Buổi họp phụ huynh tại lớp 3.10, Trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, TP.HCM (ảnh cắt từ clip)
Clip ghi cảnh một phụ nữ (xưng tên là Tuyến) đứng trên bục giảng lớp học chỉ từng phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp, yêu cầu phải “nói lớn lên”, thậm chí yêu cầu đứng dậy, rồi hỏi như tra khảo có đúng chị ta đã khuyên khó khăn thì đừng cho con theo học ở lớp này hay không.
“Trường hợp ví dụ như hoàn cảnh khó khăn nhất trong lớp, gồm có: Em, chị nhớ mặt em, em đứng lên đi. Hoàn cảnh em khó khăn, đi chiếc xe đạp rất tội nghiệp. Rồi, em đứng lên đi. Em có thể nói tên con em. Nói lớn lên cho hiệu trưởng nghe! Hoàn cảnh em có khó khăn không? Chị có nói với em cuối năm có theo lớp này không? Nhưng tại sao em vẫn theo? Tại sao ngày hôm nay em đóng góp như vậy mà em không có một tiếng nói nào hết? Em nói cho chị Tuyến nghe...".
Thông tin từ Phòng GD quận Gò Vấp thì đây là cuộc họp nghe giải trình của bà Tuyến - người phụ nữ trong clip - sau khi có nhiều ý kiến tố bà lạm thu. Cuộc họp này có cả giáo viên chủ nhiệm lớp và hiệu trường nhà trường tham dự.
Clip chỉ ghi lại một đoạn, chưa thể nói hết bản chất sự việc. Và có lẽ cũng chỉ người trong cuộc mới biết rõ. Tuy nhiên, thông qua vài phút của đoạn clip và báo cáo của Phòng GD với UBND quận Gò Vấp thì dư luận không khỏi băn khoăn: Chẳng nhẽ hoạt động của hội, hay nói chính xác là của một vài cá nhân trong hội, lại thao túng nhà trường đến mức như thế? Quyền đến trường của học sinh được quy định trong luật giờ lại nằm trong tay một bà phó ban đại diện phụ huynh mà nhà trường không hề hay biết?
Ngay trong buổi họp “giải quyết , giải trình” kia thì chỗ bục cao bà phó ban đại diện phụ huynh đứng khoanh tay, đáo để, rành rẽ từng câu, chỉ vào người này người kia, phải là vị trí của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm.
Không chỉ vị trí mà người xem clip còn không thấy vai trò của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm ở đâu khi bà phó ban tự tung tự tác “chỉ đạo” phụ huynh đứng lên phát biểu. Bắt “nói lớn” vì nghe chưa rõ.
Phòng GD cho biết “Hiệu trưởng nghe hết trường hợp thứ 3 thì yêu cầu bà Tuyến ngưng lại”. Tôi nghĩ, với cử chỉ, thái độ và cách phát ngôn như thế, nhẽ ra hiệu trưởng phải chấn chỉnh ngay từ trường hợp đầu tiên chứ không đợi đến trường hợp thứ 3.
Với khẩu khí kẻ cả và giọng điệu trịch thượng của bà phó ban, nghe phụ huynh trả lời giọng lí nhí, run rẩy, người ta có cảm giác đây là cuộc đấu tố phụ huynh nghèo chứ không phải cuộc họp.
Cũng may “hiệu trưởng yêu cầu bà Tuyến ngưng lại”, nếu không dư luận sẽ nghi ngờ nhà trường mượn tay bà phó ban đe nẹt những phụ huynh không có khả năng đóng góp.
Có lẽ phụ huynh nghèo đi họp cho con, ngoài áp lực về các khoản phải đóng, họ còn vương những nỗi buồn. Buồn vì cảm thấy mình lạc lõng, tự ti giữa những người khá giả, trong đó tất nhiên có người thuộc hội phụ huynh.
Phần lớn mặc cảm về sự khó khăn khiến phụ huynh nghèo không dám lên tiếng dù chưa đồng tình với khoản này khoản kia. Đâu đó chỉ nghe vài âm thanh không rõ ràng chưa thoát ra khỏi khoang miệng và những ánh nhìn quanh quất tìm tiếng nói chung ở những đồng minh nghèo khó. Nếu như sự phản ứng chỉ được thể hiện qua ánh mắt cầu cứu mà không đủ mạnh mẽ cất thành lời thì mặc nhiên tất cả “đều nhất trí cao” ra về. Không phải tất cả nhưng kịch bản chung của họp phụ huynh với cảnh cuối “đóng tiền tự nguyện” thường diễn ra như vậy.
Tôi biết, những lúc như thế, giáo viên thường "ý nhị" đi ra ngoài cho hội phụ huynh làm việc, nhưng mong thầy cô hiểu: Bên cạnh phụ huynh “có điều kiện”, có chức sắc - rất dễ lọt vào ban phụ huynh - thì còn nhiều phụ huynh nghèo khổ. Trường học là nơi văn hóa, là nơi nhân văn, giáo viên đều thấm đẫm tinh thần ấy, nên hãy nhớ cho!