MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 1000 gia đình thắng “giặc nước” và cuốn sổ đặc biệt: Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao!

11-09-2023 - 12:28 PM | Sống

97% thiệt hại từ thiên tai ở Việt Nam là do bão lũ gây ra, và nạn nhân lại chủ yếu là những đồng bào ở vùng rốn lũ, những gia đình kinh tế khó khăn. Nhưng tình trạng đó đang dần được cải thiện, nhờ mô hình của những ngôi Nhà An Toàn.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là các thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn như bão, lũ lụt... Theo số liệu thống kê, trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với hàng trăm cơn bão. 

Các cơn bão kèm theo mưa lớn, gây ngập lụt diện rộng, dẫn tới những thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản. Hàng trăm nghìn ngôi nhà đã bị phá hủy, hàng nghìn người đã rơi vào tình trạng mất tích hoặc bị thương. Ngay cả những ngôi nhà may mắn không bị tàn phá hoàn toàn cũng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do ngập úng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của người dân sau mỗi trận lũ.

Chứng kiến những tổn thất đó, Dự án Nhà An Toàn thuộc Chương trình Nhà chống lũ của Quỹ Sống Foundation ra đời, từ năm 2013 đến nay không chỉ đem tới hơn 1000 ngôi nhà vững chãi và an toàn hơn cho người dân khi lũ về, mà còn để lại những giá trị khoa học, kinh nghiệm quý báu hứa hẹn giúp nhân rộng giải pháp - tất cả được gói gọn bên trong một cuốn Cẩm nang đặc biệt. 

Hơn 1000 gia đình đã thắng “giặc nước” và tiềm năng vô hạn từ cuốn sổ đặc biệt: Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao! - Ảnh 1.

Những ngôi nhà chống lũ an toàn hơn khi mùa bão đến (Ảnh Dự án Nhà An toàn)

"Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao"

Cuốn cẩm nang đặc biệt này mang tên "Sổ tay Nhà An toàn", bao gồm đầy đủ mọi thông tin về dự án, do Quỹ Sống Foundation biên soạn. Ngay khi mở cuốn sổ tay ra, chi tiết đầu tiên gây ấn tượng với người xem đó là logo giản dị, nhưng bao hàm tất cả ý nghĩa của dự án. 

Đó là hình ảnh một ngôi nhà với hầu hết phần kết cấu sinh hoạt được vẽ cách điệu cùng những đường uốn lượn - biểu trưng cho những con sóng, cho dòng nước lũ. Giờ đây, ngôi nhà không còn bị nhấn chìm bởi những dòng nước nữa, thay vào đó, nó "hiên ngang" đứng vững, bảo vệ cuộc sống người dân qua mùa bão, lũ. 

Như đã nói ở trên, thống kê cho thấy trong suốt hơn 20 năm, Việt Nam phải đối mặt với hàng trăm cơn bão. Tiêu biểu có thể kể tới như cơn bão số 6 vào tháng 10 năm 2006, khiến hơn 600 người thiệt mạng, mất tích và bị thương, gần 350.000 ngôi nhà bị đổ, hư hỏng nặng; hay cơn bão số 9, tháng 9 năm 2009 gây thương vong cho gần 800 người, hơn 21.600 ngôi nhà bị sập, trôi, hơn 258.000 ngôi nhà hư hại…

Có thể thấy, yếu tố chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là những người dân sống trong vùng bão, vùng lũ. Cuộc sống lao động của họ bị ảnh hưởng, nơi ăn, chốn cũ bị nhấn chìm, phá hủy, cuốn trôi... Từ đó, cuốn sổ tay Nhà An toàn ra đời, như một cẩm nang, giúp người dân có thể sống chung với bão, với lũ một cách an toàn hơn, ít thiệt hại hơn. 

Hơn 1000 gia đình đã thắng “giặc nước” và tiềm năng vô hạn từ cuốn sổ đặc biệt: Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao! - Ảnh 2.

Sổ tay Nhà An toàn với phần logo nhỏ ở góc phải, thể hiện ý nghĩa, thông điệp của dự án (Ảnh Dự án Nhà An toàn)

Đặc biệt ngay ở những trang đầu của cuốn sổ tay, xuất hiện hình ảnh cậu bé với gương mặt đáng yêu, đang cầm tấm biểu ngữ cùng các dòng chữ khẩu hiệu đáng chú ý: "Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao". 

Câu nói này ẩn chứa ý nghĩa sâu xa: Tấm lòng đồng bào cả nước hướng đến các vùng chịu ảnh hưởng của những cơn bão lũ thường được thể hiện theo cách phổ biến nhất là những chuyến hàng hỗ trợ thực phẩm, những thùng mì gói. Người người nhà nhà, từ cá nhân đến các tổ chức đều ủng hộ theo cách này, vô tình dẫn đến dư thừa. 

Sự giúp đỡ trong lúc khó khăn là vô cùng cần thiết, nhưng không chỉ có thực phẩm, còn nhiều yếu tố và khía cạnh khác nữa. Và gốc rễ giúp người dân có thể sống chung với bão lũ, sống một cách ung dung khi bão về, đó là họ cần một mái nhà đủ vững chãi, đủ kiên cố. Một mái nhà không bị "giặc nước nhấn chìm", hoặc ít nhất giúp bảo vệ cuộc sống người dân, không bị gián đoạn sinh hoạt. 

Hơn 1000 gia đình đã thắng “giặc nước” và tiềm năng vô hạn từ cuốn sổ đặc biệt: Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao! - Ảnh 3.

Bức ảnh với câu biểu ngữ ý nghĩa ở ngay những trang đầu trong sổ tay Nhà An toàn (Ảnh Dự án Nhà An toàn)

Trải dài xuyên suốt cuốn cẩm nang chính là miêu tả chi tiết cũng như phương pháp, quy trình lựa chọn và thực hiện các mô hình Nhà An toàn của dự án. Tổng cộng có 9 mô hình nhà an toàn, được chia thành 3 nhóm giải pháp là Nhà kê nền, Nhà có gác và Nhà phao. 

Nhóm 1 là Nhà kê nền bao gồm các mô hình nhà: Nhà kê nền thấp, Nhà kê nền cao và Nhà kê nền linh hoạt. Trong đó mô hình Nhà kê nền thấp phù hợp với những vùng lũ bùn dưới 1,5m. Nhà sẽ được nâng cao lên mặt đất một khoảng 1m, quy mô 1 tầng trệt, 3 phòng và mái hiên nhà. Mô hình Nhà kê nền cao phù hợp với những vùng lũ 1,0 - 2,5m. Nhà sẽ có 2 tầng, tầng 1 là bộ khung bê tông cốt thép, có thể xây tường gạch và sử dụng bình thường khi không có lũ. Tầng 2 là nhà gỗ truyền thống địa phương. Còn mô hình Nhà kê nền linh hoạt chủ yếu dành cho là vùng đồng bằng lũ khó tiên lượng. Ngôi nhà sẽ được xây dựng bao gồm 1 tầng trệt, nền nhà được nâng cao không đổ cát, phần kê cao nền được chống trên các cột có thể trượt và nâng lên theo mức cũ. 

Nhóm nhà thứ 2 thuộc dự án là nhóm Nhà có gác, bao gồm 2 mô hình chính, ở mỗi mô hình chính lại có các mô hình nhỏ khác. Đầu tiên là Nhà hai gác, trong đó là nhà hai gác chỉ cho người ở và nhà hai gác có chỗ trú cho gia súc. Ở kiểu nhà này, các ngôi nhà sẽ được đổ sàn bê tông hoặc làm bằng vật liệu có tính kháng nước. Gác xép nhà được xây cao tối thiểu 2,1m. Nhà hai gác được áp dụng cho các vùng trũng thấp, có lũ từ 1,5 - 3m. Thứ 2 là nhà có gác xép tránh lũ, được chia thành kiểu nhà ba gian và nhà ống. Mô hình này có thiết kế gác xép cao hơn mức lũ, kết cấu chắc chắn nhằm chống lại những cơn bão lớn, thường xuyên kèm gió giật mạnh, mức lũ dưới 2m. 

Cuối cùng là nhóm Nhà phao, bao gồm Nhà phao biệt lập và Nhà phao gắn liền nhà xây. Ở Nhà phao biệt lập, ngôi nhà không cần kích thước lớn, mà chủ yếu phục vụ cho mục đích chứa tài sản và để người dân ở tránh lũ. Phía trước nhà có phao gắn với móc neo để điều chỉnh nhà nổi theo mực nước lũ. Còn ở Nhà phao gắn liền với nhà xây, sẽ có một gian nổi nằm ở tầng 2, gắn liền với nhà xây. Chính gian nổi này sẽ trượt được theo mực nước lũ. Mô hình Nhà phao, đặc biệt là Nhà phao biệt lập thường được áp dụng cho các khu vực có mức lũ cao với biên độ dao động lớn từ 4-14m, ngâm lâu từ 3-10 ngày và không có dòng chảy xiết. 

Hơn 1000 gia đình đã thắng “giặc nước” và tiềm năng vô hạn từ cuốn sổ đặc biệt: Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao! - Ảnh 4.

9 mô hình nhà an toàn được triển khai bởi đội ngũ dự án (Ảnh Dự án Nhà An toàn)

Những mô hình Nhà An toàn ở đây không hề chỉ là sản phẩm tồn tại trên giấy hay sinh ra từ "phòng thí nghiệm". Chúng là sự đúc kết, viết lại, miêu tả… từ thực tế của những người thuộc Quỹ Sống Foundation cùng các cộng sự, đối tác, nhà tài trợ đem đến 11 tỉnh thành trên khắp 3 miền đất nước trong 10 năm qua.

"Đứng trên gác vẫy tay chào lũ thôi"

Với khoản khởi đầu 200 triệu đồng thu được sau buổi gây quỹ, Dự án Nhà An toàn đã bắt đầu hỗ trợ xây dựng 5 ngôi nhà đầu tiên tại xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Trải qua hành trình kéo dài 10 năm, con số này đã lên đến 1153 ngôi nhà trên khắp 3 miền đất nước, tại 11 tỉnh thành, như Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng, Hậu Giang...

Những thành tựu này đã giúp giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho tới 80% số hộ dân trên các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi cơn bão và lũ, khiến 90% hộ dân không còn phải lo lắng khi mùa bão đến. Gần 100% số hộ dân trở nên tự tin hơn trong tương lai, và 85% hộ dân bày tỏ sự hài lòng hơn về cuộc sống. 

Nếu như trước kia, nhắc về những căn nhà khi bão đến, người dân chỉ biết tặc lưỡi, lắc đầu, lo sợ nhà có thể sập, con cái có thể gặp nguy hiểm, thì giờ đây mọi chuyện đã khác. Ai nấy đều nở nụ cười thật tươi trên môi, nói rằng: "Nhà mới ở thoải mái hơn, ngủ được ngon giấc", "3-4 đêm tôi không ngủ được. Con trai hỏi tôi làm sao thì tôi chỉ biết nói là mừng quá con ơi", hay "Mình có đi làm thì con cái ở nhà vẫn khỏe re, thấy rất vui". 

Mùa bão năm 2021, ông Sinh, một hộ dân có nhà an toàn, ngồi tựa vào cột bê tông của chiếc cầu thang đi lên gác chống lũ, mỉm cười vung tay nói: “Giờ có nhà mới rồi, lũ đến thì đứng trên gác vẫy tay chào lũ thôi”. 

Hàng trăm, hàng ngàn nụ cười hạnh phúc bừng nở khi không còn phải đối mặt với cảnh "mất nhà" khi mùa bão tới, thể hiện tầm quan trọng và hiệu quả thực sự của Dự án Nhà An toàn.

Hơn 1000 gia đình đã thắng “giặc nước” và tiềm năng vô hạn từ cuốn sổ đặc biệt: Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao! - Ảnh 5.

Hơn 1000 gia đình đã thắng “giặc nước” và tiềm năng vô hạn từ cuốn sổ đặc biệt: Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao! - Ảnh 6.

Ảnh: Dự án Nhà An toàn

Bà Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều), người sáng lập Nhà Chống lũ chia sẻ: "Với hầu hết người dân thì họ đều muốn gắn bó với mảnh đất quê hương họ không muốn rời. Mình sẽ xây lại chính cái ngôi nhà của họ đã bị sập thành những ngôi nhà có khả năng chống lũ, chống bão".

"Nhà chống lũ sẽ đưa ra cái lõi để đảm bảo toàn tính mạng cũng như các nhu cầu cơ bản nhất con người như nghỉ ngơi. Phần còn lại thì người dân có quyền tự cơi nới phần lõi đó để phù hợp với nhu cầu mở rộng của bản thân gia đình", kiến trúc sư Trần Hữu Khoa, một trong các kiến trúc sư tham gia dự án nói thêm.

Từ các thành viên Quỹ, cho đến các chuyên gia, kiến trúc sư, tất cả mọi người cùng nhau lăn lộn, dốc hết thời gian, tâm sức để đến tận nơi, khảo sát các địa bàn, bám sát từng căn nhà khi chúng được xây lên. Hay các mạnh thường quân và cán bộ địa phương khắp nơi, luôn sẵn sàng chung tay cùng Quỹ, đầu tư tiền tài, vật lực cho người dân... 

Hơn 1000 gia đình đã thắng “giặc nước” và tiềm năng vô hạn từ cuốn sổ đặc biệt: Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao! - Ảnh 8.

Jang Kều, một trong những người đầu tiên sáng lập Quỹ và điều hành dự án Nhà An toàn cùng các cộng sự của mình (Ảnh: We Choice Awards 2020)

Nhờ sự sát sao, tâm huyết trong từng mái nhà, mà những người làm dự án trở nên gắn kết với người dân hơn bao giờ hết. Nhiều kiến trúc sư chia sẻ, họ thật sự đã được người dân coi như những người ruột thịt, người thân trong gia đình. "Một kiến trúc sư, sau khi làm xong một ngôi nhà, thì tình cảm cũng như sự gắn kết với chủ nhà cũng chính ngôi nhà ấy sẽ phai nhạt dần. Tuy nhiên với căn nhà chống lũ, thì ngược lại, càng ngày càng trở nên gắn bó", kiến trúc sư Đinh Bá Vinh, Phó Giám đốc Kỹ thuật, Kiến trúc sư trưởng chương trình tâm sự.

Vốn đối ứng - phương pháp đặc biệt để tạo nên một căn nhà an toàn

Để có một ngôi nhà an toàn, đầu tiên, đại diện dự án cùng các chuyên gia sẽ thực hiện các bước như khảo sát địa bàn, khảo sát thông tin các hộ dân theo đề xuất của địa phương, đánh giá hiện trạng căn nhà. Có 7 tiêu chí để chọn các hộ dân tham gia dự án Nhà An toàn, đó là:

+ Hộ dân nằm trong khu chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu

+ Hộ dân có nhu cầu và động lực xây nhà an toàn

+ Hộ dân thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn

+ Hộ dân có đông thành viên và có nhân khẩu trẻ (Không hỗ trợ các hộ gia đình neo đơn hoặc chỉ có người già sinh sống)

+ Phần đất xây dựng là đất ở, có bằng chứng sở hữu hợp pháp, không có tranh chấp, không thuộc diện quy hoạch hoặc di dời

+ Hỗ trợ thiết kế xây dựng. Hộ dân cần tham gia trong suốt quá trình thiết kế để phương án xây dựng phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của hộ

+ Hỗ trợ kinh phí từ 20-35 triệu đồng đối với nhà cải tạo và từ 35-50 triệu đồng đối với nhà xây mới. Hộ dân cần đối ứng phần kinh phí còn lại để hoàn thiện căn nhà

Không giống một hoạt động từ thiện thông thường, ở Nhà An toàn, các hộ dân phải có đối ứng ít nhất 50% kinh phí xây dựng. Điều này giúp đảm bảo chính các hộ dân phải có tránh nhiệm bảo vệ, giữ gìn và quý trọng thành quả ấy. "Điều quan trọng ở trong dự án của chúng tôi là mỗi hộ gia đình phải có tiền đối ứng. Có nghĩa là họ phải đóng góp tài chính cho việc xây nhà. Họ cũng sẽ đóng góp cả công sức, từ đó họ sẽ biết giữ gìn và quý trọng ngôi nhà của mình hơn", ông Nguyễn Văn Tuấn, Quản lý Dự án địa bàn miền Tây chia sẻ. 

Hơn 1000 gia đình đã thắng “giặc nước” và tiềm năng vô hạn từ cuốn sổ đặc biệt: Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao! - Ảnh 10.

Đội ngũ chuyên gia, cán bộ và kiến trúc sư luôn sát sao trong từng căn nhà (Ảnh Dự án Nhà An toàn)

Sau khi chủ hộ, dự án đi tới thống nhất, họ sẽ cùng Đại diện Chính quyền địa phương, ký bản cam kết hỗ trợ giữa 3 bên. Quá trình thi công nhà sẽ được tiến hành càng sớm càng tốt dưới sự giám sát và theo dõi chặt chẽ. Sau trung bình khoảng 2-4 tháng, ngôi nhà hoàn thành, được nghiệm thu, kinh phí được giải ngân thành 2 lần giữa và sau khi kết thúc quá trình thi công. Và cuối cùng là bàn giao và để người dân đưa ngôi nhà vào sử dụng. 

Sau 10 năm, đến nay Dự án Nhà An toàn vẫn tiếp tục hoạt động và duy trì với mục tiêu đem đến nhiều hơn nữa những ngôi nhà chống lũ. Những ngôi nhà vững chắc trước cơn bão không chỉ là biểu tượng của sức mạnh chung, mà còn góp phần thúc đẩy tinh thần lạc quan và sự tin tưởng vào khả năng vượt qua khó khăn trong tương lai. Chúng trở thành niềm hy vọng sống mãnh liệt, khắc sâu vào tâm hồn của cộng đồng, mang đến niềm tin rằng mỗi khó khăn đều có thể vượt qua khi tất cả chung tay đoàn kết.

"Chúng tôi muốn đóng góp cái gì đó, gọi là niềm vui nho nhỏ đối với những người, những hoàn cảnh mà họ kém may mắn hơn so với mình", bà Đặng Thùy, Giám đốc Tài Chính và Nhân sự dự án nói. 


Hơn 1000 gia đình đã thắng “giặc nước” và tiềm năng vô hạn từ cuốn sổ đặc biệt: Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao! - Ảnh 11.

Hơn 1000 gia đình đã thắng “giặc nước” từ dự án đặc biệt: Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao! - Ảnh 12.

Đội ngũ Dự án Nhà An toàn cùng các cộng sự, nhà tài trợ mong muốn lan tỏa rộng hơn nữa những giá trị đến với cộng đồng (Ảnh Dự án Nhà An toàn)

Hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nhà cửa dự án còn chú trọng đến việc tạo ra những lớp đào tạo về phòng tránh thiên tai cho cộng đồng. Nhờ vào kiến thức và kỹ năng này, người dân có thể nắm bắt sớm tình hình và đưa ra những phản ứng khẩn cấp hiệu quả trong trường hợp thiên tai đe dọa.

Ngoài ra, mục tiêu lớn hơn nữa của dự án là dần chuyển đổi mô hình Quỹ Sống từ “Quỹ hành động vì cộng đồng” sang “Quỹ của cộng đồng hành động”. 

"Tôi vững tin vào con đường của tôi và những người đồng đội của mình đang đi. Và với sự tiếp sức của cộng đồng, của những người bạn đồng hành, chắc chắn chúng ta sẽ làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn", Bà Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều) nhấn mạnh. 

Đặc biệt mới đây, Nhà An toàn đã ghi tên mình vào danh sách tham gia Hạng mục Dự án của Giải thưởng hành động vì cộng đồng (Human Act Prize) năm 2023 do Báo Nhân Dân tổ chức. Đây được xem như một bước tiến quan trọng, giúp dự án lan tỏa được nhiều hơn những giá trị nhân văn quý báu đến với cộng đồng. 

"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org/

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Hơn 1000 gia đình đã thắng “giặc nước” từ dự án đặc biệt: Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao! - Ảnh 13.


Theo Thu Phương

Phụ nữ số

Trở lên trên