MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 1 tỷ cổ phiếu BIDV chuẩn bị về tài khoản 28.684 nhà đầu tư

15-01-2022 - 16:13 PM | Tài chính - ngân hàng

Hơn 1 tỷ cổ phiếu BIDV chuẩn bị về tài khoản 28.684 nhà đầu tư

Sau phát hành chia cổ tức, tổng số cổ phiếu lưu hành của BIDV tăng lên gần 5,059 tỷ đơn vị và ngân hàng không có cổ phiếu quỹ.

Theo thông báo từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID), ngân hàng đã kết thúc đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho nhà đầu tư vào ngày 12/1.

Theo đó, gần 1,037 tỷ cổ phiếu đã được phát hành cho 28.684 cổ đông với tỷ lệ 25,77%, tương đương người nắm giữ 100 cổ phiếu tại thời điểm chốt danh sách sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới.

Số cổ phiếu phát hành có sự thay đổi nhẹ so với công bố trước đó do BIDV thực hiện điều chỉnh lượng phân bổ cho cổ đông chiến lược KEB Hana Bank để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ không vượt quá 15%.

Lượng cổ phiếu phát hành lần này dự kiến sẽ được chuyển giao về cho các nhà đầu tư trong tháng 1.

Hiện, tổng số cổ phiếu lưu hành của BIDV tăng lên gần 5,059 tỷ đơn vị và ngân hàng không có cổ phiếu quỹ.

Ngoài trả cổ tức bằng cổ phiếu, BIDV cũng đã chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 2% với ngày thanh toán dự kiến là 24/1.

Trên thị trường, cổ phiếu BID của BIDV đang thể hiện phong độ ‘’ấn tượng’’ khi là một trong những mã tăng mạnh nhất ngành ngân hàng sau hai tuần giao dịch đầu năm 2022.

Theo đó, đóng của ngày 14/1, thị giá BID dừng ở mức 44.250 đồng/cp, tăng 19,3% chỉ sau 9 phiên giao dịch của năm 2022. Với nhịp tăng trên, cổ phiếu BID đang được giao dịch ở vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2014 (giá đã điều chỉnh).

Về kết quả kinh doanh, tại Hội nghị trực tuyến Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và công tác kinh doanh năm 2022 diễn ra mới đây, lãnh đạo BIDV cho biết ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2021 được Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.

Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020, tuân thủ giới hạn tín dụng NHNN giao (12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng.

Đáng chú ý hơn là nợ xấu, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn của BIDV giảm rất mạnh. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021 giảm 0,73 điểm % so với năm 2020 xuống còn 0,81% và tỷ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82 điểm %.

Đi cùng đà giảm của nợ xấu, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu) của BIDV đã đạt 235% vào cuối năm 2021, mức cao nhất trong các năm gần đây.

Quốc Thụy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên