“Hôn phối” thể thao và du lịch, Thái Lan làm được, sao Việt Nam lại chần chừ?
Thể thao là một đòn bẩy thúc đẩy kinh doanh du lịch, nhiều nước đã kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố này, Thái Lan là một ví dụ điển hình.
- 11-08-2016Giải pháp nào cho du lịch Việt Nam “cất cánh” bay xa?
- 28-07-2016Trung Quốc đứng số một về lượng khách du lịch vào Việt Nam
- 05-07-2016Trang web Tổng cục du lịch và lý do Việt Nam khó vượt Thái Lan
- 17-06-2016Chi phí quảng bá du lịch Việt Nam quá “khiêm tốn”
Cuối năm 2015, Bangkok bị đánh bom tại đền Erawan làm 20 người chết, 120 người bị thương. Ngay lập tức, chính quyền Thái Lan đã "bật đèn xanh" cho Hiệp hội quần vợt mời 2 ngôi sao Djokovic và Rafael Nadal sang thi đấu.Trận đấu mang tên “Back to Thailand” (Trở lại Thái Lan) chỉ kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ nhưng số tiền 2 VĐV nhận được lên đến 4,1 triệu USD. Ẩn sau trận đấu đó là thông điệp ngầm nhằm củng cố niềm tin cho du khách: Thái Lan vẫn là điểm đến an toàn.
Hai tay vợt tặng quà cho Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha
Từ nhiều năm nay, thể thao đã được Thái Lan xác định là một đòn bẩy giúp phát triển du lịch và góp phần không nhỏ để phát triển kinh tế. Cuối năm 2014, quan chức xứ chùa vàng đã tổ chức một hội nghị kéo dài 4 ngày tại Bangkok với sự tham dự của khoảng 1.000 thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) để giới thiệu quốc gia này như một ví dụ điển hình trong việc liên kết giữa thể thao và du lịch.
Cơ quan Thể thao Thái Lan (SAT) và Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã phát động hẳn một chiến dịch trên toàn cầu với khẩu hiệu “Discover Thainess” (Khám phá chất Thái). Họ đã sử dụng các VĐV đoạt nhiều thành tích quốc tế làm đại sứ truyền thông cho đất nước mình.
Thái Lan không phải là quốc gia duy nhất nhìn thấy được tiềm năng của cuộc “hôn phối” này. Đối với nhiều nước phát triển trên thế giới, từ lâu, thể thao đã là ngành kinh doanh hái ra tiền.
Ở Mỹ, AT Kearney ước tính doanh thu từ các sự kiện thể thao thu về 76,1 tỷ USD năm 2013 và tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 5%.
Tổ chức sự kiện thể thao là cách thức mà các quốc gia này thực hiện. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia chạy đua hay “cãi nhau sứt đầu mẻ trán” để được quyền đăng cai tổ chức.
Dễ dàng thấy được kết quả mong chờ của các quốc gia đó thông qua năm 2012 - năm của Olympic London và UEFA Cup ở Ba Lan/Ukraina. Hay như tại Brazil, sóng khách du lịch nước này tăng vọt vào năm 2014 khi đăng cai Wold Cup và năm nay khi tổ chức Olympic mùa Hè. Theo đó, có khoảng hơn 380.000 khách đến Brazil du lịch kết hợp xem thể thao trong hè 2016.
Năm 2014 và 2016 lượng khách đến Brazil tăng kỷ lục nhờ vào các sự kiện thể thao mang tầm quốc tế.
Không chỉ phụ trợ cho ngành du lịch, bản thân thể thao khi tách riêng ra, nó cũng tạo những giá trị đặc biệt, mang lại lợi nhuận cao. Ví dụ như vấn đề bản quyền khai thác. Bản quyền của các trận đấu đã trở thành một loại tài sản mới mang lại tỷ suất sinh lợi cao. Điều này đã tạo nên những cuộc chiến khốc liệt giữa các đài truyền hình, các nhà tài trợ cũng như các công ty khai thác bản quyền khi mà thời hạn hợp đồng giao dịch ngày càng được rút ngắn và điều kiện ký kết ngày một nghiêm ngặt.
Như vậy, có thể nhận thấy thể thao là một ngành công nghiệp "vàng", nhưng dường như ở Việt Nam ngành công nghiệp này vẫn chưa được đầu tư, khai thác đúng mức.
Theo đó, năm 2015, tổng dự toán ngân sách quốc gia chi cho thể thao ước đạt 2.450 tỷ đồng. Đến năm 2016, mức này được dự toán thêm 370 tỷ nữa, đạt tổng mức 2.820 tỷ. Tỷ lệ đầu tư dành cho thể thao mới chỉ chiếm 0,18% chi tiêu ngân sách, thấp hơn cả Cuba với mức 2% hàng năm.
Còn nếu nhìn sang nước bạn Thái Lan, thể thao Việt Nam hẳn sẽ phải tủi thân hơn rất nhiều. Theo thống kê hàng năm, Cơ quan thể thao Thái Lan (SAT) có ngân sách hoạt động lên đến hơn 1,1 tỷ USD, đây là con số khổng lồ so với Việt Nam. Theo lý giải của cây bút Rey Bancod từ tờ Manila Bulletin (Philippines) thì đấy chính là nguyên nhân thành công của thể thao Thái Lan mà từ đó trở thành xuất phát điểm tốt cho những mục tiêu kinh tế sau này.
Trong tương lai, thể thao Việt Nam xứng đáng được đẩy mạnh đầu tư nhiều hơn, nhất là sau khi chúng ta có những phát súng đi vào lịch sử của Hoàng Xuân Vinh. Chiếc huy chương vàng Olympic đầu tiên của Việt Nam chính là cơ hội không chỉ của thể thao mà còn là cơ hội của một ngành công nghiệp “vàng” trong tương lai.