MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 600 triệu USD vốn FDI "chảy vào bất động sản 5 tháng đầu năm

10-06-2017 - 19:07 PM | Bất động sản

Theo Tổng cục Thống kê, trong những tháng đầu năm, thị trường bất động sản (BÐS) vẫn trên đà tăng trưởng ổn định. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 5 tháng đầu năm trong lĩnh vực BÐS đạt hơn 600 triệu USD, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2016.

Trong 5 tháng đầu năm, thị trường xuất hiện 1.859 doanh nghiệp, tăng 72,8% về số doanh nghiệp và 43,8% về số vốn. Điều này cho thấy thị trường bất động sản năm 2017 vẫn tiếp tục sự ổn định của năm 2016 và có phần mạnh mẽ hơn nhờ những chính sách hiệu quả của Nhà nước giúp cho nền kinh tế vĩ mô có điều kiện tốt nhất để phát triển lâu dài và bền vững.

Cùng đó, lượng vốn FDI đổ vào bất động sản trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 600 triệu USD cũng là tín hiệu đáng được ghi nhận. Thêm yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến thị trường bất động sản là lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng cao. Tính chung 5 tháng của năm 2017, ước đạt trên 5,2 triệu lượt khách, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Đặc biệt, Việt Nam đang dần miễn thị thực cho khách nhập cảnh ngắn ngày như mới đây là 5 nước Tây Âu đã thu hút lượng khách khá lớn từ các quốc gia này đến du lịch tại Việt Nam.

Thực tế đã có một số dự án FDI lớn tại TP.HCM như Creed Group đầu tư vào City Gate 500 triệu USD River City với Phát Đạt và An Gia Investment, Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác với Nam Long. Gần đây Toshin Development đã đề xuất đầu tư dự án Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành. JICA cho biết Nhật Bản giúp Việt Nam đầu tư dự án chống ngập ở TPHCM trị giá 211 triệu USD, bắt đầu thực hiện vào năm 2017, nhà đầu tư sẽ được nhận khu đất trị giá ngang với tổng mức đầu tư của dự án để phát triển chung cư 20 tầng. Các tập đoàn Nhật Bản hiện cũng muốn đầu tư dự án trung tâm thương mại ngầm ngay nhà ga metro số 1 ở Bến Thành, quận 1...

Song song đó, Maeda với Thiên Đắc phát triển dự án căn hộ cao cấp Waterina (Quận 2), Global Group bắt tay với Công ty CP Nhà Mơ đầu tư dự án ở Quận 8; Pressance Corporation ký hợp tác với Tiến Phát để cùng mua lại một dự án và triển khai xây dựng 500 căn hộ, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng...

Nhiều chuyên gia nhận định, đây là tín hiệu tích cực đối với sự phát triển của thị trường BÐS. Trước đây, nguồn vốn FDI đổ vào thị trường BÐS thường qua kênh là các quỹ đầu tư, ủy thác, đơn vị liên doanh,… nhưng kể từ khi Chính phủ ban hành chính sách mở cửa để người nước ngoài được phép sở hữu nhà tại Việt Nam, nhiều DN, cá nhân nước ngoài đã trực tiếp tham gia sâu, thực chất hơn vào thị trường và phân khúc được quan tâm hơn cả là cao cấp, nghỉ dưỡng. Ðây là những phân khúc được đánh giá có nguồn cung dồi dào, thậm chí vượt xa cầu.

Theo dự báo, nguồn vốn FDI đổ vào BÐS sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ nhiều chính sách cởi mở cũng như tiềm năng du lịch của nước ta còn lớn. Nhiều dự án, nhất là các dự án ven biển, khu nghỉ dưỡng nằm "đắp chiếu" trong thời gian dài, gần đây đã rục rịch khởi động trở lại và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Gia Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên