"Hợp sức để giảm giá": Temu có thể tạo ra hành vi mua sắm mới tại Việt Nam như cách TikTok Shop kích hoạt làn sóng livestream
Mặc dù có nhiều vấn đề về dịch vụ hậu mãi và thanh toán, chuyên gia TMĐT đánh giá Temu vẫn sở hữu 3 lợi thế tại thị trường Việt Nam, bao gồm một tính năng chưa có ở những nền tảng khác.
- 17-11-2024Cơ quan thuế đang giám sát chặt chẽ việc kê khai doanh thu của Temu
- 14-11-2024Temu "tung chiêu”, ép khách chỉ được mua đơn hàng từ 887.000 đồng đến không quá 1 triệu đồng
- 10-11-2024Temu bị cáo buộc lừa đảo
Temu, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc PDD Holdings, vừa gia nhập thị trường Việt Nam tháng trước. Trước đó, Temu đã xuất hiện tại nhiều quốc gia Đông Nam Á và “làm mưa làm gió” ở thị trường Mỹ dù chỉ mới ra đời 2 năm.
Bài toán của Temu tại Việt Nam
2 tuần sau khi vào Việt Nam, Temu lập tức trở thành đề tài được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Theo số liệu của YouNet Media, từ ngày 25/9 đến 25/10, đề tài Temu đã thu hút hơn 410.000 lượt tương tác từ hơn 7.100 bài đăng và 36.850 thảo luận.
Tuy nhiên, phản hồi của người tiêu dùng đã mua hàng Temu tại Việt Nam đa phần kém tích cực. Nhiều người nhận xét giá cả trên Temu không rẻ, thậm chí cao hơn Shopee, đồng thời chất lượng sản phẩm bị nghi ngờ. Ngoài ra, người dùng còn phản ánh về tình trạng giao hàng chậm, quy trình đổi trả phức tạp, không hỗ trợ thanh toán khi nhận hàng…
Tại buổi họp báo hôm 14/11 về tương lai TMĐT tại Việt Nam do YouNet Group tổ chức, ông Nguyễn Phương Lâm - Giám đốc Phân tích Thị trường của YouNet ECI cũng đánh giá thách thức lớn nhất của Temu nằm ở dịch vụ hậu mãi và trải nghiệm mua hàng, đặc biệt đối với Gen Y (những người sinh năm 1981 – 1996).
Theo khảo sát của YouNet Media, 3 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định mua sắm của Gen Y là chính sách hoàn trả và bảo hành rõ ràng; phương thức thanh toán thuận tiện trên một nền tảng; khả năng thỏa thuận thời gian giao hàng với người bán. Giá cả và mã khuyến mãi chỉ lần lượt đứng ở vị trí thứ 5 và 10.
Trong khi đó, với mức thu nhập cao hơn Gen Z (những người sinh từ năm 1997 – 2012) và tần suất mua sắm thường xuyên hơn, Gen Y được coi là “viên ngọc ẩn” có thể dẫn đến tăng trưởng theo cấp số nhân cho các thương hiệu trên sàn TMĐT, nếu được đáp ứng tốt nhu cầu.
“ Những người tiêu dùng Gen Y không chỉ chú trọng giá cả, trải nghiệm trước khi mua, mà còn đòi hỏi dịch vụ tốt sau khi mua hàng. Do đó, Temu sẽ phải hợp tác chặt chẽ với các đối tác giao vận, cũng như nền tảng thanh toán nội địa đáng tin cậy thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của họ ”, ông Lâm chia sẻ.
Ngoài ra, các sàn TMĐT xuyên biên giới – bao gồm Temu – đang được yêu cầu khẩn trương đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương theo quy định pháp luật Việt Nam trong tháng 11, nếu không sẽ bị chặn ứng dụng.
"Hợp sức để giảm giá"
Bất chấp nhiều vấn đề tại thị trường Việt Nam, ông Lâm chỉ ra rằng Temu vẫn sở hữu thế mạnh đầu tiên là giá cả và các chương trình khuyến mãi. Mặc dù đây không phải ưu tiên số một của cả Gen Z và Gen Y trong việc mua sắm, nhưng lại là yếu tố mà tất cả đều cân nhắc bởi sức hút khó cưỡng.
“ Thứ hai, trước đây người tiêu dùng Việt Nam có quan niệm rằng hàng Trung Quốc không tốt, nhưng điều này đã thay đổi. Gen Z gần đây đã cởi mở hơn rất nhiều trong việc sử dụng hàng Trung Quốc, không chỉ là những mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, mà còn cả đồ gia dụng, từ đó tạo dựng được lòng tin vào những sản phẩm nội địa Trung chất lượng cao ”, Giám đốc Phân tích Thị trường của YouNet ECI nhìn nhận.
Yếu tố thuận lợi thứ ba mà ông Lâm chỉ ra chính là tính năng mua theo nhóm, đúng như khẩu hiệu của Temu: “team up, price down” – hợp sức để cùng được giảm giá.
Với tính năng này, khách hàng có thể mời bạn bè, người thân mua chung để được giảm giá mạnh hơn, đồng thời giúp Temu có những đơn hàng số lượng lớn, qua đó tăng doanh số và giảm chi phí vận hành. Bên cạnh đó, mô hình này còn tạo ra môi trường tương tác, kết nối người tiêu dùng và dần hình thành cộng đồng.
“ Tính năng này đã được Temu triển khai thành công ở nhiều quốc gia. Nếu áp dụng tốt ở Việt Nam, cộng với sự phát triển của tiếp thị liên kết, Temu có thể tạo ra đột phá trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, bởi hiện tại các nền tảng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chưa có tính năng này ”, ông Lâm nhận định.
Vị chuyên gia cũng gợi nhắc rằng sự xuất hiện của TikTok Shop đã tạo ra một hành vi mua sắm mới là shoppertainment – mua sắm kết hợp giải trí. Giờ đây, đông đảo các thương hiệu đều gia nhập cuộc đua livestream bán hàng, từ những mặt hàng tiêu dùng nhanh đến sản phẩm giá trị cao như xe máy, hoặc đồ ăn nhanh như KFC.
“ Nhìn ở bức tranh rộng hơn, có thể sự xuất hiện của Temu sẽ giúp TMĐT phát triển lên một nấc thang nữa, như trường hợp TikTok Shop giúp mở ra một hành vi mua sắm mới là shoppertainment. Vì thế, Temu có thể thúc đẩy các sàn TMĐT khác liên tục cải tiến dịch vụ và trải nghiệm của người dùng, mang lại lợi ích tích cực cho tổng quan thị trường TMĐT ở Việt Nam ”, ông Lâm kết luận.
Nhịp sống thị trường