Hơn 30 năm cắt may Âu phục, tiếp đón nhiều Đại sứ nhất Hà Nội, Văn Hùng Tailor: Với tôi, mỗi khách hàng đều là một Đại sứ!
Từng có vinh dự tiếp đón hàng ngàn chính khách quốc tế trong hơn 30 năm làm nghề, ông Văn Hùng (sinh năm 1961) được biết đến như "nhà may của các Đại sứ". Mặc dù vậy, ông khẳng định luôn giành sự quan tâm giống nhau cho từng sản phẩm, bất kể khách hàng là ai.
- 18-01-2023Vợ kém 12 tuổi của Tuấn Hưng: Hot girl đình đám đời đầu, sở hữu khối tài sản khủng
- 18-01-2023Lâu đài Pháp 185 tuổi và 1.600 cửa sổ có giá ngang căn hộ ở Sydney
- 18-01-2023Sự trỗi dậy của “gia tộc ánh trăng”: Khi người trẻ chọn sống sang chảnh, du lịch vi vu nhưng chẳng thèm tiết kiệm một xu
- 18-01-2023Đội hình hot girl đời đầu lên sóng cuối năm: Huyền Baby “cháy” nhất, Linh Rin e ấp bên chồng thiếu gia
- 18-01-2023Thức thời mùa Tết: Giáo viên Tiếng Anh trổ tài viết thư pháp lên trái cây và vật phẩm trưng bày ngày Tết mang về "bài toán thu nhập" cực thú vị
Tiệm may "cha truyền con nối"
Ghé thăm tiệm may nằm khép mình trong con ngõ nhỏ Thọ Xương vào một ngày cuối năm, mật độ khách ra vào tấp nập dường như chỉ có thể bắt gặp ở những shop quần áo bán sẵn. Trên chiếc bàn cắt đã hơn 100 năm tuổi, ông Hùng miệt mài đi những đường kéo sắc nét trong khi Văn Hoàn - con trai ông, đang bận rộn đo và tiếp khách.
Là hậu duệ đời thứ ba của cửa hàng, Hoàn chia sẻ gia đình đã có ông nội làm nghề may tại chính địa điểm này từ giai đoạn 1950, dù lúc bấy giờ đang giai đoạn bao cấp, mẫu mã, vải vóc chưa có nhiều, chủ yếu làm hàng gia công cắt may phục vụ người phương Tây.
Năm 1977, ông Hùng lựa chọn theo nghiệp bố, đi học nghề ở trường Kỹ thuật Cắt may Hà Nội (nay là Trường Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội – 56 Khâm Thiên) sau khi tốt nghiệp phổ thông. Sau đó, ông được giữ lại làm giáo viên trong trường. "Thời điểm ấy, trên địa bàn thủ đô có duy nhất một trường may do nước Đức tài trợ, hỗ trợ đào tạo nhân lực trong khi cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Đầu ra mỗi năm của trường chỉ khoảng 100 người", ông Hùng hồi tưởng.
Một thời gian sau đó, nước Đức tuyển chọn những thợ may lành nghề ở Việt Nam sang học tập và làm việc tại Viện Mốt Berlin, CHDC Đức (nay là CHLB Đức). Không bỏ lỡ cơ hội ấy, ông Hùng đã đăng kí vào cuộc thi cạnh tranh tay nghề toàn miền Bắc, trực tiếp "đối đầu" với hàng trăm người khác, do nghệ nhân Tiến Thành - người được tôn vinh là "đệ nhất kéo thủ" của Hà Nội thời bấy giờ chấm điểm.
Năm ấy, 10 thí sinh đã được tuyển chọn sang Đức, trong đó, ông Hùng là một trong hai thanh niên trẻ nhất. Đáng nói, tay nghề điêu luyện đã giúp ông đứng vị trí cao nhất trong số 270 người dự thi.
Tạm xa vợ mới cưới, tạm "chia tay" bạn bè, người thân, 27 tuổi, ông Hùng sang Tây Đức làm việc. Ở nơi "đất khách quê người", cũng giống như bao người, ban đầu, ông còn bỡ ngỡ về ngôn ngữ, về văn hóa sống. Nhưng nhờ được đào tạo bài bản ở Việt Nam nên công việc may Âu phục trôi chảy, chẳng gặp khó khăn nhiều. Ông lấy đam mê trong công việc khỏa lấp nỗi nhớ nhà.
Năm 1990, khi Đông và Tây Đức chính thức hợp nhất, ông Hùng trở về quê hương. Ông kể: "Thời điểm tôi trở lại Việt Nam, nghề may mặc đang học tập và bước đầu tiếp cận văn hóa thế giới. Nhiều người bỏ nghề may lắm phần vì vất vả, thức đêm thức hôm, phần vì chưa nhận ra tầm nhìn phát triển của thời trang. Khi đó, tôi thuê một cửa hàng nhỏ ở Khâm Thiên để lấy lại tiếng tăm của mình lúc trước. Xu hướng của người dân mới chỉ dừng lại ở việc thuê quần áo đẹp để tham gia các dịp lễ lạt chứ chưa đặt may nhiều".
Bận rộn là một niềm vui
Một thời gian sau đó, ông tiếp tục gây dựng sự nghiệp ở cửa hàng may đo, tiền thân do cụ thân sinh ra ông Hùng là ông Nghiêm Văn Nho làm chủ. Hiện tại, mỗi ngày làm việc của ông Hùng cùng con trai kéo dài đến 12 tiếng. Trong căn nhà nhỏ lúc nào cũng rộn ràng người đến đặt may, người trả sản phẩm. Cận kề cùng làm việc với ông là 2-3 người phiên dịch, hỗ trợ công việc.
"Hiện tại, mọi sản phẩm đều do hai bố con tôi cắt theo công thức riêng của cửa hàng chứ nhất định không thuê người ngoài. Thú thực, tốc độ cắt của tôi bây giờ chỉ 10 phút/áo, có khi hơn nhiều thanh niên. Tôi thường bắt đầu một ngày vào 7-8 giờ sáng và thậm chí làm việc đến 2 giờ đêm. Nhiều nơi họ chỉ nhận rồi giao cho thợ làm hết nên nhàn lắm, nhà tôi thì người thật, việc thật. Chừng nào còn khỏe, tôi còn cố được."
Ông Hùng tiết lộ thêm:"Thợ may nhà tôi trước khi được tuyển về cũng đã chinh chiến qua nhiều nơi, họ nói Âu phục nhà tôi độ chữa ít. Đó là một niềm vinh dự lớn".
Nhiều lần, ông Hùng gạt ý tưởng mở thêm cửa hàng của con trai, với lý do hai bố con làm nữa thì không xuể. Ông cũng chẳng cảm thấy thoải mái nếu "thách" giá với khách hàng mấy chục triệu đồng một bộ đồ. Đối với ông Hùng, người nước ngoài hay người Việt, Đại sứ hay người thường, đều được báo giá như nhau, với mức độ quan tâm giống nhau. "Với tôi, mỗi khách hàng đều là một Đại sứ," ông Hùng khẳng định.
Với bất cứ bộ suit nào, ông cũng trau chuốt như thể là lần đầu làm may. Ông bảo, "Một khi khách hàng đặt niềm tin vào mình, tôi cũng chỉ muốn trau chuốt tay nghề để giúp họ có được những trang phục đẹp nhất. Tôi cũng chỉ cần kinh tế vừa đủ, đảm bảo cuộc sống gia đình. Tôi vui lắm, cửa hàng ở ngõ nhỏ, khách hàng vẫn lặn lội tìm đường, đi bộ vào".
Chính vì "tiếng lành đồn xa" nên tiệm may nhỏ của gia đình ông Hùng đã đón tiếp nhiều đại sứ, phó đại sứ tại Việt Nam của nhiều nước. Trong kí ức của ông, đại sứ Pháp Jean-Francois Giraud là một người hiểu biết sâu, rất cẩn thận và khó tính. Ông đã đặt may tới 20 bộ vest trong suốt nhiệm kỳ tại Việt Nam để dành cho những dịp tiếp khách đặc biệt. Hiện tại, vị đại sứ đã trở về nước nhưng vẫn thường xuyên hỏi thăm ông Hùng thông qua một người bạn khác cũng là khách hàng nhà ông Hùng.
Đã ba đời đại sứ Pháp là "khách hàng thân thiết" của Văn Hùng Tailor. Khoảng 14-15 năm trước đây, vị đại sứ đầu tiên đã tới tiệm may của ông Hùng và bày tỏ ngưỡng mộ tay nghề của ông từ khi còn ở Đức. Ngoài ra, tiệm còn từng đón các vị đại sứ, phó đại sứ, tham tán của Anh, Mỹ, Australia, Canada, Đan Mạch, New Zealand, Thuỵ Sĩ...
Ông Hùng chụp cùng Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz (Ảnh: NVCC).
Ông Hùng và Tham tán Đại sứ quán Liên Bang Nga tại Việt Nam Arkady Druzhinin (Ảnh: NVCC)
Ông Hùng đứng cạnh Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew (Ảnh: NVCC).
Ông Hùng chia sẻ thêm: "Trong cắt may, đối với tôi, những người "đứng núi nọ trông núi kia" khó thành nghề được. Dù làm bất cứ công việc gì, tâm huyết cũng phải đặt lên đầu. Hơn nữa, nghề của mình nhiều người trẻ làm tốt, người già như tôi làm chưa chắc đã tốt. Già nhưng không chịu trau dồi, học hỏi, khó làm tốt".
Thể thao & văn hóa