Hơn 99% dòng thuế xuất khẩu sang Anh sẽ được xóa bỏ nhờ FTA Việt Nam - Anh
Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm.
- 13-12-2020Covid-19 khiến chỉ tiêu xuất khẩu lao động khó về đích
- 12-12-2020Những lưu ý về chế độ trợ cấp thất nghiệp người lao động cần biết
- 12-12-2020Số chuyến bay các hãng hàng không từ đầu năm đến nay giảm ra sao?
Ngày 11/12, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss đã chính thức ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKV FTA).
Tại Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng của Việt Nam và Vương quốc Anh cho biết, FTA song phương này mang tới một sự tiếp nối quan trọng đối với mối quan hệ thương mại năng động và phát triển nhanh chóng của hai bên. Năm 2019, các doanh nghiệp UK đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 600 triệu bảng Anh sang Việt Nam. Cũng trong năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang UK với trị giá khoảng 4,6 tỷ bảng Anh.
FTA song phương Việt Nam – UK vẫn duy trì các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Thương mại hàng hóa từ dệt may, da giầy cho tới các mặt hàng thủy sản vẫn không bị gián đoạn. Thương mại dịch vụ, cụ thể là dịch vụ tài chính và thương mại điện tử, có thể tiếp tục phát triển.
Các doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam và UK. Điều này bao gồm 65% số dòng thuế đã được xóa bỏ trong thương mại Việt Nam – UK. Con số nói trên sẽ tăng lên 99% sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan.
Đến thời điểm cuối lộ trình, Việt Nam sẽ hưởng lợi qua việc tiết kiệm được 114 triệu bảng Anh tiền thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đối với hàng hóa xuất khẩu của UK, con số tương ứng sẽ là 36 triệu bảng Anh.
Hiệp định này cũng là một bước tiến quan trọng để UK gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD. Trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường này cũng đạt mức cao (trên 10%).
Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là: điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu; Việt Nam nhập khẩu từ Anh gồm: máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.
Dư địa tăng trưởng thị trường tại Vương quốc Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh. Tuy nhiên, khi Anh rời EU, các ưu đãi mang lại từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh. Bởi vậy, việc ký kết một FTA song phương sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA, tránh gián đoạn các hoạt động thương mại do hệ quả mang lại của Brexit.
Theo BizLIVE