MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huế, Bình Dương, Đồng Tháp... đã đón những dự án mới nào tuần qua?

Huế, Bình Dương, Đồng Tháp... đã đón những dự án mới nào tuần qua?

Đồng Tháp và Bình Dương mới đây đều đón dự án về nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử, điện cơ. Trong khi đó, Thừa Thiên Huế đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm logistics khu vực.

Thừa Thiên Huế triển khai phát triển logistics, tập trung vào các cụm công nghiệp

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, với đầu tư hạ tầng logistics sẽ tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics. Xây dựng các trung tâm logistics tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương. Có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các trường dạy nghề để đẩy mạnh công tác đào tạo với nhiều hình thức linh hoạt, cung cấp nhân lực đáp ứng cho ngành.

Bình Dương có nhà máy sản xuất thiết bị hàng không vũ trụ

Vừa qua, Spartronics LLC, nhà sản xuất các thiết bị phức hợp điện tử và cơ điện tử cho lĩnh vực hàng không dân dụng, quốc phòng, không gian vũ trụ, điều khiển, khoa học đời sống và y tế, vừa chính thức khởi công nhà máy mới tại Bình Dương, Việt Nam.

Dự kiến, nhà máy mới sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2022. Nhà xưởng mới có diện tích 27.000 m2 và được trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, có diện tích gấp bốn lần nhà xưởng hiện tại của Công ty và nằm gần các sân bay và cảng biển lớn.

Spartronics Việt Nam do Tập đoàn Sparton (Mỹ) đầu tư. Nhà máy đầu tiên của Spartronics Việt Nam được xây dựng vào năm 2005 ở Bình Dương. Kể từ đó, Spartronics Việt Nam đã được mở rộng đầu tư và hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định.

Dự án điện khí LNG 'khủng' nhất miền Tây kỳ vọng khởi công cuối năm 2021

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho hay, một số khó khăn mà dự án điện khí LNG Bạc Liêu hơn 4 tỷ USD gặp phải bao gồm: đàm phán giá điện khi hiện nay giá điện và kế hoạch mua điện theo Luật Điện lực vẫn chưa thống nhất, cần đàm phán câu chuyện nhà đầu tư bán tất cả 3.200 MW thì phía ngành điện có mua hết hay không...

Ngoài ra, Chính phủ đã thống nhất xây dựng đường dây 500 KV từ điểm đấu nối vào Trà Nóc (Thành phố Cần Thơ) đi qua nhiều địa phương để có cam kết truyền tải điện. Nhìn chung, các nội dung cần phải xin ý kiến Trung ương, tỉnh Bạc Liêu sẽ đăng ký làm việc với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan để hoàn thiện các thủ tục còn lại với mục tiêu cuối năm 2021 có thể tiến hành khởi công dự án.

Dự án điện khí LNG Bạc Liêu được tỉnh Bạc Liêu trao Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 1/2020. Theo kế hoạch, nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư (đến hết năm 2020) để hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Sau đó, nhà đầu tư sẽ có 36 tháng để triển khai xây lắp, lắp đặt đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy turbin khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW) vào cuối 2023.

Nhà đầu tư cũng sẽ tiếp tục xây lắp và vận hành các tổ máy còn lại để đạt công suất 3.200 MW cuối năm 2027 như Quy hoạch điện VII (điều chỉnh). Dự án do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) là chủ đầu tư và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC. Tổng mức đầu tư dự kiến là 93.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD). Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% và vốn vay chiếm tối đa 85%.

Hậu Giang mời gọi đầu tư khu đô thị mới thị xã Long Mỹ

Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang có quyết định phê duyệt danh mục Dự án đầu tư có sử dụng đất sử dụng vốn ngoài ngân sách cần lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đối với dự án Khu đô thị mới thị xã Long Mỹ 1, phường Thuận An.

Dự án được thực hiện tại khu vực 4, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, với quy mô diện tích khoảng 15,3 ha. Trong đó, diện tích đất thực hiện dự án là 14,42 ha; diện tích khu ở cải tạo chỉnh trang là 0,88 ha, theo đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án gần 207 tỷ đồng, từ nguồn vốn tự có của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động khác theo quy định pháp luật. Hình thức thực hiện: nhà nước thu hồi đất, nhà đầu tư ứng tiền giải phóng mặt bằng.

Tiến độ thực hiện dự án là 24 tháng kể từ khi hoàn thành thủ tục giao đất cho nhà đầu tư.

UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất và triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ.

Hãng tư vấn Mỹ đề xuất tham gia quy hoạch Bình Định

Lãnh đạo tỉnh Bình Định vừa có buổi làm việc với Tập đoàn McKinsey & Company (Hoa Kỳ) và Tập đoàn FPT. Tại đây, McKinsey & Company đề xuất phương pháp tiếp cận lập quy hoạch tỉnh Bình Định trên cơ sở tiếp cận trên định hướng tổng thể quy hoạch chung của cả nước và quy hoạch tỉnh mang tính khác biệt về tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội; cam kết sẽ huy động đội ngũ chuyên gia giỏi về quy hoạch thế giới và trong nước để tham gia quá trình triển khai lập quy hoạch.

Trước đó, cuối tháng 1/2021, Chính phủ đã ký Quyết định 136/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc lập quy hoạch đảm bảo phù hợp thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng; hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên 3 trụ cột: kinh tế , xã hội và môi trường.

Doanh nghiệp Anh muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực y tế tại Việt Nam

Bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự tại TP.HCM cho biết, ngày 1/5 sắp tới, UKVFTA sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, UKVFTA đã mang lại những lợi ích thiết thực ngay từ đầu năm nay. Khoảng 65% thuế đã được loại trừ và trong vòng 6 năm tới, con số này sẽ tăng lên 99%.

Trên thực tế, một số công ty chăm sóc sức khỏe của Anh đã bắt đầu hiện diện tại Việt Nam. Năm ngoái, Real Capital London đã khởi động Dự án Viện Y khoa Hồng Anh tại TP.HCM. Đây sẽ là một hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại, gồm một bệnh viện 462 giường, một trung tâm đào tạo y tế, các phòng khám đa khoa và nhà thuốc, nhà lưu trú, viện dưỡng lão. Dự án được chia thành 4 giai đoạn, với giai đoạn cuối cùng dự kiến hoàn thành trước năm 2030.

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư Anh đã rót 3,87 tỷ USD vào hơn 400 dự án tại Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 15 tại Việt Nam.

Đồng Tháp chấp thuận đầu tư sản xuất cụm dây dẫn điện hơn 93 tỷ đồng

Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Công ty TNHH Điện tử ASTI để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử, điện cơ.

Dự án thực hiện tại Cụm công nghiệp Dịch vụ - Thương mại Trường Xuân (huyện Tháp Mười), có quy mô sử dụng đất là 35.000 m2. Mục tiêu của dự án là sản xuất cụm dây dẫn điện cho xe ô tô, mô tô các loại, với công suất thiết kế 5.000.000 (bộ/set) dây/năm.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 93,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 64,5 tỷ đồng; vốn huy động là 28,9 tỷ đồng, vay từ tổ chức tín dụng. Theo tiến độ thực hiện, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động cuối quý I/2022.

Ngoài ra, dự án được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời hạn 15 năm, được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên