Huawei Digital Power và "đòn bẩy" chuyển đổi số ngành năng lượng
Huawei Digital Power đã đưa ra định hướng và đang tích cực đẩy mạnh việc kết hợp công nghệ kỹ thuật số vào xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng cho hệ thống điện, giúp ngành năng lượng mặt trời truyền thống trở nên hiệu quả hơn và thông minh hơn.
Chuyển đổi số điện năng đang được thế giới quan tâm hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh nguồn điện bị thiếu hụt và giá điện thì ngày càng tăng cao đang diễn ra trên toàn cầu. Tại Hội nghị Năng lượng Thông minh và Điện mặt trời Quốc tế lần thứ 16 (SNEC 2023) diễn ra tại Trung Quốc, các chuyên gia, nhà phân tích và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành năng lượng và quang điện đã tham gia và thảo luận về xu hướng phát triển công nghệ lưu trữ điện mặt trời cũng như chia sẻ những ứng dụng thực tiễn mới nhất trong ngành.
Ông Hou Jinlong – Chủ tịch Huawei Digital Power đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị với chủ đề "Tích hợp công nghệ kỹ thuật số và công nghệ điện tử năng lượng, thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng và cùng nhau xây dựng một tương lai xanh và tốt đẹp hơn". Ông khẳng định việc tìm kiếm 3 mục tiêu: trung hòa carbon toàn cầu, an ninh năng lượng và giá trị thương mại, đang thúc đẩy ngành năng lượng toàn cầu chuyển đổi mạnh mẽ. Ông cũng chỉ ra 3 thách thức mà quá trình này phải đối mặt và Huawei, với vị thế là tập đoàn ICT, viễn thông hàng đầu sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất.
Chuyển dịch "tài nguyên thiên nhiên" sang "đổi mới công nghệ"
Với đặc thù phát thải lớn nhất thế giới, ngành năng lượng đang tích cực dịch chuyển nguồn cung cấp từ "tài nguyên thiên nhiên" sang "đổi mới công nghệ" với điện gió, điện mặt trời, lưu trữ năng lượng, điện tử học công suất và số hóa nhằm đáp ứng mục tiêu toàn cầu về trung hòa carbon. Ông Hou Jinlong nhận định, công nghệ sẽ là trợ lực thúc đẩy ngành năng lượng số tăng tốc bước vào kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên này đặc trưng bởi 3 yếu tố: năng lượng tái tạo dẫn đầu, tiêu thụ điện chiếm ưu thế, số hóa dữ liệu năng lượng thông minh.
Các phân tích của Huawei Digital Power cho thấy, tỷ lệ công suất lắp đặt năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 28% hiện nay, lên 91% vào năm 2050. Cùng giai đoạn, điện sẽ trở thành nguồn tiêu thụ chính với tỷ trọng tăng từ 22% lên 51%. Công suất lắp đặt điện mặt trời đã vượt qua thủy điện vào quý 1/2023 tại Trung Quốc, củng cố thêm tầm nhìn về ưu thế của điện mặt trời. Công nghệ kỹ thuật số cũng đang đẩy nhanh tốc độ khai phá tiềm năng của dữ liệu năng lượng, thúc đẩy hệ thống năng lượng thông minh tự động cân bằng - tự động vận hành - tự động xử lý ra đời và các mô hình kinh doanh mới xuất hiện.
Công nghệ 4T cho cơ sở hạ tầng hệ thống điện mới
Ông Hou Jinlong cho hay, cốt lõi của chuyển đổi năng lượng nằm ở việc xây dựng hệ thống điện mới "an toàn, tin cậy, ít carbon và tiết kiệm", đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ và sự hợp tác toàn ngành. Huawei Digital Power đang theo đuổi con đường này khi tập trung tích hợp công nghệ 4T (WatT, HeaT, BatTery, BiT) cho 3 kịch bản chính: nhà máy điện, công nghiệp và thương mại, dân dụng. Các giải pháp hướng tới mục tiêu tạo ra cơ sở hạ tầng hệ thống điện mới, tăng tốc đưa điện mặt trời trở thành nguồn năng lượng chính.
Cụ thể, các nhà máy năng lượng sạch có thể sử dụng công nghệ lưu trữ năng lượng Grid Forming từ Huawei để tạo ra "máy phát điện mặt trời thông minh", tích hợp điện mặt trời và điện gió, hội tụ đầy đủ công nghệ điện tử công suất - công nghệ kỹ thuật số - công nghệ hòa lưới điện tiên tiến. Nếu 10 năm trước ngành điện mặt trời phát triển công nghệ chuỗi thông minh, thì công nghệ lưu trữ thông minh sẽ được ứng dụng rộng rãi trong 10 năm tới.
Nhà máy điện mặt trời và điện gió tổng công suất 205 MW ở Ba Lan, cấp điện cho hơn 100.000 hộ dân và giảm 160 tấn CO2 mỗi năm, trang bị hạ tầng 710 bộ biến tần chuỗi và 23 trạm biến áp thông minh từ Huawei.
Đối với đô thị, ông Hou Jinlong nhấn mạnh cần phải xây dựng cơ quan quản lý năng lượng xanh và ít carbon, phát triển năng lượng phân tán, nhà máy điện ảo, mạng sạc thông minh, lưới điện vi mô thông minh,… nhằm tối ưu đầu vào và đầu ra, lưu trữ và tiêu thụ. Đối với điện dân dụng, ông tin rằng cần phải tạo ra hệ thống quản lý năng lượng thông minh, trải nghiệm tối ưu và kết nối liền mạch, để các hộ dân chuyển đổi vai trò từ người mua sang người sản xuất và bán lại năng lượng.
An ninh lưới điện và bảo mật thông tin trong lưu trữ điện mặt trời
Khi điện mặt trời và lưu trữ năng lượng được triển khai rộng rãi, các doanh nghiệp, đối tác trong ngành cần làm việc cùng nhau để thiết lập tiêu chuẩn cho hệ thống điện mới, đảm bảo an toàn cho con người và tài sản. Ông Hou Jinlong nhấn mạnh, an ninh lưới điện, bảo mật thông tin,… cũng chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành lưu trữ điện mặt trời.
Châu Âu, Úc cùng nhiều quốc gia khác đã thiết lập các tiêu chuẩn về an toàn, yêu cầu tất cả hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đều phải có khả năng phát hiện sự cố hồ quang điện và ngắt biến tần để ngăn chặn sự cố. Tại Trung Quốc, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Quốc gia và Cơ quan Quản lý Năng lượng đã cùng ban hành "Hướng dẫn Xây dựng Hệ thống Tiêu chuẩn Trung hòa Carbon" cho các bên liên quan trong hệ thống điện mới.
Trung hòa carbon tạo ra sự thay đổi rộng rãi và sâu sắc tới nền kinh tế - xã hội, đòi hỏi sự chung tay của toàn ngành và toàn xã hội. Hướng tới tầm nhìn tương lai, Huawei Digital Power cho biết sẽ liên tục đổi mới sản phẩm và giải pháp công nghệ xanh, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các khách hàng, đối tác có cùng mục tiêu để xây dựng hệ sinh thái năng lượng số xanh, bền vững.
Tổ Quốc