Huawei và câu chuyện chuyển đổi số cho ngành tài chính thế giới
Không chỉ dừng lại ở các ngành trọng điểm như khai thác khoáng sản, cảng biển,… Huawei đã và đang nỗ lực song hành cùng các đối tác trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng nhằm triển khai chuyển đổi số hiệu quả, đưa Ngân hàng số đến thực tiễn, thúc đẩy công cuộc số hoá toàn diện tại các quốc gia mà Huawei hiện diện.
Khi tiềm năng song hành cùng thách thức
Tại Việt Nam, ngành tài chính – ngân hàng là một trong 8 ngành trọng điểm, được ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số, dựa trên chương trình "Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030", theo quyết định 749/QĐ-TTg 2020. Trước xu hướng số hoá không ngừng trên Thế giới, tiềm năng cho ngân hàng số tại Việt Nam là không hề nhỏ. Cụ thể, Việt Nam có dân số đông, trẻ, được phổ cập internet/smartphone cao là tiền đề vững chắc để đảm bảo hiệu quả tiếp cận của người dân đối với công nghệ, và các dịch vụ số của ngân hàng. Theo đó, cung – cầu đều có sức đẩy lớn: Nhu cầu của người tiêu dùng cao, còn các ngân hàng hay các tổ chức tín dụng vẫn luôn liên tục đổi mới, tăng cường đầu tư vào công nghệ để tự động hoá các quy trình, và đáp ứng yêu cầu thị trường.
Trong thời gian qua, ngành tài chính - ngân hàng cũng ghi nhận tốc độ chuyển đổi số nhanh và quyết liệt, có tới 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 92% phát triển dịch vụ trên môi trường số. Theo dự báo của ngân hàng nhà nước, giá trị thanh toán di động tại Việt Nam dự kiến tăng 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016, và sẽ đạt 70,9 tỷ USD đến năm 2025.
Bức tranh số hoá ngân hàng tại Việt Nam tuy có những điểm sáng, nổi bật nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức: khoản chi phí đầu tư cùng các rủi ro và các bất cập trong việc phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu liên tục của khách hàng để tăng lợi thế cạnh tranh.
Tiềm năng đi cùng với thách thức trên sẽ tạo ra động lực cho sự hợp tác giữa các ngân hàng với các đối tác cho sự phát triển chung của ngành. Chia sẻ với khách hàng, ông K.T Chen, Giám đốc Chuyển đổi số của Huawei Global Digital Finance cho biết: "Sự chuyển đổi số mạnh mẽ của khối ngân hàng sẽ là cảm hứng cho các ngành khác triển khai số hoá quyết liệt, thúc đẩy cho việc chuyển đổi số toàn diện của quốc gia".
Kinh nghiệm chuyển đổi số cho Việt Nam từ những ngân hàng toàn cầu
Ông K.T Chen chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn qua câu chuyện đồng hành chuyển đổi số cùng 3.300 khách hàng tài chính trên Thế giới, trong đó có 53 trên 100 ngân hàng lớn trên toàn cầu.
Dựa trên kinh niệm thực tiễn, tốc độ chuyển đổi số và sức mạnh cạnh tranh của mỗi ngân hàng không chỉ nằm trong nội bộ tổ chức, mà còn nằm cả ở mạng lưới đối tác kinh doanh bên ngoài. Ông K.T Chen nhấn mạnh rằng: "Lấy người dùng làm trung tâm chính là ‘chìa khóa’ chuyển đổi số của các tổ chức tài chính và ngân hàng, cũng như là thang điểm đánh giá hiệu suất và năng lực về mức độ kỹ thuật số của dịch vụ tài chính." Ông Chen giải thích: "Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số và thương mại điện tử, số lượt thanh toán số không ngừng gia tăng từ người dùng sẽ mang đến những thách thức lớn cho khối ngân hàng."
Tuy nhiên, theo Huawei, cơ sở hạ tầng đám mây sẽ là chìa khoá giải quyết vấn đề này cùng với 04 định hướng chiến lược tập trung: Cho phép đổi mới kịch bản kinh doanh, Nâng cao khả năng quyết định dựa trên dữ liệu, Xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, Tăng tốc hiện đại hóa ứng dụng, khi đưa ra khung giải pháp tài chính số đáp ứng mọi kịch bản, thông minh và đầy đủ kết nối cho mọi đối tác.
Thông qua khung giải pháp tài chính số này, Huawei đã hỗ trợ ngân hàng SCB (Siam Commercial Bank) hàng đầu Thái Lan đẩy nhanh tham vọng Fintech, phục vụ hơn 30 triệu khách hàng nội địa và phát triển 200 triệu người dùng số trên khắp ASEAN vào năm 2026. SCB đã tận dụng công cụ 3D API (Application Programming Interface - Giao diện lập trình 3D), NLP (Natural Language Processing - Xử lý ngôn ngữ tự nhiên), AI và Mô hình không có máy chủ (Serverless) của Huawei để biến ngân hàng số thành nền tảng cung cấp dịch vụ theo hệ sinh thái kỹ thuật số. Ngoài ra, SCB còn ra mắt Ngân hàng số bằng cơ sở hạ tầng đám mây gốc Huawei Cloud với quy trình phê duyệt khoản vay trực tuyến chỉ vài phút, có thể hỗ trợ 200 triệu khách hàng, hiệu suất nội bộ gấp 10 lần, tuân thủ bảo mật PDPA.
Huawei đã hỗ trợ SCB triển khai thành công dịch vụ tài chính kỹ thuật số, hướng đến mục tiêu ngân hàng số thông minh
Huawei cũng đồng hành cùng Ngân hàng DBS (The Development Bank of Singapore) với vai trò là đối tác chiến lược trong quá trình chuyển đổi số dựa trên đám mây và cơ sở hạ tầng: Điện toán, Lưu trữ, Mạng. Qua đó, Huawei đã giành được "Giải thưởng Đối tác Công nghệ Tốt nhất 2020" trong 64 nhà cung cấp công nghệ cho DBS và từ 2020-2023, cả hai bên đã đẩy mạnh hợp tác sâu rộng trên 4 hướng chiến lược: Cơ sở hạ tầng thích ứng; Hiện đại hóa đám mây gốc; Đổi mới công nghệ; Xanh và bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ cơ sở hạ tầng dựa trên đám mây của DBS đã vượt 90%, kiến trúc mở tăng tốc độ tự động hóa, giảm chi phí lẫn thời gian triển khai.
Với CMB (China Merchants Bank), ngân hàng bán lẻ tốt nhất Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu chuyển đổi số ấn tượng kể từ khi áp dụng chiến lược tập trung vào di động Mobile-First năm 2014: tăng 435% MAU từ 2017-2020, tăng 88% AUM từ 2015-2020. Mới đây nhất, Huawei Cloud đã hỗ trợ CMB tiếp tục hoàn thành quá trình chuyển đổi từ ứng dụng toàn diện sang hệ thống đám mây gốc Cloud Native và đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý: Trở thành "Ngân hàng bán lẻ trên đám mây" có hơn 2.220 ứng dụng kinh doanh, 188 triệu người dùng ứng dụng ngân hàng di động (62,28 triệu MAU), ứng dụng nội bộ tiếp nhận 3,1 triệu tin nhắn mỗi ngày và thời gian phản hồi trung bình chỉ trong 9,6 phút. Hiện, CMB đang tiếp tục đẩy mạnh quá trình định hướng dữ liệu Data Driven để mở khóa giá trị lượng dữ liệu khổng lồ, phát triển siêu ứng dụng ngân hàng di động, tối ưu trải nghiệm cá nhân hóa và phục vụ lợi ích tốt nhất cho khách hàng.
Từ năm 2021, Huawei đã công bố Chương trình Đối tác Tài chính Toàn cầu (FPGGP) nhằm tăng cường cộng tác với các đối tác có năng lực toàn cầu trong ngành dịch vụ tài chính, tận dụng kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của hệ sinh thái toàn cầu này để tăng tốc chuyển đổi số. Với 25 thành viên ban đầu, Huawei và các đối tác trong FPGGP đã phát triển các giải pháp hàng đầu trong ngành và phục vụ nhu cầu cho khách hàng trên khắp thế giới.
Một trong các thành viên nổi bật trong FPGGP là Sunline - công ty phần mềm số 1 Trung Quốc đã dành 22 năm cung cấp phần mềm cho ngân hàng. Sunline đã phục vụ hơn 800 khách hàng tại 8 quốc gia và sắp tới sẽ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm mang đến nhiều giải pháp công nghệ và đồng hành thiết thực hơn nữa với khách hàng.
Sunline - công ty phần mềm Trung Quốc đã hợp tác cùng Huawei mang đến những giải pháp tài chính thông minh cho khách hàng
Huawei cho biết sẽ cùng các đối tác đã xây dựng một chuỗi giải pháp tài chính toàn diện để tạo ra nhiều giá trị tích cực hơn cho khách hàng, định hình ngành tài chính ngày càng xanh và thông minh hơn. Không chỉ cung cấp các giải pháp thay thế hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn, Huawei còn đồng hành toàn diện cùng đối tác và khách hàng, từ giai đoạn tư vấn và lập kế hoạch, đến triển khai và tích hợp, hỗ trợ vận hành, đến đào tạo và chứng nhận.
Tổ Quốc