Hơn 500 giáo viên trong một huyện sắp bị mất việc
Tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đăk Lăk, hơn 500 giáo viên sẽ bị chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới.
Giáo viên kéo lên trụ sở UBND huyện để "cầu cứu"
Theo thông tin từ TTXVN, chiều 9/3, UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã tổ chức họp để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác sử dụng biên chế, tuyển dụng hợp đồng lao động trong ngành giáo dục dẫn đến dư thừa trên 600 giáo viên.
Buổi họp được tổ chức tại Nhà văn hóa huyện Krông Pắk dưới sự chủ trì của bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Ảnh: Cao Nguyên/Người Lao Động.
Theo đó, khoảng 500 giáo viên đã ký hợp đồng ngắn hạn sẽ bị "chấm dứt hợp đồng" thời gian tới.
Cụ thể, cuối tháng 3/2018, UBND huyện sẽ tổ chức tuyển dụng viên chức với 83 chỉ tiêu. Sau khi có kết quả kỳ thi, huyện sẽ tiếp tục chấm dứt hợp đồng đối với những giáo viên không trúng tuyển.
Như vậy, trong trên 600 giáo viên hợp đồng do UBND huyện tuyển dụng thừa, sẽ có trên 500 giáo viên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Bức xúc việc này, các giáo viên đã kéo lên trụ sở UBND huyện xin gặp lãnh đạo để "cầu cứu".
"Tôi đã có quyết định vô dạy hợp đồng từ năm 2011. Còn mấy ngày nữa tôi sẽ tròn 7 năm đứng trên bục giảng, bây giờ huyện nói cắt hợp đồng, không cho dạy, tôi mất việc giữa chừng", báo Tuổi trẻ ghi nhận tâm trạng xót xa của một nữ giáo viên sau cuộc họp.
Trước đó, chị H.T.N - một trong những GV vừa bị chấm dứt hợp đồng chia sẻ trên báo Người lao động: "Năm 2008, tôi được ký hợp đồng làm GV môn Âm nhạc. Từ đó đến cuối năm 2015, tôi được nhận đầy đủ các chế độ như một GV bình thường với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Nghĩ rằng mình đã có nhiều năm công tác nên công việc sẽ ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, đến năm 2016, tôi bị cắt hết các khoản, chỉ còn tiền đứng lớp khoảng 2 triệu đồng/tháng. Mức lương thấp nhưng cũng tạm để tôi trang trải cho con cái, trả tiền phòng trọ".
Nữ GV này cho hay bất ngờ đầu năm 2017, chị nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng. Sau gần 10 năm gắn bó, cống hiến cho ngành giáo dục, chị rất hoang mang khi bị chấm dứt hợp đồng.
Chị N. đã lớn tuổi nên không thể học thêm một ngành nào khác. Chị đã làm đơn gửi cơ quan chức năng xin được tiếp tục giảng dạy vì vừa yêu nghề vừa để kiếm sống nhưng chưa nhận được hồi âm.
Kiểm điểm trách nhiệm đối với giám đốc Sở Nội vụ và chủ tịch UBND huyện
Trước đó, thanh tra Chính phủ vừa có thông báo Kết luận số 65, về việc thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo tại Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ Công thương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Đại đoàn kết
Trong đó có yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với giám đốc sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk và chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) nhiệm kì (2015-2020) vì tuyển dụng dư hơn 600 giáo viên.
Theo đó, thông báo yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm trách nhiệm đối với giám đốc Sở Nội vụ trong việc thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại UBND huyện Krông Pắk, để xảy ra trong thời gian dài, không kịp thời tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý.
Kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kì 2015- 2020 do tiếp tục kí hợp đồng với giáo viên khi đã có kiến nghị của Thanh tra tỉnh.
Bên cạnh đó công văn còn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk khẩn trương khắc phục số lượng giáo viên đã hợp đồng thừa theo các phương án đã đề ra, thông tin trên báo Đại đoàn kết.
Thời Đại