HSBC: Thị trường chứng khoán Việt Nam sở hữu tiềm năng tăng trưởng vững vàng và đang trên đà thắng lợi
Theo HSBC, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt trội so với tất cả các thị trường chứng khoán lớn trong khu vực trong vòng một thập kỷ qua, quy mô thị trường đã tăng gần gấp bốn lần so với lúc khởi điểm năm 2012.
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa có báo cáo đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, đánh giá câu chuyện xuất khẩu của Việt Nam đã thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường chứng khoán trong nước, thay đổi diện mạo chỉ số trong nước và tạo điều kiện cho tăng trưởng lợi nhuận từ cổ phiếu rất vững vàng.
Mặt khác, Việt Nam cũng có động lực kinh tế nội tại, tạo nên sự dịch chuyển của thị trường chứng khoán từ Tiêu dùng thiết yếu sang Tài chính và Bất động sản, kích thích người dân trong nước tham gia đầu tư, kết quả là phần lớn giao dịch trên thị trường hiện nay là của nhóm nhà đầu tư trong nước.
Chứng khoán Việt Nam đã và đang trên đà thắng lợi
Theo HSBC, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt trội so với tất cả các thị trường chứng khoán lớn trong khu vực trong vòng một thập kỷ qua, quy mô thị trường đã tăng gần gấp bốn lần so với lúc khởi điểm năm 2012. Theo đó, giá trị giao dịch đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD/ngày, gấp 10 lần mức cách đây hai năm, khiến Việt Nam trở thành thị trường có thanh khoản cao thứ hai trong khối ASEAN, vượt qua cả Singapore và Indonesia và chỉ sau Thái Lan.
Một trong những nguyên nhân đến từ sự nỗ lực tạo ra tăng trưởng lợi nhuận từ cổ phiếu trong giai đoạn đại dịch toàn cầu năm 2020 trong khi các thị trường khác phải đối mặt với tình trạng giảm lợi nhuận. Cụ thể, lợi nhuận từ cổ phiếu luôn vững vàng trong vài năm gần đây, thậm chí còn tăng trong năm 2020 đúng thời điểm COVID-19 xuất hiện. EPS tăng trưởng 35% trong năm 2021.
Tính đến năm nay, mặc dù đã giảm 10%, Việt Nam vẫn nhỉnh hơn một chút so với các thị trường khác. Tuy nhiên, theo HSBC, xét theo tiềm năng về tăng trưởng và lợi nhuận thì chứng khoán Việt Nam đã và đang trên đà thắng lợi.
Nhiều điểm thay đổi lớn trên thị trường
Hiện tại, cơ cấu của thị trường chứng khoán Việt Nam có sự thay đổi đáng kể. Người dân có thu nhập ổn định, lương cao hơn, có tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc khoản vay thế chấp đã kích thích dòng tiền chảy vào đầu tư nhiều hơn. Xét về nhóm ngành ưa thích, trong khi các công ty thuộc nhóm Tiêu dùng từng thống trị trong năm 2015 thì ngày nay các mã Tài chính và Bất động sản lại chiếm phần lớn trên thị trường.
Mặt khác, nếu như trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu tập trung xoay quanh một vài cổ phiếu lớn, minh chứng là năm cổ phiếu đứng đầu khi đó chiếm tới 52% tổng giá trị vốn hóa của thị trường. Thì hiện, tình hình đã thay đổi khi nhóm 10 cổ phiếu đứng đầu thị trường chỉ còn chiếm chưa tới 20% tổng giá trị giao dịch, trọng tâm dần chuyển sang các công ty có giá trị vốn hóa thấp hơn.
Đặc biệt, không phải khối ngoại, xung lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ bộ phận nhà đầu tư trong nước, chiếm 87% tổng giao dịch trên thị trường. Thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự tham gia ồ ạt của nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản cá nhân tăng hơn hai lần trong trong giai đoạn tháng 12/2018 và năm 2021.
"Về giao dịch nhà đầu tư ngoại, sau giai đoạn bán ròng miệt mài trong năm 2021 và đầu 2022, trong vài tuần vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại", HSBC cho hay.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sở hữu tiềm năng tăng trưởng vững vàng
Theo phân tích của HSBC, câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn thú vị.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam: 3/4 giá trị xuất khẩu đến từ lĩnh vực có nguồn đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài. Trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã tạo điều kiện giúp thủ tục thành lập doanh nghiệp dễ dàng hơn cũng như đơn giản hóa thủ tục đăng ký đất đai và quy trình cho vay
Nhờ vậy, Việt Nam dần ghi nhận hoạt động xuất khẩu sôi động và hưởng lợi từ đó. Vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã gia tăng những năm qua và sẵn sàng để tiếp tục mở rộng thêm trong tương lai. Trong những năm gần đây, đã có một làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam để tiếp cận với nguồn đất đai và nhân công giá rẻ hơn và vì thế Việt Nam trở thành ứng viên nổi bật trong cuộc đua giành thị phần xuất khẩu toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam đang làm rất tốt trong mảng giáo dục, dẫn đến một lực lượng lao động có trình độ và tay nghề. Nhờ vậy, Việt Nam giành thêm thị phần trong các thị trường xuất khẩu khác.
Không chỉ xuất khẩu, đầu tư cho cơ sở hạ tầng và logistics cũng hỗ trợ nhiều cho một loạt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và bất động sản nhà ở.
Trong khi đó, câu chuyện tiêu dùng của Việt Nam lại chưa được đánh giá đúng mức. Tỷ lệ dân số được xếp vào tầng lớp trung lưu cao dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần, lên 20% vào năm 2030 (theo Brookings Institute). Con số này đã tăng lên nhanh chóng sau khi thu nhập bình quân trên đầu người tăng 10% từ năm 2005. HSBC nhấn mạnh, "quả thực, Việt Nam hội đủ điều kiện để trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ mười trên thế giới vào năm 2030".
Từ đó, thêm một luận điểm được đặt ra là bởi nhóm người tiêu dùng này muốn mua sắm trên mạng, điều này cũng đồng nghĩa Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực trong lĩnh vực tài chính toàn diện và công nghệ tài chính (fintech).
Song song với đó, tiềm năng được thăng hạng lên thị trường mới nổi cũng thu hút sự quan tâm trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hết sức để cải tổ thị trường chứng khoán và tiệm cận hơn với những tiêu chuẩn quốc tế. Nếu tỷ trọng của Việt Nam trong rổ của thị trường mới nổi khu vực châu Á là 2%, các dòng vốn đổ về sẽ đạt 8-9 tỷ USD. Con số này tương đương 1,4 lần giá trị phân bổ của các quỹ đầu tư nước ngoài và gần bằng tám ngày giao dịch. Song, HBSC cũng đánh giá hiện các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đã tiếp cận khá nhiều cổ phiếu của Việt.
Tổng kết, Việt Nam sở hữu đồng tiền mạnh với dự trữ ngoại hối ổn định, một nền kinh tế có vị thế vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu và nhiều doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi nhờ tăng đầu tư hạ tầng và tiêu dùng nội địa đang lên. Tất cả điều này sẽ là động lực tăng trưởng bền vững cho thị trường chứng khoán Việt Nam.