MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huawei và những nguyên tắc duy trì giá trị doanh nghiệp

25-06-2021 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Huawei và những nguyên tắc duy trì giá trị doanh nghiệp

Trong hành trình hơn 30 năm đạt tới vị thế hàng đầu ngành ICT thế giới, Huawei luôn duy trì những nguyên tắc quản trị độc đáo vì mục tiêu bảo tồn các giá trị doanh nghiệp và trọng tâm vào khách hàng.

Công ty với hơn 96.000 "ông chủ"

Có lẽ không một doanh nghiệp nào trên thế giới sở hữu cấu trúc cổ phần độc đáo như Huawei. Quyền sở hữu công ty thuộc về hơn 96.000 người, bao gồm nhân viên và cựu nhân viên đã nghỉ hưu có nhiều cống hiến. Là tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới mà không niêm yết, Huawei sẵn sàng từ chối những khoản đầu tư hàng ngàn tỷ USD để duy trì nguyên tắc "không có ai không phải là nhân viên Huawei được phép có cổ phần, cũng không có một cơ quan bên ngoài nào được phép có cổ phần, bất kỳ một cơ quan nào của chính phủ cũng không được phép nắm cổ phần" (trích lời Nhậm Chính Phi).

Morgan Stanley, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới, đã từng để ý đến Huawei và mong muốn mua lại một phần của công ty. Khi phái đoàn do Stephen Roach, nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley tới thăm trụ sở Huawei tại Thâm Quyến, họ đã không thể gặp trực tiếp Nhậm Chính Phi để đưa ra lời đề nghị gói đầu tư nhiều tỷ USD. Lý giải cho hành động này, ông Nhậm cho rằng ông sẵn sàng gặp trực tiếp bất kỳ khách hàng nào dù họ quy mô nhỏ ra sao, nhưng ông Roach cùng phái đoàn không phải là khách hàng của Huawei và ông từ chối cơ hội đầu tư này. Morgan Stanley là một trong số rất nhiều những nhà đầu tư mạo hiểm đã bị Huawei "xa lánh", thể hiện rõ quyết tâm từ chối "tiếng gọi" của thị trường vốn và duy trì cơ chế cổ phần do nhân viên làm chủ tại Huawei.

Bản thân nhà sáng lập của Huawei, Nhậm Chính Phi, chỉ sở hữu 1,14% tổng số cổ phần Huawei, và ông cho rằng tỉ lệ này "cần tiếp tục giảm". Ông tự nhận mình là "thủ lĩnh bù nhìn", còn hội nghị đại biểu các nhân viên có cổ phiếu mới là "cơ quan có quyền lực cao nhất" của Huawei, hay nói cách khác, người dẫn dắt Huawei chính là tập thể. Khi được làm chủ và trực tiếp chia sẻ lợi ích doanh nghiệp, mỗi nhân viên trở nên đoàn kết và tận tâm vì thành công chung của cả công ty. Ông Nhậm từng có bài thuyết trình mang tên "Đi theo chân lý Lấy khách hàng làm trung tâm, vinh danh nhân viên đã cống hiến cho công ty, và duy trì sự tận tâm lâu dài trong công việc", trong đó chia sẻ "Đây là toàn bộ bí mật đằng sau khả năng vượt qua các đối thủ cạnh tranh của Huawei, cũng là sự đảm bảo cho thành công kế tiếp của Huawei. [..] sự tận tâm chính là cách để tập trung vào khách hàng, và các nhân viên tận tâm đều có xu hướng gắn bó lâu dài với việc lấy khách hàng làm trung tâm". Đây chính là nguồn gốc hình thành văn hóa "quay lưng với sếp" độc đáo tại Huawei.

Cơ chế lãnh đạo tập thể này được Huawei duy trì thông qua một cơ chế chuyển dịch có trật tự. Gần đây nhất, tập đoàn đã hoàn thành cuộc bầu cử kéo dài 1 năm để lựa chọn ra những đại diện có cổ phiếu cho nhiệm kỳ mới tại 416 điểm bỏ phiếu trên 170 quốc gia, tạo thành một cơ chế quyền lực mới. Quá trình này bắt đầu từ bước tuyên truyền điều lệ quản trị đến việc đề cử và vận động tranh cử của các ứng viên, đảm bảo lựa chọn được những ứng viên phù hợp, nhận được sự ủng hộ rộng rãi.

Nguyên tắc lãnh đạo nhóm thay vì văn hóa CEO

Nhậm Chính Phi tin rằng, thông qua quá trình chuyển giao chế độ công khai theo nguyên tắc đồng thuận chung này, những nhà lãnh đạo mới do chính tập thể lựa chọn sẽ tiếp tục đảm bảo rằng giá trị chung của Huawei – "coi khách hàng là trung tâm, sáng tạo giá trị cho khách hàng" được bảo vệ và kế thừa dài lâu. Nhậm Chính Phi cũng khẳng định không chọn con gái và con trai mình làm người kế nhiệm. Ông mô tả người kế nhiệm của mình "phải là một chiến binh, có khả năng quan sát thị trường, có thâm niên trong lĩnh vực kỹ thuật, có kinh nghiệm thực tiễn thị trường phong phú, có nghiên cứu sâu trong lĩnh vực triết học, xã hội học", và quan trọng nhất là có khả năng "đoán định phương hướng". Thay vì tìm kiếm một người kế nhiệm duy nhất, Huawei đã tự xây dựng một cơ chế lãnh đạo nhóm và tạo ra khái niệm CEO luân phiên (rotating CEO).

Cụ thể, bảy người sẽ được lựa chọn để tạo thành một ủy ban thường trực của ban giám đốc, trong đó ba người có thể thay phiên nhau chủ trì cuộc họp hội đồng quản trị trong vai trò CEO, mỗi người không quá sáu tháng liên tiếp. Ba vị CEO này có thể được coi là một Ban CEO, cùng nhau đưa ra các quyết sách quan trọng. Các quyết định của ban CEO được đưa ra dưới hình thức biểu quyết, sau đó được đề xuất lên ban giám đốc gồm 17 người để thảo luận trước khi trở thành nghị quyết. Vai trò lãnh đạo được luân chuyển và thay thế để đảm bảo dân chủ và minh bạch. Tất cả các quy tắc và quy trình này phải được giám sát bởi đại biểu của những nhân viên có cổ phần và hội đồng giám sát. Tuy được gọi là CEO, nhưng những người này không có quyền bỏ phiếu cao hơn bất kỳ người nào trong Ban giám đốc, nhưng chắn chắn ở vị trí của mình họ sẽ có ảnh hưởng lớn hơn trong các quyết định. Trong thời gian là CEO, người này vẫn phụ trách mảng mà mình chịu trách nhiệm ở tập đoàn, đồng thời được chính Nhậm Chính Phi cố vấn và hướng dẫn.

Huawei và những nguyên tắc duy trì giá trị doanh nghiệp - Ảnh 1.

"Người lãnh đạo kế nhiệm" Huawei luôn luôn là một nhóm thay vì cá nhân. (Ảnh: AFP)

Cơ chế CEO luân phiên này được Huawei áp dung từ năm 2011, sau một quá trình thử nghiệm và cải tổ nội bộ, bắt đầu từ việc luân phiên Giám đốc Vận hành (COO). Ban đầu, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cách để Huawei giữ ba "con hổ" trong cùng một khu rừng - bằng cách cho 3 người giỏi nhất được luân phiên nắm giữ vị trí điều hành công ty và từ đó tìm ra người kế nhiệm Nhậm Chính Phi. Nhưng trên thực tế, cơ chế này là cách mà Nhậm Chính Phi đảm bảo tương lai của Huawei sẽ không phụ thuộc vào bất kì cá nhân nào. Ông gọi đó là "quá trình phân tán quyền lực cá nhân" để Huawei "trở nên thực sự trưởng thành".

Một nhà nghiên cứu làm việc cho Huawei với tư cách là một cố vấn quản lý trong nhiều năm cho biết: "Nhậm Chính Phi […] tin rằng một công ty có cuộc sống độc lập riêng của mình sau khi được sinh ra. Người sáng lập tại một số thời điểm sẽ ra đi hoặc chết đi, nhưng công ty và hệ thống quản lý của nó có thể tự tái tạo và tồn tại đến cùng. Theo nghĩa này, không cá nhân nào được phép can thiệp vào quá trình phát triển của công ty". Ông Nhậm từng nhấn mạnh "Một công ty năng nổ nhất khi người sáng lập không còn hữu ích. Vì vậy, khi người sáng lập nổi bật trong hàng ngũ người nổi tiếng và được tôn thờ bởi tất cả mọi người trong công ty, thì đó là khi công ty tuyệt vọng nhất và cũng đang ở trong tình trạng nguy hiểm nhất". Tờ European Business Review nhận xét, hệ thống CEO luân phiên của Huawei đã giúp cân bằng cả tính dân chủ và tập trung trong các quyết định của doanh nghiệp, giúp Huawei loại bỏ những hoài nghi về tương lai của công ty sau khi mất đi nhà sáng lập, đồng thời tận dụng được trí tuệ tập thể để hoạt động hiệu quả hơn.

Trong hơn 30 năm qua, cơ cấu tổ chức mọi nhân viên làm chủ cùng nguyên tắc lãnh đạo nhóm đã góp phần thúc đẩy nhân viên mang lại nhiều giá trị hơn cho công ty, giúp Huawei trở thành một trong những doanh nghiệp sáng tạo hàng đầu thế giới, dẫu đầu ngành ICT cũng như thực hiện lý tưởng "trở thành công ty kết nối tốt nhất" và "phấn đấu cho xã hội thông tin của loài người".

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên