MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 4 tháng không thể giải ngân chỉ vì chờ một văn bản

Hàng loạt dự án giao thông quy mô lớn không thể giải ngân trong nhiều tháng đầu năm do việc giao vốn chậm, vướng mắc về thủ tục hành chính.

Ngoài hơn 6.000 tỷ đồng còn tồn lại của 11 dự án cao tốc Bắc - Nam, hàng loạt dự án giao thông quy mô lớn không thể giải ngân trong nhiều tháng đầu năm do việc giao vốn chậm, vướng mắc về thủ tục hành chính từ các bộ, ngành liên quan.

“No dồn, đói góp”

Được đầu tư với tổng vốn hơn 6.355 tỷ đồng, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là một trong những dự án ODA trọng điểm của Bộ GTVT đang chịu sức ép rất lớn về giải ngân do việc giao bổ sung vốn chậm.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long (chủ đầu tư) cho biết, ngay từ cuối tháng 10/2018, đơn vị đã giải ngân hết toàn bộ vốn kế hoạch 2018 cho dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Đến đầu tháng 11/2019, Tổng công ty Cửu Long đã có văn bản đề xuất các bộ, ngành bổ sung vốn 2018 và giao vốn kế hoạch 2019 cho dự án với tổng số vốn là 1.200 tỷ đồng. “Tuy nhiên, đến tận tháng 8/2019, Bộ KH&ĐT mới có quyết định giao vốn cho dự án này”, ông Thi nói.

Theo ông Thi, việc chậm giao vốn của các bộ, ngành liên quan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công và giải ngân của công trình. Suốt 10 tháng từ tháng 11/2018 - 8/2019, không có vốn để giải ngân nên công tác thi công trên công trường bị đình trệ, các nhà thầu thi công cầm chừng khiến dự án đang bị chậm tiến độ, mỗi gói thầu chậm khoảng 10 - 15% so với kế hoạch đề ra.

“Việc giao vốn muộn lại trùng với thời điểm mùa mưa khiến công tác triển khai thi công gặp khó khăn đang tạo ra áp lực rất lớn cho chủ đầu tư trong công tác giải ngân vào những tháng cuối năm. Từ nay đến thời điểm kết thúc giải ngân năm 2019 chỉ còn chưa đầy 4 tháng, chúng tôi phải giải ngân số tiền lên tới hơn 800 tỷ đồng quả thực là thách thức rất lớn”, ông Thi nói và cho biết, Tổng công ty Cửu Long đang đề xuất trả lại 400 tỷ đồng vốn 2019 vừa giao cho dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vì không thể giải ngân hết.

Tương tự, dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (TMĐT 900 tỷ đồng) dù nằm trong kế hoạch sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 nhưng cũng phải chờ đến tháng 8/2019 mới được Bộ KH&ĐT giao vốn kế hoạch 2019 (295 tỷ đồng). Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA7 (chủ đầu tư) cho biết, theo quy định, sau khi được giao vốn, đơn vị mới có thể tiến hành triển khai các bước tiếp theo. Hiện nay, dự án vẫn đang tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp.

“Đây là dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nên bắt buộc phải hoàn thành vào năm 2020. Dự án được giao vốn muộn đang khiến công tác giải ngân gặp rất nhiều vất vả, chúng tôi đang phải chạy hết công suất để đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình vào năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Giá như dự án được giao vốn từ giai đoạn 2016 - 2018 thì tốt biết mấy, bởi vài năm đầu nhiệm kỳ chẳng có việc để làm, nay giao cho cục tiền lại sát thời hạn thế này bảo cứ làm đi thực sự là rất khó khăn”, ông Khánh chia sẻ.

Theo thông tin từ Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT), Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Quản Lộ - Phụng Hiệp chỉ là 2 trong số 23 dự án giao thông triển khai trong năm 2019 được bổ sung vốn kế hoạch chậm. Cụ thể, đến tháng 8/2019, các dự án mới được bổ sung kế hoạch với tổng số vốn là 5.164 tỷ đồng. “Các dự án này cần có thủ tục để giải ngân số vốn mới được giao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2019 của Bộ GTVT đạt thấp”, đại diện Vụ KH&ĐT thông tin.

Hơn 4 tháng không thể giải ngân vì chờ một văn bản

Không rơi vào nhóm dự án được giao vốn chậm, nhưng các vướng mắc do việc phải điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư kéo dài nhiều tháng tại dự án cảng Lạch Huyện đã tác động lớn lên kết quả giải ngân của Bộ GTVT trong 9 tháng đầu năm 2019. Bởi, trong số vốn kế hoạch 2019 đã giao cho Bộ GTVT (26.163 tỷ đồng), riêng dự án cảng Lạch Huyện đã chiếm 2.087 tỷ đồng.

Hơn 4 tháng không thể giải ngân chỉ vì chờ một văn bản - Ảnh 1.

Việc phải điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư kéo dài nhiều tháng tại dự án cảng Lạch Huyện đã tác động lớn lên kết quả giải ngân của Bộ GTVT trong 9 tháng đầu năm 2019

Ông Trần Anh, Giám đốc Ban QLDA Hàng hải (chủ đầu tư) cho biết, dự án cảng Lạch Huyện được giao 2.087 tỷ đồng vốn kế hoạch 2019 từ tháng 3/2019. Tuy nhiên, lúc này dự án buộc phải điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư mới có thể giải ngân.

“Ngay khi được giao vốn, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT xin ý kiến về việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu của dự án. Thế nhưng, phải hơn 4 tháng sau, ngày 20/8/2019, Bộ KH&ĐT mới có văn bản trả lời chính thức. Đến ngày 26/8/2019, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án. Chỉ một văn bản mà đã mất hơn 4 tháng để chờ sự thống nhất của các Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Suốt quãng thời gian đó chúng tôi không giải ngân được đồng nào bởi nếu không điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư thì không thể giải ngân vốn”, ông Trần Anh chia sẻ.

“Sau khi các vướng mắc về thủ tục tại dự án được tháo gỡ, đến nay, chúng tôi đã giải ngân được 1.331 tỷ đồng. Từ giờ đến cuối năm còn khoảng gần 800 tỷ đồng, chúng tôi dự kiến trong hai tháng 10 - 11/2019 sẽ giải ngân thêm 600 tỷ đồng nữa, số còn lại giải ngân trong tháng 12. Vừa rồi, tôi đã cam kết với Bộ trưởng Bộ GTVT, trong năm nay, Ban QLDA Hàng hải sẽ giải ngân 100% vốn kế hoạch 2019 của dự án cảng Lạch Huyện”, ông Trần Anh nói.

Theo đại diện Vụ KH&ĐT, ngoài việc giao vốn chậm, vướng mắc về thủ tục tại các dự án lớn, kết quả giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2019 của Bộ GTVT đạt tỷ lệ thấp còn do ảnh hưởng của một số nguyên nhân khác như: Chậm trễ trong quá trình triển khai đấu thầu (dự án mở rộng các cầu trên QL1A đoạn qua tỉnh Tiền Giang, dự án tín dụng ngành lần 2 phần bổ sung), vướng mắc, tồn tại trong công tác GPMB (QL12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan, dự án tuyến tránh TP Tân An), điều kiện thời tiết bất lợi (tuyến tránh Kon Tum…

Xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân làm chậm giao vốn

Trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2019, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nguyên nhân chậm giải ngân đầu tiên thuộc về thể chế. Cơ chế lập, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm còn thiếu linh hoạt. Việc điều chỉnh kế hoạch hàng năm phải báo cáo Bộ KH&ĐT hoặc Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Luật Đầu tư công đã hạn chế tính chủ động của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Một số quy định của pháp luật về đầu tư công chưa thật sự hợp lý như việc cho phép các dự án giải ngân 2 năm, một số thủ tục không nhất thiết phải do các cơ quan trung ương thực hiện hoặc có sự kiểm soát. Công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập liên quan đến thẩm định thiết kế, định mức đơn giá xây dựng chậm được cập nhật... phải điều chỉnh quy hoạch dẫn đến một số dự án chậm được phê duyệt quyết định đầu tư.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Xây dựng, các dự án khởi công mới được bố trí vốn đầu năm phải mất nhiều thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu thi công (ngay cả dự án không vướng mắc GPMB). Thời gian này thường mất từ 6 đến 8 tháng, do đó tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Đấu thầu, sau khi được giao vốn, các dự án mới có thể triển khai các bước lựa chọn nhà thầu (tư vấn, thiết kế, thi công...); vì vậy, việc giao kế hoạch vốn chậm ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai thực hiện các dự án.

Về các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2019, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần lập danh mục dự án trọng điểm, phân công cụ thể lãnh đạo theo dõi, đôn đốc quyết liệt việc giải ngân các dự án. Cuối cùng, cần công khai và làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương gây chậm trễ trong việc giao vốn, chậm giải ngân; kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây cản trở, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong việc giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công.

Theo T.Bình - An Na

Báo giao thông

Trở lên trên