MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSBC: Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, bất chấp nhiều khó khăn 'từ bên ngoài'

25-10-2022 - 16:42 PM | Tài chính quốc tế

HSBC: Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, bất chấp nhiều khó khăn 'từ bên ngoài'

Các lãnh đạo, chuyên gia của Ngân hàng HSBC đã có những dự báo tích cực về tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh bức tranh toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức.

Hội thảo Triển vọng Thị trường 2022 của HSBC diễn ra vào sáng ngày 25/10. Tại sự kiện quan trọng này, ngân hàng quốc tế đã đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, bất chấp những yếu tố khó khăn mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt.

Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết kinh tế Việt Nam đã đón “bình minh” sau khi Covid-19 đi qua. Ông chỉ ra rằng, trong năm nay, các tổ chức xếp hạng tín dụng đã liên tục nâng hạng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam. Sau S&P thì đầu tháng 9, Moody’s cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam lên Ba2 và chỉ đang kém mức đầu tư chỉ 1 bậc. Fitch trước đó nâng hạng Việt Nam lên BB vào tháng 5/2018 và xếp hạng BB về triển vọng tính cực.

HSBC: Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, bất chấp nhiều khó khăn từ bên ngoài - Ảnh 1.

Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam.

Ông Evans phát biểu: “Dù PMI trong tháng 9 thấp hơn so với tháng trước đó nhưng các điều kiện sản xuất của Việt Nam vẫn được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt cả Đức và Anh.”

Với những điểm sáng đầy nổi bật, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 lên 7,6%. Chỉ trong quý III/2022, GDP của Việt Nam tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ sự hồi phục quy mô lớn cùng với việc thế giới mở cửa trở lại, nhu cầu trong nước đã hồi phục, sản xuất và xuất khẩu tiếp tục tăng. GDP của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, cao nhất trong 11 năm qua.

Về môi trường kinh doanh, ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham, Chủ tịch Tập đoàn Jarrdine Matheson tại Việt Nam, cho biết niềm tin nhà đầu tư trên thế giới nói chung và cả Việt Nam đều đang sụt giảm, trong bối cảnh nhiều yếu tố bất lợi đang bủa vây như mâu thuẫn Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao và chính sách zero Covid ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Cany nhận định rằng, triển vọng của Việt Nam vẫn là khá tích cực. WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 7,2%, trong khi tăng trưởng toàn cầu suy yếu 2,8% trong năm 2022. Việt Nam có lợi thế là lao động chất lượng cao trong khi chi phí lại phải chăng, điều này giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất đến. Sản xuất phục vụ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chính là 2 yếu tố đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cho đến nay, một loạt các dự án FDI lớn đã được triển khai ở Việt Nam. Ví dụ như LEGO đang đầu tư 1 tỷ USD vào Bình Dương để xây dựng nhà máy, Petragon - nhà cung cấp của Apple, cũng có kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD vào Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn FDI thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 15,43 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Ông nhận định, theo đó, Việt Nam liên tục là một trong những quốc gia thu dòng vốn FDI hàng đầu thế giới xét về tỷ trọng với GDP.

Trong khi đó, ông Frederic Neumann, Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á - Ngân hàng HSBC, nêu rõ những “đám mây đen” đang bao phủ kinh tế toàn cầu, đó là tình hình lạm phát ở Mỹ và châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đi kèm với đó là việc FED nâng lãi suất mạnh mẽ cũng đẩy giá đồng USD.

Một yếu tố khác tác động lớn đến hoạt động kinh tế của Việt Nam đó là Trung Quốc. Nền kinh tế này đang giảm tốc, thị trường lao động gặp khó khăn, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm và những vấn đề nhân khẩu học.

Ông đặc biệt lưu ý đến tình hình nhân khẩu học ở Trung Quốc. Theo số liệu mới nhất của Quỹ dân số LHQ, tăng trưởng dân số của Trung Quốc sẽ đạt đến đỉnh điểm và sau đó sẽ là xu hướng giảm. Trong khi đó, tăng trưởng dân số của Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc kể từ đầu năm sau và trở thành nền kinh tế đông dân nhất.

Khi dân số Trung Quốc già hoá nhanh, thì số người dân trong độ tuổi lao động đã bị thu hẹp. Điều này cũng có tác động đến Việt Nam, vì quy mô lực lượng lao động sụt giảm sẽ đặt ra áp lực về lương, nhân công và những ngành từng là thế mạnh của Trung Quốc (bao gồm các ngành sản xuất thâm dụng lao động) sẽ trở nên ít cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác.

Theo đó, các doanh nghiêp đã dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ông cho hay: “Theo tôi, Việt Nam có vị thế vững chắc để đón nhận những cơ hội thu hút doanh nghiệp với lợi thế về nhân công.”

Ông Neumann cho biết tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn vững vàng, với mức 6% được dự báo cho năm tới và nằm trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất trên thế giới.

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên