MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hòn đảo này đang là nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

06-12-2019 - 09:36 AM | Tài chính quốc tế

Điều này một phần đến từ sự gần gũi về địa lý và liên kết thương mại chặt chẽ với Trung Quốc đại lục.

Các nhà kinh tế thường nói rằng không có người chiến thắng thực sự trong một cuộc chiến thương mại, nhưng điều này không hoàn toàn chính xác. Một báo cáo gần đây của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết Đài Loan đang đạt được "hiệu ứng chuyển hướng thương mại" ở mức 4,2 tỷ USD, cao hơn bất kỳ thị trường nào khác.

Theo cơ quan thương mại và đầu tư U.N, ngành kinh doanh được hưởng lợi nhiều nhất của Đài Loan là về máy móc văn phòng và thiết bị truyền thông. Máy móc văn phòng bao gồm phần cứng công nghệ chiếm hơn 2,8 tỷ USD.

Các nhà phân tích cho biết, hòn đảo đã trở thành một cường quốc sản xuất từ nhiều thập kỷ trước hiện đang thu hút thêm một lượng lớn vốn chuyển hướng vì ngành công nghệ đã chín muồi, cộng với những nhân tài địa phương và mối quan hệ kinh doanh lâu đời với Trung Quốc, bao gồm chuỗi cung ứng chung. Một số công ty Đài Loan đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc trở lại Đài Loan trước khi tranh chấp thương mại nổ ra.

"Đài Loan đang ở một vị trí tuyệt vời để hưởng lợi từ các hiệu ứng chuyển hướng thương mại của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, theo Edward Gardner, nhà kinh tế của FocusEconomics cho biết. Điều này một phần đến từ sự gần gũi về địa lý và liên kết thương mại chặt chẽ với Trung Quốc đại lục.

Đài Loan dần trở nên vượt trội hơn so với còn lại của thế giới

UNCTAD cho biết tranh chấp thương mại đã khiến kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ thiệt hại 36 tỷ USD và 63% trong tổng số đó đã được chuyển hướng sang các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Phần còn lại đã bị mất hoàn toàn hoặc "bị hấp" thụ bởi các nhà sản xuất Mỹ, UNCTAD cho biết. Điều này đã đẩy Mexico lên vị trí thứ hai sau Đài Loan, với sự chuyển hướng thương mại trị giá 3,5 tỷ USD, và Liên minh châu Âu lên vị trí thứ ba với 2,7 tỷ USD.

Những thay đổi này báo hiệu rằng các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm một sự đa dạng hóa rủi ro khỏi Trung Quốc, theo Song Seng Wun, một nhà kinh tế thuộc ngân hàng CIMB tại Singapore.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã nổ ra vào tháng 3 năm 2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh quyết định áp vòng thuế quan đầu tiên đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc hiện đã có tổng trị giá 550 tỷ USD, và Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế lên 185 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Lực lượng lao động công nghệ lành nghề, chuỗi cung ứng trưởng thành

Đài Loan đang hưởng lợi phần lớn là do nền kinh tế này chủ yếu dựa vào ngành sản xuất phần cứng, chẳng hạn như chất bán dẫn và các thiết bị 5G. Khoảng 60% trong số 10 triệu lao động mà các công ty Đài Loan sử dụng tại Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, báo cáo cho biết.

Sự chồng chéo trong chuỗi cung ứng giữa Đài Loan và Trung Quốc khiến các nhà sản xuất linh kiện điện tử Đài Loan đặc biệt dễ dàng quay trở lại, Gardner cho biết. Trên hết, ông nói, các sáng kiến của chính phủ Đài Loan như trợ cấp và cho phép thuê nhân công nước ngoài giá rẻ, lôi kéo thêm các nhà sản xuất đến hoạt động tại Đài Loan. Tài năng công nghệ của Đài Loan đã thu hút các công ty đa quốc gia mở rộng việc nghiên cứu và phát triển công nghệ của họ.

Taiwan Semiconductor Manufacturing Co, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có thể nhận được rất nhiều từ sự chuyển hướng này. Doanh thu quý II của hãng là 241 tỷ Đài tệ (tương đương 7,9 tỷ USD) tăng 10,2% so với quý đầu tiên và 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đài Loan có thể tiếp tục hưởng lợi từ Trung Quốc trong bao lâu nữa?

Các nhà đầu tư Đài Loan tại Trung Quốc đã quay trở về Đài Loan từ trước khi tranh chấp thương mại nổ ra, và tiếp tục ngay cả khi tranh chấp nguội đi. Họ đã vật lộn ở Trung Quốc trong thập kỷ qua với chi phí lao động tăng, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ và các vấn đề với năng suất làm việc.

Tính đến ngày 29 tháng 10, 142 nhà đầu tư Đài Loan đã hồi hương 610 tỷ Đài tệ từ Trung Quốc trở lại Đài Loan, theo báo cáo của Cơ quan Thông tấn Trung ương. Con số đó đã tăng lên trong suốt cuộc tranh chấp thương mại.

Các nhà đầu tư từ những nơi khác, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, đã mở các nhà máy ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ để tận dụng chi phí lao động thấp hơn, lực lượng lao động lành nghề và một thị trường nội địa khổng lồ. Nhưng các công ty điện tử của Hàn Quốc và Nhật Bản đã xây dựng một chuỗi cung ứng ở nước ngoài tương đối đa dạng. Ma cho biết, điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể dựa vào các nhà máy không phải của Trung Quốc để được giúp đỡ nhiều hơn trong tranh chấp thương mại.

Tham khảo Forbes

Mỹ Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên