MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Honda, Toyota ngừng xuất xe sang Việt Nam vì Nghị định 116: Đừng lo, người dùng được lợi đấy!

Khi hai ông lớn Nhật Bản bất ngờ thông báo ngừng mọi hoạt động xuất khẩu xe sang Việt Nam do quy định mới về rào sản phi thuế quan, nhiều người lo lắng sẽ không thể mua được xe tốt giá rẻ nữa. Tuy nhiên, đứng trên một góc độ khác, thông tin này mang lại tín hiệu tích cực hơn cho người tiêu dùng.

Nghị định 116: Rào cản hay tiêu chuẩn?

Hai trong số các quy định của Nghị định 116 khiến vài hãng xe trong đó có Toyota và Honda kêu khó thực hiện là việc yêu cầu bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài, đồng thời các lô xe nhập khẩu đều phải kiểm định thay vì chỉ cần kiểm định lô hàng đầu tiên như trước (điều 6, khoản 2a).

Những hãng xe kêu ca hai quy định nói trên nại ra rằng một số quốc gia, cụ thể là Mỹ và Nhật không phát hành loại giấy chứng nhận chất lượng xe xuất khẩu như yêu cầu trong Nghị định 116. Riêng việc bắt buộc kiểm định mọi lô hàng (mỗi lô hàng chọn ra một mẫu) sẽ làm tăng thời gian lưu xe ở kho bãi, tăng chi phí và làm chậm tiến độ giao xe cho khách hàng.

Trên thực tế, loại giấy chứng nhận chất lượng xe xuất khẩu vẫn được các quốc gia châu Âu phát hành mặc dù chúng có thể mang những tên gọi khác nhau. Về bản chất, đây chỉ là một loại tài liệu cung cấp thông số kỹ thuật và chủng loại xe cho mục đích đăng kiểm.

Với mục tiêu kinh doanh dài hạn tại Việt Nam, các hãng xe có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này đều có khả năng xin được loại giấy chứng nhận nói trên, đặc biệt là trong hoàn cảnh Việt Nam là thị trường mới, chưa đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng (khác hẳn với việc chẳng hạn xe hơi do Việt Nam sản xuất được xuất khẩu vào thị trường Mỹ hay Nhật).

Đối với yêu cầu về kiểm định, các số liệu thống kê cho thấy số xe nhập khẩu chiếm tỷ lệ nhỏ so với xe lắp ráp trong nước và việc kiểm định ngẫu nhiên một mẫu trong cả lô hàng là điều kiện còn dễ dàng hơn bởi xe lắp ráp trong nước phải kiểm định toàn bộ trước khi xuất xưởng. Và nếu cho rằng xe nhập khẩu đã kiểm định tại nhà máy nước ngoài thì hà cớ gì mà không xin được một giấy cung cấp thông số kỹ thuật như yêu cầu của Nghị định 116?

Honda, Toyota ngừng xuất xe sang Việt Nam vì Nghị định 116: Đừng lo, người dùng được lợi đấy! - Ảnh 1.

Honda kiếm được tiền từ thị trường Việt Nam, rất nhiều, nhất là trong đợt giảm giá bất thường của dòng CR-V. Nhưng chỉ cần thiếu hài lòng với một chính sách có lợi cho người dùng, họ đã tuyên bố ngừng xuất khẩu vào Việt Nam.

Thị trường xe hơi Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm hoạt động, song vì nhiều lý do, các rào cản thuế đã khiến cho người tiêu dùng Việt Nam khó tiếp cận với xe hơi và cũng một phần vì lý do ấy nên các hãng xe bán được sản phẩm chất lượng không cao với giá đắt để bù vào quy mô còn nhỏ của thị trường.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng không có nhiều lựa chọn trong giai đoạn đầu của thị trường xe hơi do chỉ có một số ít ỏi hãng xe hoạt động.

Tuy nhiên thời thế đã thay đổi. Mặc dù hiện nay Việt Nam vẫn chưa có "văn hóa xe hơi" một cách đầy đủ thì cũng đã qua cái thời "miễn có xe là được", đặc biệt đối với người tiêu dùng ở đô thị. Đó là do thị trường xe hơi hiện nay đã mở rộng hơn với nhiều lựa chọn về mẫu mã và một phần về chất lượng.

Đại đa số người tiêu dùng Việt Nam đã trải qua thời gian dài sử dụng xe hơi bị cắt đi nhiều tính năng, kể cả xe nhập khẩu và đã đến lúc họ cần được tiếp cận với "chuẩn chất lượng" cao hơn. Nghị định 116, xét ở góc độ ấy, là có lợi cho người tiêu dùng.

Chỉ là bởi Việt Nam không còn dễ tính, thì Honda và Toyota liền đánh bài ngửa?

Nếu có một bản chứng nhận thông số kỹ thuật và chủng loại xe hoặc buộc phải kiểm định kỹ, hẳn là Toyota sẽ phải cân nhắc đưa vào thị trường Việt Nam mẫu xe Innova Venturer bị cắt đi hàng loạt tính năng so với bản giới thiệu ở Indonesia. Còn dòng xe bán chạy nhất của Toyota là Fortuner nhập khẩu sẽ không chỉ gói gọn nội thất ở hai tính năng ABS và túi khí người lái & hành khách phía trước trong tổng số 14 tính năng an toàn được liệt kê.

Tương tự, mẫu Honda CR-V đang cháy hàng và bị đại lý nâng giá tới cả trăm triệu đồng cũng khó có thể tiếp tục trình làng nếu thiếu nhiều trang bị và tính năng so với phiên bản bán ở một số thị trường khác trong khu vực.

Thực tế, hàng Honda CR-V về Việt Nam với giá "ngon" chỉ trang bị cần số thông thường thay vì cần số điện tử, không có cấu hình dẫn động AWD, cũng như bị cắt bỏ hàng loạt tính năng hiện đại như cảnh báo điểm mù, gói an toàn Honda Sensing...

Cần nhớ rằng trước khi các hãng xe mở chiến dịch đại hạ giá trong suốt năm 2017 (và lấy lý do ấy để biện minh cho việc cắt đi nhiều trang bị và tính năng của xe tiêu chuẩn), người tiêu dùng Việt Nam từng phải mua cũng những sản phẩm chất lượng tương tự với giá cao hơn nhiều trong thời gian dài trước đó.

Honda, Toyota ngừng xuất xe sang Việt Nam vì Nghị định 116: Đừng lo, người dùng được lợi đấy! - Ảnh 2.

Mẫu xe Innova Venturer của Toyota ở Việt Nam bị cắt đi hàng loạt tính năng so với bản giới thiệu tại Indonesia để bán với giá đẹp lòng thị trường.

Hay nói cách khác, người tiêu dùng Việt Nam đã từng rất "dễ tính" và chịu chi để có một chiếc xe hơi, nhưng nếu giờ đây vẫn tiếp tục bán cho họ loại sản phẩm chất lượng trung bình kém như trước thì quả là không fairplay bởi không thể cứ mãi "sai vì cuộc đời cho phép" được nữa.

Nói vậy vẫn còn là rất nhẹ vì những sản phẩm bị cắt tính năng và trang bị như thế sẽ không bao giờ có cửa vào được thị trường Nhật, Mỹ hay châu Âu chứ đừng mơ đến chuyện bán rẻ.

Thẳng thắn mà nói, các hãng xe cũng cần phải thay đổi tư duy bán hàng với thị trường Việt Nam bằng việc tôn trọng khách hàng hơn – điều vốn là thứ văn hóa được đúc rút từ kinh nghiệm xương máu của các hãng xe Nhật, đặc biệt là Toyota .

Để thực hiện Nghị định 116, các cơ quan chức năng sẽ cần phải có các hướng dẫn cụ thể hơn. Tuy nhiên không phải mọi hãng xe và đơn vị nhập khẩu đều có phản ứng tiêu cực trước văn bản này. Các hãng xe châu Âu chẳng hạn, thông qua đơn vị nhập khẩu có khả năng đáp ứng được Nghị định 116.

Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội so sánh giữa xe giá rẻ chất lượng tồi và xe giá cao hơn nhưng chất lượng tốt hơn và sẽ dần thay đổi được thói quen theo kiểu "hễ nói xe máy thì đó là Honda".

Ngoài ra, vẫn còn có nhiều lựa chọn từ xe lắp ráp trong nước với mức giá vừa phải. Dường như muốn thị trường xe hơi phát triển, người tiêu dùng cũng cần khắt khe hơn, một khi đã có cơ hội để tiếp cận với chuẩn chất lượng tốt hơn. Người tiêu dùng ở các quốc gia phát triển nếu cũng dễ tính thì công nghiệp xe hơi đã không phát triển như ngày hôm nay.

Hiện tại các hãng xe hơi lớn nhất thế giới đã và đang chuyển sang phát triển những dòng xe mới thân thiện với môi trường và hiện đại hơn như xe plug-in hybrid, xe điện và xe tự lái.

Trong tương lai gần, những dòng xe này sẽ trở nên phổ biến ở các quốc gia tiên tiến và xe chạy nhiên liệu truyền thống (xăng và diesel) sẽ bị loại bỏ dần, nếu còn tồn tại cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải rất cao (hiện nay là chuẩn Euro 6).

Để kéo dài vòng đời sản phẩm, những xe chạy động cơ đốt trong sẽ được các hãng chuyển sang bán tại những thị trường còn chưa phát triển trong đó có Việt Nam . Sự phát triển nhanh chóng này buộc các thị trường cũng phải phát triển theo.

Ở Việt Nam, chuẩn để xe được kiểm định hiện nay mới chỉ là Euro 4, trong khi xe bán trên thị trường hầu như không có hoặc rất ít trang bị hiện đại lẫn các tính năng an toàn tiêu chuẩn. Khi những dòng xe nhập về Việt Nam theo cung cách nói trên (và rất sớm, chỉ trong thập kỷ tới), sự thiếu sẵn sàng của thị trường sẽ đem lại thiệt thòi lớn cho người tiêu dùng chứ không phải là cho các hãng xe.

Theo Quang Vinh

Nhịp sống knh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên