùng với việc thông hầm, các hạng mục khác của dự án đều đang đạt tiến độ và chúng tôi cam kết đảm bảo chất lượng, an toàn, phấn đấu đưa dự án vào khai thác, vận hành trong năm 2017” - ông Mai nói.
Ông Hồ Minh Hoàng - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả cho biết: “Sự kiện thông hầm đèo Cả khẳng định quyết tâm vượt qua thách thức, vươn tới tầm cao chuyên môn trong đầu tư - thi công xây dựng hầm đường bộ có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật. Đây là hầm đường bộ đầu tiên do người VN làm, đó là thành công rất đáng kể”.
Theo ông Lê Quỳnh Mai, quy mô của hầm đường bộ đèo Cả chỉ xếp sau hầm đèo Hải Vân, một công trình được thực hiện từ nguồn vốn ODA. Hầm đèo Cả do Nhật Bản thiết kế, chủ đầu tư là doanh nghiệp VN, sử dụng nguồn vốn vay trong nước.
“Trước khi chúng tôi làm công trình này, không ít người hoài nghi về sự thành công của nó, nhưng giờ thì những lo lắng đó không còn nữa.
Dự án hầm đèo Cả được thi công theo công nghệ làm hầm NATM của Áo, nhưng do ba nhà thầu của VN đảm nhiệm; tư vấn giám sát ban đầu cũng là Nhật, nhưng đến nay thì chỉ còn một số chuyên gia, còn đa số là người VN” - ông Mai nói.
Theo ông Lê Đình Thọ - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, mô hình đầu tư của dự án hầm đường bộ đèo Cả cần được tổng kết để nhân rộng, nhằm xây dựng doanh nghiệp trong nước mạnh về năng lực quản lý, thi công và huy động nguồn lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp để thực hiện những công trình giao thông phức tạp.
Bên cạnh những thành quả đạt được, nhà đầu tư có không ít trăn trở.
“Chúng tôi cho rằng những quy định mới về mức thu phí, về lãi vay, tính minh bạch trong đầu tư hiện nay chưa thực sự thuyết phục, đồng thời có sự thay đổi liên tục của các chính sách.
Ngoài ra, chúng tôi còn có lo ngại khác, đó là quan điểm trong việc kiểm soát dự án BOT chưa thống nhất, điển hình như quyết định số 4255/2005/QĐ-BGTVT ngày 1-12-2015 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của ban quản lý dự án đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư do Bộ Giao thông vận tải quản lý hiện có nhiều bất cập, không đúng với tinh thần nghị định số 15/2005/NĐ-CP ngày 14-2-2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Luật đầu tư, Luật đấu thầu.
Chúng tôi mong Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan và các địa phương sớm tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết các bất cập đó” - ông Huỳnh Phúc Tự, phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả, nói.
Dự án đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cả có tổng chiều dài khoảng 13km, trong đó hầm đèo Cả gồm hai hầm song song, mỗi hầm dài 4.125m, được thiết kế cho hai làn xe chạy với tốc độ 80 km/h; hầm đèo Cổ Mã cũng có thiết kế tương tự, dài 500m và hệ thống đường dẫn.
Dự án hoàn thành góp phần rút ngắn thời gian qua đèo còn 1/4.
Tuổi trẻ