HSBC: Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng đảm bảo chuỗi cung ứng không dịch chuyển khỏi châu Á
Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á, Ngân hàng HSBC, tác giả của bản báo cáo.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta dễ dàng suy đoán về một sự suy thoái của chuỗi cung ứng châu Á. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng châu Á đã tự điều chỉnh để thích nghi và tiếp tục vươn lên mạnh mẽ.
- 17-06-2021Thị trường mới nổi châu Á ‘chảy máu vốn’ khi Fed phát tín hiệu tăng lãi suất
- 17-06-2021Sếp ngân hàng lớn châu Á: Một con "sóng thần của tiền" đang đổ vào các tài sản bền vững
- 16-06-2021USD trên thị trường thế giới cao nhất 1 tháng, tiền Châu Á giảm giá mạnh
- 14-06-2021Tài sản của tỷ phú giàu thứ 2 châu Á tăng mạnh hơn Warren Buffett, Mukesh Ambani
Một cuộc chiến tranh thương mại căng thẳng. Nguy cơ công nghệ chia cắt phương Đông, phương Tây. Đại dịch nặng nề gây thiếu hụt hàng hóa trên toàn thế giới. Và chính trị cũng là một yếu tố tác động khi các nước phát triển thúc đẩy dịch chuyển sản xuất quay lại bản quốc. Đây là những thách thức mà chuỗi cung ứng châu Á đang phải đối mặt.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn được coi là yếu tố tác động lớn nhất đến nền kinh tế toàn cầu, vẫn đang trong giai đoạn "đình chiến" để thực hiện những cam kết trong thỏa thuận Giai đoạn Một. Vài tháng sau khi bộ máy chính quyền dưới thời Tổng thống Joe Biden chính thức hoạt động, mức thuế song phương trung bình vẫn duy trì ở ngưỡng gần 20%, một trở ngại lớn với các doanh nghiệp có biên lợi nhuận hẹp.
Những hạn chế về chuyển giao công nghệ đang tạo ra những bất ổn lớn trong khu vực nơi đồ điện tử chiếm tới 1/3 lượng hàng xuất khẩu. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 khiến nguồn cung bị thiếu hụt trầm trọng, từ linh kiện xe đạp đến vi mạch bán dẫn. Liệu ngành sản xuất ở châu Á có đang thất thế?
Frederic Neumann - Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á, Ngân hàng HSBC, cho rằng câu trả lời là không. Chuỗi cung ứng tại châu Á vẫn duy trì khả năng cạnh tranh cao, đều đặn xuất xưởng hàng hóa với quy mô và giá cả không nhiều khu vực có thể sánh kịp. Rất ít công ty quyết định ngưng đặt hàng hoặc ngưng hoạt động sản xuất tại châu Á để chuyển dịch sang nơi khác. Mặc dù những năm gần đây có lúc xảy ra tình trạng gián đoạn, tuy nhiên, chuỗi cung ứng châu Á vẫn rất hấp dẫn với nhà đầu tư.
Cuộc chiến về thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc không làm gián đoạn quan hệ thương mại của hai nước. Mặc dù dịch bệnh xảy ra khiến nhu cầu của cả hai bên đều sụt giảm nghiêm trọng, trên thực tế, lượng hàng trao đổi song phương năm trước cao hơn so với năm 2016, thời điểm ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Giá trị thương mại với Trung Quốc vươn lên chiếm gần 15% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Mỹ trong năm 2020, tương đương mức bình quân của thập kỷ trước.
Một phần nguyên nhân là do hàng hóa từ Mỹ vào Trung Quốc tăng, mặc dù lượng mua chưa đạt tới mức quy định khắt khe trong thỏa thuận Giai đoạn Một – theo đó Trung Quốc cam kết phải nhập khẩu thêm hàng hóa từ Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp và năng lượng. Trong khi đó, lượng hàng từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ tiếp tục tăng trong năm trước, đạt trên 18%, mặc dù giảm 2 điểm phần trăm kể từ năm 2017.
Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của vấn đề. Thay vì bớt phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại châu Á, các nhà nhập khẩu Mỹ lại chuyển hướng sang khối ASEAN: tỷ lệ nhập hàng từ Đông Nam Á tăng thêm 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Riêng đối với Việt Nam, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 5 tháng đầu năm nay, với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy dấu hiệu chuỗi cung ứng châu Á đang có sự dịch chuyển chứ không hề suy yếu. Lĩnh vực công nghệ là một ví dụ điển hình. Rủi ro về chính sách khiến các doanh nghiệp phải tiến hành đánh giá toàn diện về địa điểm sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, rất ít công ty chuyển dịch hoàn toàn sản xuất ra khỏi Trung Quốc: từ Tesla đến Apple, thị trường này vẫn còn nhiều lý do hấp dẫn để giữ chân doanh nghiệp và mở rộng sản xuất nếu có thể. Trên thực tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đạt cao kỷ lục vào năm 2020 bất chấp tình hình dịch bệnh hoành hành.
Chính xác thì chiến lược "Trung Quốc + 1" được thúc đẩy, nhiều công ty duy trì nhà máy sản xuất tại Trung Quốc cho thị trường nội địa, đồng thời dịch chuyển một phần hoạt động sang nơi khác, chủ yếu là ASEAN, phục vụ nhu cầu của Mỹ và các thị trường đang ngày một khắt khe khác. Kết quả là vốn FDI đổ vào Đông Nam Á bắt đầu vượt qua Trung Quốc. Tại Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt gần 8,8 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn FDI đăng ký điều chỉnh tăng thêm đạt 3,8 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Xét về mặt này, các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động rất tích cực và đang nắm giữ trung bình 40% lượng đầu tư vào khu vực, tăng từ mức 10% cách đây vài năm. Điều này giúp thúc đẩy hợp tác trong chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN. Linh kiện thường được chuyển từ Đông Nam Á về Trung Quốc để lắp ráp hoàn thiện, xuất tới các thị trường trên thế giới. Giờ đây, quy trình này đang bắt đầu đảo ngược lại: Trung Quốc cung cấp nhiều sản phẩm để ASEAN xuất khẩu đi khắp nơi. Kết quả là thương mại giữa Trung Quốc với Đông Nam Á đã vượt mức thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ cũng như giữa Trung Quốc với EU.
Đại dịch Covid-19 càng khiến vai trò của chuỗi cung ứng châu Á trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mặc dù giai đoạn đầu xảy ra tình trạng thiếu hụt sản phẩm, chính năng lực và tính linh hoạt của mạng lưới sản xuất tại khu vực đã giúp tình trạng gián đoạn không trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù gián đoạn ban đầu xảy ra vào khoảng tháng 2 đến tháng 4/2020, sản lượng sản xuất toàn khu vực đã tăng kỷ lục. Dù kết quả này này chưa đủ để đề phòng tình trạng thiếu hụt nhiều sản phẩm trên quy mô toàn cầu còn lơ lửng trước mắt, chuỗi cung ứng châu Á, nhà sản xuất sau cùng của cả thế giới, vẫn chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh mẽ và giúp ngăn chặn những nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng hơn.
Giờ đây, khi lạm phát đã bắt đầu xảy ra ở các nước phương Tây và doanh nghiệp đối mặt với áp lực gia tăng chóng mặt về giá đầu vào, lợi thế chi phí khi đặt hàng tại châu Á cùng với chuỗi cung ứng được tối ưu hóa không chỉ gói gọn trong Trung Quốc, là yếu tố quan trọng cần xem xét.
Những thử thách gần đây không phải dấu hiệu hết thời của chuỗi cung ứng châu Á, trái lại còn nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của khu vực này. Những thay đổi lớn chắc chắn sẽ sớm diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang nổi lên như một đầu mối gia công quan trọng. Mặc dù còn nhiều thách thức trong những năm gần đây, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy châu Á để vuột mất vị thế bánh xe trung tâm trong ngành sản xuất của cả thế giới.