Họp lớp sau 20 năm khiến tôi nhận ra: Đời người như cuộc đua marathon, sau 3/4 chặng đường mới nhìn ra ai thành ai bại
Sau khi tốt nghiệp 20 năm, hãy đi họp lớp, không phải để so sánh thành tựu cuộc sống của nhau, cũng không phải để tận dụng các mối quan hệ xã hội, mà để xem đâu là điều quyết định thành và bại sau chặng đường dài 20 năm của mỗi người.
- 27-10-20207 điều phân định đẳng cấp của một người là cao hay thấp: Bạn làm được bao nhiêu?
- 20-10-20203 đặc điểm khiến phần đông chúng ta ngày một thụt lùi, càng coi thường những thói quen này càng dễ gặp tai ương
- 15-10-2020Trưởng thành rồi, đừng làm 4 điều tốn công vô ích này: Số 1 chính là không "nhúng mũi" vào chuyện của người khác
*Bài viết dưới đây được phân tích theo cái nhìn của cá nhân tác giả, chỉ mang tính chất tham khảo.
01. Nhóm bạn học có cuộc sống khá giả
Bạn A là lớp trưởng cũ của tôi, luôn nghiêm khắc với bản thân và mọi người, nhưng vì áp lực quá lớn nên kỳ thi vào đại học không phát huy tốt lắm, cậu ấy chỉ đỗ vào một trường đại học bình thường. Nghe nói A không đi học mà ôn thi lại một năm.
Hơn 20 năm không liên lạc gì, tôi lại nhận ra A nhờ bài báo viết về một nhân vật được lan truyền trên mạng, đó là một giám đốc điều hành cấp cao của một công ty được định giá hàng trăm tỷ đô la. Sau khi kiểm tra kỹ, cả lớp mới nhận ra người điều hành thực sự là A.
Bạn B là nhân vật học tập bình thường, cũng không quá nổi bật, đỗ một trường đại học tầm trung. Sau khi tốt nghiệp đại học, vì thất tình, cô đăng ký học chứng chỉ kế toán giết thời gian. Sau đó phát hiện bên cạnh có một cơ sở đào tạo du học, cô đã biến nỗi đau thất tình thành động lực học tiếng Anh.
Tuy sau này không ra nước ngoài du học như dự định ban đầu nhưng B đã trở thành giám đốc tài chính của một công ty lọt Danh sách Fortune 500.
Bạn C không giỏi môn gì ngoại trừ Ngữ Văn, đỗ vào một trường đại học tàm tạm, sau đó đi làm tác giả viết truyện online, mỗi năm thu nhập 150 triệu đồng, đồng thời cũng để dành tiền “nhập cổ” chính website phát hành truyện đó.
Sau này trang web phát triển mạnh mẽ, C trở thành Phó giám đốc của một doanh nghiệp được định giá vài tỷ.
…
Trong các bạn học cũ, không ai đặc biệt xuất sắc, khiến người khác phải trầm trồ. Họ chỉ là một trong vô số con người bình thường của thời đại này. Thế nhưng, cách họ làm chủ cuộc đời của mình lại khiến tôi nhìn ra một vài quy tắc.
Quy tắc 1: Điểm xuất phát quan trọng, nhưng nó không quyết định tất cả
Người không học mẫu giáo tốt chưa chắc đã không học tiểu học tốt, không học trung học tốt chưa chắc đã không học đại học tốt. Tùy thời tùy lúc, chúng ta đều có khả năng cất cánh bay cao khi có được cơ hội.
Năm đó, cả lớp tôi có 40 người thì 30 người đỗ đại học. Có người vì thiếu một điểm mà phải ở quê lấy chồng, có người vì thêm một điểm mà đỗ vào trường chuyên hằng mơ ước, đó là một khoảng cách rất lớn.
Sau 20 năm gặp lại, khi đã trưởng thành và đạt tới tuổi trung niên, tôi lại phát hiện khoảng cách ấy không quá trọng đại. Ít nhất, không trọng đại như một điểm trong kỳ thi đại học năm xưa.
Khi tuyến thời gian của chúng ta càng kéo dài, những thành tích tạm thời đã không còn là cơ sở để xác định đích đến cuối cùng của một người.
Quy tắc 2: Yếu tố quyết định thành bại thực sự không nằm ở các môn học được kiểm tra
Hầu như các kỳ thi, các bài kiểm tra trên trường lớp khiến chúng ta tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực đều dùng để đánh giá khả năng nắm vững kiến thức của học sinh chứ không phải để nâng cao năng lực thực sự.
Có một thống kê về mức lương hàng năm của các sinh viên tốt nghiệp từ nhiều trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Thời gian đầu, các trường chuyên công nghệ như Viện công nghệ Massachusetts, Viện công nghệ California, Học viện Công nghệ Georgia… luôn chiếm vị trí top. Các đại học mang tính tổng hợp như Harvard, Yale, Princeton University… còn không chen được vào danh sách.
Thế nhưng, 15 năm sau, vị trí đã hoàn toàn đảo ngược. Chính hệ thống giáo dục tổng hợp, coi trọng rèn luyện tâm lý, sở thích, nghệ thuật, văn thơ, ngoại khóa… đã giúp sinh viên nơi đây được phát triển toàn diện. Những hoạt động không thể đem vào thi cử đã bồi dưỡng nên các phẩm chất ưu tú cho sinh viên, ví dụ như tinh thần cạnh tranh, làm việc nhóm, lãnh đạo, kỹ năng xã hội, giao tiếp, tầm nhìn và trách nhiệm xã hội, v.v.
Quy tắc 3: Thành công không có ý nghĩa tuyệt đối
Thành tựu cuộc sống không đến từ tâm lý “khôn sống mống chết”, giành giật hay tranh đoạt lẫn nhau.
Một người bạn từng ghét cay ghét đắng hồi đi học, gặp lại ở buổi họp lớp 20 năm sau, bạn sẽ nhận ra họ vốn chẳng liên quan gì tới cuộc đời của mình. Người bạn học giỏi nhất lớp từng được ngưỡng mộ rất nhiều giờ cũng chỉ là nhân viên công chức bình thường như ai.
Bạn sẽ thấy rằng, thành công không mang tính tuyệt đối nên chúng ta cũng không cần hâm mộ tuyệt đối hoặc khinh thường tuyệt đối với bất cứ ai. Chỉ cần tập trung sống cuộc đời của mình, bạn sẽ tự đi đến đỉnh cao nhân sinh, theo hệ quy chiếu của chính mình.
02. Nhóm bạn có cuộc sống kém hơn
Người thất bại luôn nhiều hơn người thành công. Nhìn ra xung quanh, chúng ta luôn có thể dễ dàng nhận thấy những đặc điểm tương đồng. Do đó, tôi nghĩ không cần miêu tả chi tiết cuộc sống và tình trạng riêng tư của mỗi cá nhân.
Chỉ là, từ bài học của họ, tôi cũng học được không ít điều quan trọng.
Quy tắc 4: Gia đình hòa thuận, tình cảm là cách đầu tư giáo dục tốt nhất cho trẻ em
Một gia đình không có tình yêu thương giữa các thành viên thì luôn để lại một vết thương trong lòng những đứa trẻ. Khi con cái khôn lớn, chúng mang theo vết thương đó tiến tới quan hệ yêu đương trong sự bất an, nghi ngại, thậm chí nhiều người lựa chọn không kết hôn. Khi đời sống tinh thần, tình cảm không trọn vẹn thì sự nghiệp có thành công đến mấy cũng khó mà hạnh phúc.
Vì vậy, thay vì đầu tư vào những khóa học thêm dày đặc từ sáng tới tối mịt cho con cái, hãy đầu tư vào xây dựng mái ấm gia đình, gìn giữ mối quan hệ và tình yêu thương cho nhau.
Quy tắc 5: Đời người như cuộc đua marathon, sức dai chí bền mới có thể về đích
Bắt đầu cuộc đua với rất nhiều thí sinh cùng xuất phát tại một thời điểm, với những vị trí có lợi thế khác nhau, nhưng chỉ sau 1/4 chặng đường, khoảng cách giữa mỗi người sẽ bắt đầu nới rộng. Và sau 3/4 hành trình, lợi thế xuất phát ban đầu không còn chiếm tác dụng gì cả. Tất cả chỉ dựa vào ý chí, sức bền và năng lực thực sự của mỗi cá nhân.
Người chạy nhanh nhất chưa chắc đã là người chiến thắng. Người chiến thắng là người có thể chạy đến cuối cùng, thế thôi.
*Tham khảo Sohu