Hơn ai hết, ông Trump là người "hiểu rất rõ" chiến tranh thương mại!
Chính sách thuế của chính quyền ông Trump có thể gây ra tác dụng ngược khi làm tổn hại đến quan hệ với các đồng minh thân cận.
- 09-03-2018Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh áp mức thuế mới với thép và nhôm nhập khẩu
- 09-03-2018Dow Jones tăng gần 100 điểm dù ông Trump ký sắc lệnh đánh thuế thép và nhôm
- 07-03-2018Mỹ xem xét đánh thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc
Từ phòng Bầu dục, Nhà Trắng - nơi Tổng thống Mỹ ngồi tại chiếc bàn gỗ quen thuộc. Dù chính sách này vấp phải sự phản đối của một số người (trong đó có cả các cố vấn kinh tế), cuối cùng ông Trump đã ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu thép, nhôm đối với tất cả các quốc gia trừ Canada và Mexico. Theo đó, thép nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị áp thuế 25% và nhôm là 10%. Quy định này sẽ có hiệu lực trong vòng 2 tuần tới.
"Thép là thép. Nếu bạn không sở hữu thép, bạn sẽ không có một quốc gia", ông Trump nói. "Những hành động chúng ta làm trong ngày hôm nay không phải là vấn đề lựa chọn, mà là sự cần thiết cho nền an ninh quốc gia".
Tuy nhiên so với những lời cảnh báo của ông Trump từ tuần trước, các biện pháp được thực thi ngày hôm qua đã mềm mại hơn: Mexico và Canada sẽ được đặc cách tạm thời trong khi các vòng đám phán tái thiết lập NAFTA đang diễn ra.
Chính quyền của ông Trump cũng cho biết họ sẵn sàng đàm phán với các đối tác bị ảnh hưởng để tìm ra các biện pháp giảm nhập khẩu khác, ngoài đánh thuế, bao gồm hạn ngạch tự nguyện hoặc hạn chế nhập khẩu như những năm 1980 đối với hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản.
Hôm qua, Tổng thống Trump nói cuộc thảo luận với các quốc gia đồng minh Mỹ về thuế quan có thể dựa trên mức độ chi tiêu quốc phòng của họ. "Nhiều nước đối xử rất tệ với chúng tôi cả về thương mại lẫn quân sự lại chính là đồng minh của chúng tôi".
Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng bảo vệ chủ nghĩa thương mại bảo hộ lập luận rằng thép và nhôm là hai mặt hàng quan trọng đối với an ninh quốc phòng và sức khỏe nền kinh tế. Một quan chức cao cấp của Nhà Trắng ngày hôm qua trả lời phóng viên rằng: "Lý do cơ bản là quan điểm an ninh quốc gia và an ninh kinh tế không bao giờ được để bị tấn công".
Ông Trump lại tuyên bố rằng biện pháp này nhằm mục đích bảo vệ các công nhân nhôm thép của Mỹ khỏi những gì mà ông coi là cạnh tranh không lành mạnh. Che giấu sự bảo hộ trong cái vỏ an ninh quốc gia vô tình đã để lộ một thực tế rằng nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với một loạt khiếu nại từ các đối tác thương mại tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Với vai trò là một chính sách công khai nhằm mục đích tăng cường an ninh quốc gia, biện pháp thuế quan vô tình đã chọc giận một nhóm các quốc gia mà Mỹ có quan hệ đồng minh chính thức, đối tác an ninh hoặc liên kết quốc phòng chặt chẽ.
Tính đến tháng 9/2017, 10 quốc gia và vùng lãnh thổ hàng đầu xuất khẩu thép đến Mỹ bao gồm các đồng minh NATO, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và Mexico. Chính sách thuế của chính quyền ông Trump có thể gây ra tác dụng ngược khi mà Washington đang cố gắng giải quyết tình trạng căng thẳng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên với sự trợ giúp của Seoul và Tokyo, làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để chấm dứt chiến tranh ở Syria, tiến gần hơn với Ấn Độ để chống lại Trung Quốc hay cùng với NATO và EU chống lại một nước Nga đang ngày càng hung hăng.
Benn Steil - giám đốc kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận định: "Nếu xét đến vấn đề địa chiến lược, đây là thời điểm kinh khủng để làm một việc như vậy".
Thuế quan được chính thức áp dụng theo một điều khoản an ninh quốc gia của Luật Thương mại Mỹ năm 1962. Sau khi thực hiện điều tra kể từ tháng 4 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đầu năm 2018 đã xác định rằng ngành thép và nhôm đang đe dọa đến an ninh quốc gia. Các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh an ninh quốc gia bao gồm cả cơ sở công nghiệp quốc phòng, khả năng sản xuất vũ khí công nghệ cao như máy bay chiến đấu F-35, cũng như sức khỏe của nền kinh tế.
Khi nói đến nhôm, mối quan tâm chính đáng dễ dàng nhất có thể chỉ ra chính là khả năng sản xuất kim loại tinh khiết, phục vụ quân sự cần có cho các hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ đang co lại. Hiện nay chỉ còn duy nhất một nhà máy ở Mỹ sản xuất kim loại hàng đầu phục vụ cho quốc phòng - nguyên nhân tiềm ẩn gây ra mối lo ngại đe dọa an ninh trong bối cảnh Trung Quốc đang xây dựng một hạm đội hải quân tại Ấn Độ Dương, các đối thủ khác cũng có nhiều tiến bộ trong hệ thống phòng không, máy bay chiến đấu và trí thông minh nhân tạo.
Theo ông Patrick Cronin - Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á -Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, sự tái nổi lên của cạnh tranh quyền lực thế giới có thể đòi hỏi một số đầu tư nhằm đảm bảo cơ sở đổi mới công nghiệp và quốc gia. "Tuy nhiên, thuế quan đang trở thành một vụ tai tiếng hơn là một đường đạn đúng hướng".
Mặc dù Mỹ là quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất thế giới, thật khó để khiến việc này trở thành nỗi lo lắng cho an ninh quốc gia. Các nhà cung cấp hàng đầu của Mỹ bao gồm Canada, Mexico, Hàn Quốc và Brazil.
Trong khi đó, chưa chắc thuế quan sẽ thúc đẩy sức khỏe nền kinh tế Mỹ nói chung. Liên minh châu Âu đã có danh sách trả đũa những sản phẩm xuất khẩu của Mỹ bị áp thuế cao hơn, từ xe máy Harley-Davidson đến whiskey Kentucky bourbon, ảnh hưởng đến khoảng 3 tỷ USD kim ngạch thương mại hàng năm. Một số quốc gia khác, từ Brazil đến Hàn Quốc cũng hứa hẹn sẽ thực hiện hành động trả đũa tương tự, dấy lên mối lo ngại cho ngành nông nghiệp của Mỹ - một nhà xuất khẩu lớn trên thế giới.
Chính sách thuế quan nhằm bảo vệ công nhân thép trong năm 2002 đã gây ra tình trạng thất nghiệp trên diện rộng từ thợ hàn, sản xuất ô tô đến các nhà sản xuất thiết bị. Trong khi các nhà sản xuất ô tô như Ford đang cố gắng khắc phục ảnh hưởng gây ra do giá nhôm thép cao sẽ ăn mòn lợi nhuận, một số công ty sử dụng thép khác cũng đang trì hoãn kế hoạch đầu tư của mình vào Mỹ.
Phòng Thương mại Mỹ - nhóm lobby kinh tế lớn nhất nước Mỹ trong tuần vừa qua đã cố gắng thuyết phục chính quyền Trump không áp dụng thuế quan. Phía này cảnh báo rằng việc làm này sẽ gây tổn thương đến ngành sản xuất và kích thích lên một cuộc chiến tranh thương mại trong khi bỏ qua một vấn đề lớn nhất trong ngành kim loại: khối lượng sản xuất dư thừa ở Trung Quốc.