HSC: Nợ xấu không thu hồi được có thể lên đến 280 nghìn tỷ đồng?
Số nợ không thu hồi được trong số nợ xấu chưa được trích lập dự phòng của toàn ngành khoảng 240-280 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 600%-700% tổng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2016.
- 17-11-2017Tổng nợ xấu, nợ tiềm ẩn tới cuối tháng 9/2017 là 566.000 tỷ đồng, tương đương 8,61%
- 16-11-2017Thống đốc: Ưu tiên hàng đầu cho việc hoàn thiện giấy tờ pháp lý để xử lý nợ xấu, đặc biệt là bất động sản
- 30-10-2017Cạn tài nguyên, tăng nợ xấu ở những ngân hàng triệu tỷ
Theo phát biểu của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại Quốc hội mới đây, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng đến đã giảm xuống 8,61%, còn 566 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 3/2017 từ mức 10,06% cuối năm 2016.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), nợ xấu hiện tập trung phần lớn ở 7 hoặc 8 ngân hàng, trong đó ngoài Agribank và Sacombank, phần lớn nợ xấu tập trung ở các ngân hàng nhỏ hơn và đều được đảm bảo bởi các tài sản bất động sản.
Theo ước tính của HSC, hiện vẫn còn khoảng 400 nghìn tỷ đồng nợ xấu chưa xử lý, tương đương 6,1% tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý 3. Số nợ không thu hồi được trong số nợ xấu chưa được trích lập dự phòng của toàn ngành khoảng 240-280 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 600%-700% tổng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2016.
Một số ngân hàng như Vietcombank, MBBank... đã hầu như trích lập hết cho nợ xấu từ trước để lại và hiện có tình hình tài chính lành mạnh, sẵn sàng cho việc tăng trưởng mạnh vài năm tới. Trong khi đó các NHTM niêm yết khác vẫn còn phải tiếp tục trích lập dự phòng là VPBank, BIDV, Vietinbank. Trái lại, có những ngân hàng vẫn còn rất nhiều nợ xấu từ trước để lại phải trích lập, như Agribank, Sacombank, Eximbank, SCB, OceanBank, VNCB, GPBank.
Tuy nhiên, phần lớn nợ xấu từ trước để lại là cho vay dự án BĐS nên tỷ lệ thu hồi nợ xấu có thể còn cao hơn nhiều mức thông thường là 30-40%. Đặc biệt là khi giá trên thị trường BĐS đang tăng. Hơn nữa, Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu cũng sẽ giúp hỗ trợ giải quyết vấn đề.