HSC: Cơ chế đề án khu bay của ACV đã được trình Thủ tướng
Sau khi đàm phán xong đề án khu bay, ACV sẽ đủ điều kiện niêm yết HoSE và có thể hoàn tất chuyển sàn vào cuối năm nay.
Chứng khoán HSC vừa có báo cáo cập nhật Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV). Theo đó, ACV dự kiến sẽ công bố thời gian niêm yết cổ phiếu tại cuộc họp ĐHĐCĐ sắp tới, tổ chức vào tháng 6. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, đơn vị kiểm toán đề cập quá trình đàm phán về cho thuê hoạt động đối với các tài sản trong khu bay là một vấn đề chưa có phương án cuối cùng. HSC lưu ý ACV sẽ không đủ điều kiện niêm yết trên HSX cho đến khi vấn đề này được giải quyết.
Theo HSC, cơ chế đề án khu bay được kỳ vọng sẽ hoàn tất vào nửa cuối năm nay, nghĩa là chậm trễ 3 tháng so với kế hoạch. Các tài sản trong khu bay gồm nhiều tài sản khác nhau được sử dụng trong phần diện tích sân bay và được sử dụng cho máy bay cất, hạ cánh và lăn. Tài sản khu bay đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của ACV thông qua doanh thu từ phí dịch vụ cất hạ cánh.
HSC cho biết ACV và Bộ Giao thông Vận tải đã trình phương án cuối cùng lên Thủ tướng và chờ đời quyết định cuối cùng. Nếu cơ chế được thông qua, ACV sẽ đủ điều kiện niêm yết và HSC dự báo doanh nghiệp có thể sẽ cố gắng hoàn tất việc niêm yết vào cuối năm nay.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Kết quả được HSC dự đoán sẽ là các tài sản khu bay thuộc sở hữu Nhà nước, Nhà nước sẽ giao ACV quản lý tài sản này. Khi đó, ACV sẽ chịu trách nhiệm đối với toàn bộ lợi nhuận thu được cũng như chi phí phát sinh. Tuy nhiên, toàn bộ lợi nhuận và chi phí phát sinh sẽ được hách toán riêng lẻ trên báo cáo kinh doanh.
ACV cũng sẽ tài trợ vốn đầu tư cho các tài sản khu bay, phân bổ từ lợi nhuận thu được từ các tài sản khu bay mà doanh nghiệp quản lý. Việc thu chi đối với các tài sản này sẽ được thực hiện định kỳ. Giá trị tài sản khu bay sẽ được hạch toán là tài sản ngoại bảng.
Dự kiến chi 4.200 tỷ đồng bảo dưỡng đường băng
Năm 2019, ACV đã đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu từ hoạt động cảng hàng không là 17.800 tỷ đồng, tăng 10,3%. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch là 8.190 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm trước.
Tuy nhiên, HSC dự phóng ACV sẽ đạt doanh thu thuần chỉ đạt 17.510 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế năm 2019 thu về 8.674 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2018.
Quá trình bảo dưỡng đường băng sẽ được thực hiện trong mùa thấp điểm năm nay (cuối quý III hoặc đầu quý IV) do chậm trễ trong quá trình đàm phán về cơ chế đề án khu bay. Tổng vốn chi bảo dưỡng là 4.200 tỷ đồng, thời gian 4 tháng.
Về hoạt động đầu tư, ACV sẽ nâng cấp và mở rộng 5 dự án; chuẩn bị hồ sơ đối với dự án xây dựng nhà gà T3 Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 Sân bay Chu Lai; hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi cho giai đoạn 1 của sân bay Long Thành…
Riêng nhà ga T3 tại Tân Sơn Nhất, ACV đã được chỉ định là chủ đầu tư và dự án sẽ khởi công xây dựng trong quý I/2020, công suất dự kiến 20 triệu khách/năm và qua đó tăng công suất của Tân Sơn Nhất từ 2023 lên gấp đôi, đạt 50 triệu khách/năm.
ACV cũng nâng công suất toàn hệ thống lên gấp đôi giai đoạn 2019-2025 (chưa tính Long Thành) đạt 185 triệu lượt khách bằng việc xây dựng thêm 16 nhà ga mới và nâng cấp 6 nhà ga cũ. Tổng vốn đầu tư cần thiết là 78.000 tỷ đồng.
NDH