MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 30% vốn FDI rót vào Đồng bằng sông Hồng

Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng thu hút được 11.460 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 121,05 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng thu hút được 11.460 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 121,05 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Với những lợi thế vượt trội, hiện Đồng bằng sông Hồng là vùng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ 2 cả nước sau Đông Nam Bộ.

Trong số những dự án FDI đầu tư vào Đồng bằng sông Hồng, có nhiều các dự án "tỷ đô" đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc)…

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, riêng vùng Đồng bằng sông Hồng thu hút được 11.460 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 121,05 tỷ USD, chiếm 33,6% tổng số dự án và 30,2% tổng số vốn FDI cả nước.

"Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng năm 2020 - 2021 Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ trong thu hút, đạt trên 30 tỷ USD một năm. Đây là con số không thấp. Trước mắt Việt Nam còn khó khăn nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy Việt Nam là điểm đến tin tưởng để vào đầu tư lâu dài", ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện nghiên cứu đầu tư quốc tế, cho biết.

Đồng bằng sông Hồng có nhiều lợi thế hấp dẫn các nhà nước ngoài nhờ vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, có hệ thống giao thông kết nối tốt nhất cả nước.

Tuy nhiên, hạn chế mà nhiều địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng đang gặp phải là thu hút được nhiều dự án FDI quy mô lớn, nhưng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực, ngành sử dụng nhân công giá rẻ như: dệt may, dày dép, lắp ráp thiết bị và bất động sản, nên việc lôi kéo các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, công nghiệp phụ trợ chưa có, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa cao, đòi hỏi những giải pháp mang tính bền vững, lâu dài.

"Chúng ta phải lựa chọn dự án, đối tác phù hợp với điều kiện của Việt Nam, không được để ra sai sót trong việc lựa chọn dự án. Thúc đẩy nền kinh tế tư nhân phát triển để xây dựng nền công nghiệp phụ trợ, xây dựng lĩnh vực công nghiệp mới, nhằm nâng cao chất lượng và lựa chọn dự án mà hiện nay Việt Nam cần đón đầu về công nghệ mới", ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện nghiên cứu đầu tư quốc tế, nhận định.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong Vùng cũng đang đối mặt với vấn đề thiếu quỹ đất sạch quy mô lớn để thu hút đầu tư. Theo đó, bên cạnh tăng chất lượng dòng vốn FDI, tạo quỹ đất sạch để thu hút được những dự án FDI lớn cũng là điều các địa phương trong vùng cần quan tâm trong thời gian tới.

Theo Thúy Hằng

VTV News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên