Hơn 2.600 tỷ đồng làm 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành
Hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 của Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai giai đoạn 1 với tổng kinh phí hơn 2.600 tỷ đồng do liên doanh Đèo Cả trúng thầu đã được khởi công xây dựng.
- 13-07-2023Thủ tướng: Khởi công nhà ga sân bay Long Thành trong tháng 8
- 09-07-2023TP.HCM đề xuất đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành bằng ngân sách
- 06-07-2023Sắp khởi công nhà ga sân bay Long Thành hơn 35.000 tỷ đồng
Ngày 14/7, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức khởi công xây dựng công trình Hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 (gói thầu 6.12) của Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1.
Theo quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 của ACV, tuyến chính số 1 dài 4,3km với vận tốc thiết kế đạt 80km/h theo tiêu chuẩn đường chính đô thị được triển khai từ ranh phía Tây của sân bay Long Thành đến quốc lộ 51 (xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai). Tuyến đường này đảm bảo kết nối giao thông từ sân bay Long Thành đến khu vực TPHCM và các tỉnh phía Tây.
Trong khi đó, tuyến chính số 2 dài 3,5km với tiêu chuẩn đường cao tốc cùng vận tốc thiết kế đạt 100km/h nằm trên tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn giữa cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và là tuyến đường rất quan trọng tạo thành hệ thống kết nối cho sân bay Long Thành.
Ngoài ra, tuyến giao thông kết nối số 1 còn là tuyến đường lưu thông, vận chuyển máy móc, trang thiết bị chính phục vụ công tác thi công xây dựng các hạng mục sau này của Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Theo kế hoạch, gói thầu 6.12 do liên danh Đèo Cả thực hiện trong thời gian 885 ngày tổng kinh phí hơn 2.600 tỷ đồng,
Theo ACV, Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối Cảng HKQT Long Thành với giao thông khu vực là rất quan trọng và cần thiết, nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận của hành khách, cũng như đảm bảo việc vận hành thông suốt của Cảng hàng không khi đi vào hoạt động.
Tiền phong