MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Họp ĐHĐCĐ Tập đoàn cao su: Kế hoạch lợi nhuận 2022 chưa tính đền bù đất

17-06-2022 - 13:00 PM | Doanh nghiệp

Lãnh đạo Tập đoàn cao su Việt Nam trả lời cổ đông. Ảnh: Chụp màn hình

Lãnh đạo Tập đoàn cao su Việt Nam trả lời cổ đông. Ảnh: Chụp màn hình

Tập đoàn lên kế hoạch doanh thu và thu nhập hợp nhất tăng 5%, lợi nhuận đi ngang.

Kế hoạch lợi nhuận 2022 đi ngang

Sáng 17/6, Tập đoàn cao su Việt Nam ( HoSE: GVR ) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 để trình kế hoạch doanh thu và thu nhập khác đạt 29.707 tỷ đồng, tăng 5%; lãi sau thuế 5.340 tỷ đồng, tương đương thực hiện năm trước. Cổ tức dự kiến 5% vốn điều lệ.

Lãnh đạo tập đoàn dự báo năm nay tiếp tục là năm đầy khó khăn, nhất là đối với lĩnh vực cao su - mảng chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất do giá bán mủ có tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn ở mức thấp; sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su chịu áp lực cạnh tranh gay gắt; việc phát triển khu công nghiệp chưa thuận lợi về cơ chế thuê đất, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Bên cạnh đó, dịch bệnh, xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine khiến giá các loại hàng hóa trên thị trường tăng cao tạo áp lực đến lạm phát, chi phí sản xuất tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm…

Để thực hiện kế hoạch kinh doanh năm nay, bên cạnh phát triển các mảng kinh doanh cốt lõi, tập đoàn sẽ tính toán, cân đối các nguồn thu khác từ hoạt động thoái vốn ngoài ngành như thoái vốn cổ phiếu VRG, bán cổ phiếu thưởng của SIP…

Năm 2021, GVR ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh với hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất đạt 28.351 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch năm; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 6.213 tỷ đồng, vượt 8,6% kế hoạch và tăng 5% so với năm 2020. Với kết quả đó, HĐQT trình mức chia cổ tức tỷ lệ 4,1% mệnh giá.

Đại hội thảo thuận: ông Phạm Văn Thành – Thành viên HĐQT đại diện trả lời.

Gánh nặng chi phí rất lớn

- Tại sao kế hoạch lợi nhuận 2022 đi ngang?

-Hoạt động chính của công ty gồm 5 mảng, trong đó mảng chiếm chi phối vẫn là cao su chiếm trên dưới 50% lợi nhuận toàn tập đoàn. Đến thời điểm hiện nay, thời tiết thuận lợi, tập đoàn dự đoán sản lượng vượt khoảng 6-8% so với năm trước. Song, tất cả chi phí đều tăng lên và không thể cắt giảm được. Ví dụ như tiền lương, tháng 7 phải tăng lương tối thiểu cho người lao động, giá phân bón tăng gấp đôi so với năm trước, giá điện, logistics cũng tăng…

Trong định hướng phát triển đến 2025, tập đoàn sẽ phát triển mạnh mảng khu công nghiệp, đây là mảng đem lại lợi nhuận rất tốt. Tuy nhiên, trong cả năm 2021 lẫn 2022 các cơ chế liên quan vấn đề đất đai chưa được tháo gỡ. Do vậy, tập đoàn không đưa các chỉ tiêu về mảng này ngay trong năm 2022. Tùy tình hình thực tế, nếu các vướng mắc được tháo gỡ thì khả năng cao tập đoàn vượt kế hoạch kinh doanh trình tại đại hội.

- Kế hoạch thoái vốn 2022 có bị trễ như 2021 không?

-Tập đoàn đã lên kế hoạch và trình cấp thẩm quyền. Nếu được phê duyệt sớm, tập đoàn sẽ triển khai sớm. Song, nếu thủ tục xong nhưng thời điểm thị trường không phù hợp cũng khó thực hiện. HĐQT sẽ cố gắng hoàn thành thủ tục thoái vốn vào quý III và lựa chọn thời điểm phù hợp. Nguồn thu từ hoạt động thoái vốn có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của tập đoàn, tỷ trọng khoảng 15% kế hoạch lợi nhuận.

- Vướng mắc thuê đất của Khu công nghiệp Nam Tân Uyên?

-Vướng mắc thuê đất của Nam Tân Uyên đã được giải quyết và kỳ vọng đến quý III có thể được giao đất triển khai giai đoạn II. Trong thời gian qua, nhà đầu tư cũng đã đến tìm hiểu và đặt cọc tại dự án.

- Diện tích cao su của tập đoàn hiện bao nhiêu?

-Diện tích cao su có khoảng 400.000 ha, ở nước ngoài 115.000 ha (Lào và Campuchia). Trong nước, khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên lớn nhất và không có ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.

- Thị trường tiêu thụ cao su như thế nào?

-Trung Quốc chiếm 50% tổng nhu cầu cao su toàn cầu. Tập đoàn xuất sang Trung Quốc khoảng 20-30%, phần còn lại sang Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu nên ít bị ảnh hưởng bởi các đợt tăng, giảm giá của Trung Quốc.

- Dự báo diễn biến giá cao su?

-Giá mủ bình quân toàn tập đoàn năm trước trên 39 triệu đồng/tấn. Đến thời điểm hiện nay, tức 6 tháng đầu năm giá bán bình quân cũng đạt 38-39 triệu đồng/tấn. Trong năm nay, tập đoàn kỳ vọng giá bán tương đương năm trước dù chịu tác động của chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc và xung đột Nga – Ukraine làm tăng chi phí logistics cùng khó khăn trong hoạt động xuất khẩu.

- Cơ cấu lợi nhuận năm 2022 như thế nào?

-Lợi nhuận từ mảng bán mủ cao su tương đương khoảng 2.400-2.500 tỷ đồng. Thu nhập từ thanh lý gỗ cao su 1.600-1.800 tỷ đồng. Khối cao su và thanh lý gỗ trên dưới 50%, khối khu công nghiệp 12%, khối thành phẩm gỗ 10%, thoái vốn 15% và khối khác.

- Gánh nặng chi phí của tập đoàn ra sao?

-Chi phí thuê đất là một khó khăn của tập đoàn. Ở khu vực Đông Nam Bộ đã qua thời kỳ ổn định, giá thuê đất dự kiến sẽ tăng theo mức từng địa phương ban hành cho giai đoạn 2021-2025. Có địa phương báo với tập đoàn là giá tăng gấp 4 lần. Đây là gánh nặng chi phí tăng đột biến từ 2022 so với 2021. Với chi phí vật tư phân bón và lương thì tập đoàn áp dụng biện pháp khống chế.

- Ước tính lợi nhuận trước thuế quý II?

-Tương đương cùng kỳ 2021, doanh thu và lợi nhuận tập trung nhiều vào quý III và IV nên lợi nhuận quý II không có nhiều biến động hàng năm.

- Cổ tức 2021 giảm xuống 4,1%?

-Nếu dùng toàn bộ lợi nhuận 2021 để chia cổ tức tỷ lệ 6% vẫn đủ nhưng ban lãnh đạo muốn trích quỹ đầu tư phát triển để đầu tư cho các dự án mới, đảm bảo việc phát triển tập đoàn trong tương lai.

Đại hội đã thông qua nội dung HĐQT trình.

Theo Ngọc Điểm

NDH

Trở lên trên