MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Hôn nhân một ngày’ nở rộ ở nông thôn miền bắc Trung Quốc: Vì một hủ tục, trai già ế vợ chi hơn 18 triệu VNĐ thuê cô dâu một ngày làm đám cưới

16-07-2023 - 15:45 PM | Tài chính quốc tế

Theo trang tin Ifeng, tại một số vùng nông thôn của đồng bằng Hoa Bắc (Trung Quốc), có một phong tục cổ xưa: người chưa từng kết hôn sau khi chết đi sẽ không được phép chôn cùng khu mộ với tổ tiên họ.

Theo truyền thuyết địa phương, nếu một người chưa từng kết hôn được chôn cùng khu mộ với tổ tiên, những người như vậy sẽ xuất hiện trong gia tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Niềm tin này đã tồn tại hàng trăm năm, hoặc thậm chí là lâu hơn nữa.

Để tuân theo hủ tục này, một số người chọn kết hôn âm sau khi chết. Nhưng bây giờ, người dân nông thôn vùng Hoa Bắc đã nghĩ ra một giải pháp mới, đó là tìm một người phụ nữ để kết hôn trong một ngày, không cần giấy đăng ký kết hôn, không cần phòng tân hôn, chỉ tổ chức một lễ cưới đơn giản để coi như đã lập gia đình.

‘Hôn nhân một ngày’ nở rộ ở nông thôn miền bắc Trung Quốc: Vì một hủ tục, trai già ế vợ chi hơn 18 triệu VNĐ thuê cô dâu một ngày làm đám cưới - Ảnh 1.

Chưa kết hôn thì sau khi chết đi sẽ không được chôn cùng khu mộ với tổ tiên

Tống Đại Chí năm nay 61 tuổi và là một trong những ông già độc thân duy nhất trong làng. Ông ấy có tính cách đơn giản và trung thực, nhưng hơi tẻ nhạt, và quan trọng là gia đình ông nghèo, điều đó khiến ông luôn gặp bất lợi trên tình trường. Khi tuổi ngày càng lớn, ông Tống càng lo lắng rằng mình sau khi qua đời sẽ không được chôn cùng khu mộ với tổ tiên.

Tại làng quê nơi ông Tống sinh sống cũng như nhiều vùng nông thôn khác ở đồng bằng Hoa Bắc, người dân quan niệm rằng, nếu chôn người chưa từng kết hôn cùng với phần mộ của tổ tiên sẽ dẫn đến hiện tượng có người không kết hôn từ đời này sang đời khác. Do đó, không ai muốn chôn người chưa từng kết hôn cùng khu mộ với tổ tiên. Bởi vậy, không ít người nảy ra ý định thuê một người phụ nữ để tổ chức “hôn nhân một ngày”, không giấy tờ chứng minh, không phòng tân hôn, chỉ là một nghi thức!

Ông Tống cũng tìm được một cô dâu sống ở huyện bên cạnh, hai người chưa từng gặp mặt trước khi làm đám cưới. Công việc chính của cô dâu là chủ tiệm mát xa, nhưng cô lại thường xuyên trở thành “cô dâu một ngày” và có thể kiếm được 3000 - 4000 nhân dân tệ (CNY, 10 -13 triệu VNĐ) cho mỗi lần làm đám cưới.

Vào ngày cưới, không chỉ có một cô dâu chuyên nghiệp được sắp xếp sẵn, mà còn có một nhóm người thân và bạn bè của cô dâu, bao gồm phù rể và phù dâu chuyên nghiệp.

Theo trang tin Ifeng, thủ tục cũng như bao cuộc hôn nhân khác: đón cô dâu về nhà rồi tổ chức đám cưới. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, cô dâu chú rể phải đưa nhau ra nghĩa trang chỉ cách nhà 1 km để làm lễ trước phần mộ cha mẹ đã khuất của chú rể, thắp nhang, đốt vàng mã, vái lạy để bày tỏ lòng thành kính đối với người thân đã khuất.

Một người lớn tuổi làm chủ hôn trịnh trọng tuyên bố trước phần mộ cha mẹ chú rể: "Con của ông bà đã kết hôn. Đây là cô dâu, chúng ta sẽ đoàn tụ như một gia đình. Xin ông bà yên tâm, chúng ta sẽ trân trọng và duy trì hạnh phúc gia đình này mãi mãi."

Sau khi đám cưới kết thúc, nhà trai đưa cho người mai mối 5.600 CNY (18,4 triệu VNĐ), trong đó cô dâu nhận được 3.600 CNY (11,9 triệu VNĐ), người mai mối nhận 1.000 CNY (3,3 triệu VNĐ), phù rể và phù dâu mỗi người nhận được 500 CNY (1,6 triệu VNĐ). Sau khi quyết toán xong chuyện tiền nong, mọi việc mới thật sự kết thúc, và những “trai già ế vợ” này mới thực sự yên tâm, sau này khi qua đời có thể chôn cùng khu mộ với tổ tiên!

‘Hôn nhân một ngày’ nở rộ ở nông thôn miền bắc Trung Quốc: Vì một hủ tục, trai già ế vợ chi hơn 18 triệu VNĐ thuê cô dâu một ngày làm đám cưới - Ảnh 2.

Theo trang tin Ifeng, những người độc thân như vậy ở nông thôn Trung Quốc có rất nhiều, phần lớn họ ế vợ vì điều kiện gia đình không tốt, không đủ tiền mua những món quà đắt tiền, càng lớn tuổi thì cơ hội lấy được vợ ngày càng nhỏ, vì không ai muốn lấy một người đàn ông vừa già vừa không có tiền.

Bởi vậy, nhiều thanh niên nông thôn Trung Quốc đành phải lựa chọn cách từ bỏ cơ hội kết hôn. Nhưng khi về già, nỗi lo không được chôn cùng với phần mộ của tổ tiên sau khi qua đời lại trở thành vấn đề phiền phức nhất, vì theo quan điểm của họ, không được chôn cùng khu mộ đồng nghĩa với việc không thể đoàn tụ với gia đình sau khi qua đời. Từ nỗi lo đó, các “cô dâu một ngày” đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu!

Theo Hữu Hiển

Phụ nữ số

Trở lên trên