Hơn 10 năm ‘sống mòn’ trong dự án treo
Hàng trăm hộ dân dự án du lịch Làng chài Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam mong sớm thoát quy hoạch treo để ổn định cuộc sống.
- 22-05-2016Bí thư Đinh La Thăng ra “tối hậu thư” cho các dự án treo
- 27-11-2015Đắk Lắk: Hàng loạt dự án treo trên “đất vàng” gây lãng phí
- 26-11-2015Đà Nẵng quyết liệt thu hồi dự án treo: Nói dễ, làm vướng
Làng chài Điện Dương, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam nằm trải dài ven biển. Nơi đây có bãi biển Thống Nhất đẹp và xanh mát, rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, từ khi có dự án du lịch về làng, người dân chưa kịp vui lại phải sống trong khổ sở hơn 10 năm nay vì quy hoạch treo.
Chưa vui đã rầu
Ông Nguyễn Được, 80 tuổi, ở thôn Hà My Đông B, phường Điện Dương, chỉ cho chúng tôi xem ngôi nhà đã xuống cấp, tường nứt nhiều nơi. “Ngôi nhà cấp bốn tui xây từ năm 1997, tới giờ xuống cấp trầm trọng, rất nguy hiểm, nhất là những lúc trời mưa bão. Vừa rồi gia đình có xin làm lại ngôi nhà kiên cố nhưng chính quyền nói chỉ sửa những chỗ hư hỏng nhỏ như mái ngói chứ không cho làm nhà mới” - ông Được cho biết. Cũng theo ông Được, năm 2006-2007 cán bộ có đến kiểm kê nhà cửa, tài sản nhưng đến giờ không thấy nói chuyện bồi thường giải tỏa. “Đã hơn 10 năm rồi, nhà thì ngày một hư hỏng nhưng gia đình tui cũng chỉ biết chờ” - ông Được nói.
Còn ông Nguyễn Hú, 62 tuổi thì bày tỏ sự mệt mỏi khi kể về căn nhà của gia đình ông nằm trong dự án quy hoạch du lịch. Ông cho biết từ năm 2006 có người đến kiểm kê nhà cửa, đất vườn để bồi thường giải tỏa khiến gia đình ông rất mừng. Nhưng rồi kiểm kê xong thì từ đó đến nay không có tin tức gì nữa. Sau đó ông nghe chủ đầu tư bỏ đi, không thực hiện dự án nữa. “Đến năm 2016, có một công ty khác tới cũng nói là bồi thường giải tỏa cho gia đình nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi gì” - ông Hú lắc đầu ngao ngán. “Ngặt cái là nhà cửa hư cũng không dám sửa vì sửa họ nói không bồi thường, còn cứ để vậy thì cũng sợ vì nguy hiểm” - bà Trần Thị Siêng ngồi cạnh bức xúc lên tiếng.
Ông Nguyễn Được nay đã 80 tuổi, mong được sửa lại ngôi nhà nứt nẻ để sống vui với tuổi già. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Ghi nhận thực tế của PV Pháp Luật TP.HCM một ngày đầu tháng 6-2017, nhiều hồ nuôi tôm của người dân ở dọc ven biển Hà My nằm trong dự án quy hoạch du lịch đã được đập bỏ. Dọc những khu đất này còn để ngổn ngang gạch ngói và những nền nhà xi măng... Chẳng có máy móc nào được đưa vào thi công để chứng tỏ là dự án đang khởi động. Tất cả hộ dân có nhà nằm trong dự án chưa được chủ đầu tư trả tiền bồi thường giải tỏa. Theo người dân, có một số hộ đã được nhận tiền bồi thường về đất trồng hoa màu.
Ba lần thay chủ, dự án vẫn… treo
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2006, sau khi tuyến đường ven biển Hội An-Đà Nẵng được khơi thông cũng là lúc hàng loạt dự án du lịch ven biển được triển khai dọc tuyến đường này. Dự án Khu du lịch Làng chài Điện Dương được hình thành trong thời gian này. Gần 190 hộ dân trong vùng dự án trên hy vọng công trình sẽ sớm triển khai theo kế hoạch để góp phần thay đổi diện mạo làng quê nghèo và cuộc sống của họ.
Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho biết dự án Khu du lịch Làng chài Điện Dương đã trải qua ba chủ đầu tư là UBND thị xã Điện Bàn, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô và hiện tại là Công ty Beton 6 (trụ sở Hội An, Quảng Nam). Việc dự án bị trì trệ cho đến hôm nay là do các chủ đầu tư không có nguồn lực để thực hiện dự án.
Về việc người dân phản ánh không được xây dựng hay sửa chữa lại nhà cửa hư hỏng khi đất nằm trong vùng quy hoạch dự án, ông Úc khẳng định là dân vẫn được cấp phép xây nhà chứ không ai cấm. Nhưng muốn làm nhà thì người dân phải có đơn lên chính quyền địa phương rồi mới tiến hành xây dựng. “Nếu lúc đó mà chính quyền cấm, không cho xây thì tôi chịu trách nhiệm. Việc xây dựng nhà của người dân ở vùng ven biển có thể thực hiện xây đến hai tầng theo quy định nhưng phải xây trên đất của mình. Chứ bây giờ tâm lý người dân là đất nằm trong vùng quy hoạch dự án nên cứ xây tràn lan ra ngoài để nhận nhiều tiền bồi thường là không được” - chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nhấn mạnh.
Chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính
Dự án Khu du lịch Làng chài Điện Dương hình thành từ năm 2006 với quy mô 25 ha, do UBND thị xã Điện Bàn làm chủ đầu tư. Khâu quy hoạch, kiểm kê đã hoàn thành vào năm 2008 do Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn thực hiện. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ dừng lại ở đây vì phía chủ đầu tư không có kinh phí để thực hiện dự án. Sau đó, dự án được chuyển nhượng cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô làm chủ đầu tư và đã được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý bằng văn bản.
Tuy nhiên, đến năm 2014 thì công ty này cũng đã quyết định rút lui sau một thời gian dài ôm dự án mà không làm. Ngày 17-3-2014, UBND thị xã Điện Bàn đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam, giới thiệu Công ty CP Beton 6 miền Trung (trụ sở tại TP Hội An) xin làm chủ đầu tư mới cho dự án. Đến ngày 24-3-2015, UBND tỉnh có Công văn số 1125 đồng ý cho Công ty CP Beton 6 miền Trung làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chỉ riêng việc giải phóng mặt bằng của dự án cũng chưa đâu vào đâu.
_____________________________
Nhiều người dân đã quá mệt mỏi, làm đơn mong cấp trên sớm triển khai dự án để họ ổn định cuộc sống. Ngoài ra, do dự án bị treo trong một thời gian dài đã khiến tình trạng tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất công, đất rừng trở nên gay gắt nhằm mục đích hưởng tiền đền bù từ diện tích đất lấn chiếm đã được hợp thức hóa…
Ông Đặng Hùng Liên, Chủ tịch phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam
Pháp luật TPHCM