Hơn 1 triệu tỷ đồng giá trị tài sản Nhà nước tính đến cuối 2016
Tổng giá trị tài sản Nhà nước tính theo nguyên giá đã tăng 31.404,67 tỷ đồng trong năm 2016...
- 21-07-2016“Cần một tổ chức kinh doanh mạnh để quản tài sản Nhà nước”
- 17-05-2016Tài sản Nhà nước bị chiếm giữ trái pháp luật
Theo báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2016 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội, tổng giá trị tài sản Nhà nước tại cơ sở dữ liệu quốc gia tính đến ngày 31/12/2016 là 1.044.899,47 tỷ đồng.
Nhà, đất chiếm đa số
Trong đó, tài sản là quyền sử dụng đất 682.538,52 tỷ đồng, tài sản là nhà 265.068,38 tỷ đồng, tài sản là ôtô 23.986,30 tỷ đồng, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản là 73.306,27 tỷ đồng.
Như vậy, tổng giá trị tài sản Nhà nước tính theo nguyên giá đã tăng 31.404,67 tỷ đồng trong năm 2016.
Phân tích theo từng loại tài sản, Chính phủ cho biết năm 2016, diện tích đất tăng do được giao mới, do tiếp nhận, nhận chuyển nhượng là 22,84 triệu m2 với tổng giá trị 9.901,05 tỷ đồng.
Tổng quỹ đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng đến 31/12/2016 là 2.585,01 triệu m2, với tổng giá trị 682.538,52 tỷ đồng, chiếm 65,32% tổng giá trị tài sản Nhà nước.
Năm 2016, số xe ôtô công tăng do mua mới, tiếp nhận là 2.166 chiếc với tổng nguyên giá 2.015,14 tỷ đồng. Tổng số xe ôtô công hiện có đến ngày 31/12/2016 là 37.286 chiếc, với tổng nguyên giá 23.986,30 tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng giá trị tài sản Nhà nước.
Chính phủ đánh giá, công tác quản lý, sử dụng tài sản công trong năm 2016 đã cơ bản đi vào nề nếp, tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản từng bước được khắc phục.
Nhưng, cũng còn không ít hạn chế được chỉ ra, như chưa có quy định thống nhất về nguyên tắc chung trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công. Hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công còn bất cập, chưa bao quát hết các đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Một số loại tài sản công, đặc biệt là tài sản chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ đặc thù của các ngành, lĩnh vực chưa có tiêu chuẩn, định mức, việc chấp hành tiêu chuẩn, định mức trong quản lý, sử dụng tài sản công còn chưa nghiêm.
Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản công còn có tính chất nhỏ lẻ, manh mún do nhiều chủ thể cùng thực hiện. Điều này vừa giảm tính chuyên nghiệp, vừa tốn kém nhân lực, thời gian, chi phí nhưng hiệu quả đem lại không cao, dễ bị lợi dụng nhưng khó kiểm soát - báo cáo nêu rõ.
Việc tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước sau khi được phê duyệt cũng được Chính phủ nhìn nhận là gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phương án bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tỷ lệ hoàn thành việc thực hiện phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thấp.
“Siết” mua sắm xe công trong 2017
Một hạn chế không mới cũng được nhắc lại tại báo cáo, đó là công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước hàng năm chưa thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định.
Mặc dù thời hạn các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 15/3 hàng năm. Nhưng cuối tháng 4 vừa qua, cũng mới có 57 địa phương và 42 bộ, cơ quan trung ương báo cáo về Bộ Tài chính.
Định hướng giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ nêu một số giải pháp sẽ tập trung thực hiện trong năm 2017, trong đó có giải pháp “siết” mua sắm xe công.
Như, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê xe ôtô để phục vụ công tác. Việc mua sắm mới xe ôtô và trang thiết bị đắt tiền của các bộ, ngành trung ương và địa phương theo tinh thần triệt để tiết kiệm.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện mua xe ôtô khi đảm bảo đủ điều kiện: thiếu xe ôtô so với tiêu chuẩn, định mức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật, sau khi rà soát, sắp xếp trong số xe ôtô hiện có thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành và địa phương mà không có xe ôtô phù hợp để điều chuyển.
VnEconomy