Huawei định phí bản quyền mỗi thiết bị cầm tay 4G, 5G và người dùng Wifi từ 0,5-2,5 USD
Huawei đã công bố mức phí bản quyền đối với chương trình cấp phép bằng sáng chế của các thiết bị cầm tay, Wi-Fi và IoT thuộc sở hữu của tập đoàn này.
- 18-07-2023iPhone đời đầu được rao bán với mức giá không thể tin nổi
- 18-07-2023Phúc Long gây xôn xao với món bánh trung thu vị Tom Yum hải sản, tung ra 11 vị bánh trước thềm Trung thu 2 tháng
- 18-07-2023CEO LG chia sẻ về mục tiêu táo bạo “777” cùng kế hoạch chinh phục doanh thu 100.000 tỷ won trong 7 năm tới
Huawei là một trong những công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất toàn cầu. Theo thống kê, tổng doanh thu từ việc cấp phép bằng sáng chế của Huawei đạt khoảng 1,3 tỉ USD trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021, tức hàng trăm triệu USD/năm.
Đến nay, Huawei đã ký gần 200 giấy phép bằng sáng chế song phương. Ngoài ra, hơn 350 công ty đã nhận được giấy phép sử dụng bằng sáng chế của Huawei thông qua mô hình liên kết thương mại hóa sáng chế. Thông qua các bằng sáng chế, doanh thu giấy phép năm 2022 của Huawei lên tới 560 triệu USD.
Tại sự kiện thường niên về đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Huawei – Bridging Horizons Of Innovations 2023, ông Song Liuping, Giám đốc Pháp chế của Huawei nhấn mạnh: “Huawei sẵn sàng chia sẻ bằng sáng chế đổi mới sáng tạo với cả thế giới. Những nỗ lực này sẽ đóng góp vào sự phát triển chung, mang tính bền vững của các ngành trên toàn cầu”.
Với những điều đó, Huawei tự tin công bố mức phí bản quyền đối với chương trình cấp phép bằng sáng chế của các thiết bị cầm tay, Wi-Fi hay IoT (Internet vạn vật). Theo đó, mỗi thiết bị cầm tay 4G và 5G sẽ có mức phí bản quyền tối đa lần lượt là 1,5 USD và 2,5 USD.
Mỗi thiết bị người dùng Wi-Fi 6 sẽ có phí bản quyền là 0,5 USD. Với mỗi thiết bị IoT Centric sẽ có phí bản quyền là 1% trên giá bán thực tế, giới hạn ở mức 0,75 USD; còn phí cho mỗi thiết bị IoT nâng cao sẽ dao động trong khoảng 0,3-1 USD.
Trước đó vào cuối tháng 6/2023, Huawei đã đòi tiền bản quyền sáng chế từ hơn 30 công ty tại Nhật Bản, từ các doanh nghiệp nhỏ cho đến các công ty có hơn 100 nhân sự. Đây là một trong những bước đi để giúp họ gia tăng doanh thu, trong bối cảnh việc kinh doanh của họ vẫn còn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Vì tiền bản quyền bằng sáng chế không bị hạn chế thương mại nên đây có thể là một nguồn thu nhập ổn định cho Huawei. Công ty đã thành lập một trung tâm chiến lược sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản để giám sát hoạt động kinh doanh sản phẩm trí tuệ (IP) của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia.
Việc Huawei có nhiều bằng sáng chế và tự tin định phí bản quyền là kết quả của việc đầu tư dài hạn cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong 10 năm qua, họ đã đầu tư 140,55 tỉ USD cho việc này.
Trong năm 2022, số tiền chi tiêu vào R&D của công ty đạt tới 23,23 tỉ USD, chiếm 25,1% tổng doanh thu cả năm. Trong cùng năm, Huawei đứng thứ 4 trên thế giới trong bảng xếp hạng Đầu tư R&D công nghiệp năm 2022 của Ủy ban châu Âu.
Hiện tại Huawei đã ký giấy phép bằng sáng chế với các hãng công nghệ hàng đầu như Samsung và Oppo, cũng như các nhà sản xuất ôtô lớn bao gồm Mercedes-Benz, Audi, BMW, Porsche, Subaru, Renault, Lamborghini và Bentley, đồng thời tích cực ủng hộ và hỗ trợ các tổ chức công nghiệp lớn trên toàn cầu.
Nhịp sống thị trường