MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hưng Thịnh Corp: Từ văn phòng môi giới việc làm chuyển sang môi giới địa ốc, thành tập đoàn lớn mạnh nhờ thâu tóm và hồi sinh các dự án 'đắp chiếu'

07-06-2021 - 15:11 PM | Bất động sản

Hưng Thịnh Corp: Từ văn phòng môi giới việc làm chuyển sang môi giới địa ốc, thành tập đoàn lớn mạnh nhờ thâu tóm và hồi sinh các dự án 'đắp chiếu'

Từ vai trò là nhà môi giới, thông qua hợp tác với các chủ đầu tư giai đoạn 2013-2015 làm hồi sinh các dự án đóng băng, Hưng Thịnh Corp tích lũy kinh nghiệm và tài chính vươn lên trở thành nhà phát triển dự án.

Chúng tôi xin giới thiệu series bài viết "Các doanh nghiệp bán nhiều nhà nhất Việt Nam". Bài viết này chia sẻ câu chuyện của Tập đoàn Hưng Thịnh. Mời quý độc giả đón đọc.


TỪ VĂN PHÒNG MÔI GIỚI VIỆC LÀM THÀNH MÔI GIỚI ĐẤT NỀN

Trong danh sách 10 nhà phát triển bất động sản hàng đầu do tạp chí Forbes bình chọn năm 2020, Hưng Thịnh Land đứng vị trí thứ 4. Công ty bất động sản này được xem là hạt nhân của tập đoàn bất động sản Hưng Thịnh Corp.

Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hưng Thịnh là ông Nguyễn Đình Trung, sinh năm 1972 tại Thái Bình nhưng lớn lên ở Bình Định, trong gia đình có bốn anh chị em. Năm 1990, ông Nguyễn Đình Trung đến TP.HCM theo học chuyên ngành kế toán của một trường cao đẳng. Ra trường, ông Trung từng nhiều công việc khác nhau và có thời gian đi làm công nhân.

Ông Trung bén duyên với bất động sản khá tình cờ. Sau khi mở một văn phòng tư vấn môi giới việc làm trên đường Thành Thái của TP.HCM, nhiều người nói vị trí đẹp như vậy thì nên làm môi giới địa ốc. Văn phòng của ông Trung làm nhiều công việc trong đó chủ yếu là môi giới đất nền. Giai đoạn này cơn sốt đất tại khu Trung Sơn từ 4 triệu đồng/m2, chỉ vài tháng sau lên 8-10 triệu đồng/m2 khiến ông Trung phất lên nhanh chóng nhưng cũng suýt trắng tay. Từ đây ông rút ra bài học quan trọng với Hưng Thịnh sau này là kinh doanh phải gắn với nhu cầu thật của người mua, tránh tình trạng đầu cơ, thổi giá.

Năm 2002, ông Trung thành lập Thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tư vấn Đầu tư Đồng Tiến (Hiện nay là Hưng Thịnh Land) tại Quận 10. Công ty ra đời chủ yếu làm về giấy tờ nhà đất, môi giới bất động sản. Ông Trung từng chia sẻ với báo chí, bản thân ông không nghĩ Hưng Thịnh sẽ là một thương hiệu mạnh trên thị trường như hôm nay.

Hưng Thịnh Corp: Từ văn phòng môi giới việc làm chuyển sang môi giới địa ốc, thành tập đoàn lớn mạnh nhờ thâu tóm và hồi sinh các dự án đắp chiếu - Ảnh 1.

Nhà sáng lập, CEO Tập đoàn Hưng Thịnh

Sau khoảng 5 năm là nhà môi giới, tới năm 2007 ông Trung đổi tên công ty thành Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corporation) và thành lập Công ty Cổ phần Thiết kế - Xây dựng Hưng Thịnh (Hung Thinh Construction). Đúng lúc này, thị trường địa ốc vào cơn sốt. Những dự án đầu tiên của Hưng Thịnh đầu tư và đồng chủ đầu tư ở TP.HCM, Vũng Tàu và Phan Thiết đã đem lại thành công cho ông và công ty.

Giai đoạn 2009-2012, thị trường khủng hoảng, với chiến lược thâu tóm các dự án đắp chiếu, hợp tác phát triển cùng nhiều đối tác, Hưng Thịnh đã phát triển thành công hàng loạt dự án.

Và chiến lược này được tập đoàn đẩy mạnh sau đó. Chỉ tính riêng năm 2016, Hưng Thịnh đã M&A và phát triển 14 dự án.

M&A HỒI SINH CÁC DỰ ÁN "ĐẮP CHIẾU"

M&A là công cụ mà nhiều doanh nghiệp sử dụng tích cực và hiệu quả trong quá trình phát triển như Novaland, Danh Khôi, An Thịnh, LDG Group và Hưng Thịnh cũng không ngoại lệ.

Trong khoảng 5 năm gần đây, Hưng Thịnh nhanh chóng gia tăng quỹ đất lên 4.500 héc ta với tổng tài sản hơn 2 tỷ USD nhờ chiến lược M&A các dự án bất động sản đóng băng và sau đó dưa dự án hồi sinh, tạo thành sản phẩm phù hợp đưa ra thị trường.

Vốn am hiểu kế toán, tài chính, từ năm 2009 thay vì tự mình phát triển dự án, vốn là hướng đi khó khăn cho một doanh nghiệp có xuất phát điểm là môi giới bất động sản, ông Trung chọn hướng tìm các dự án tốt đang "chết lâm sàng" để M&A, bơm vốn hoặc hợp tác tái cấu trúc lại dự án.

Năm 2009, dự án đầu tiên Hưng Thịnh tham gia ở vai trò chủ đầu tư dự án là Thiên Nam Apartment tại quận 10, Tp.HCM sau khi mua lại của Temexim.

Hưng Thịnh Corp: Từ văn phòng môi giới việc làm chuyển sang môi giới địa ốc, thành tập đoàn lớn mạnh nhờ thâu tóm và hồi sinh các dự án đắp chiếu - Ảnh 2.
Hưng Thịnh Corp: Từ văn phòng môi giới việc làm chuyển sang môi giới địa ốc, thành tập đoàn lớn mạnh nhờ thâu tóm và hồi sinh các dự án đắp chiếu - Ảnh 3.
Hưng Thịnh Corp: Từ văn phòng môi giới việc làm chuyển sang môi giới địa ốc, thành tập đoàn lớn mạnh nhờ thâu tóm và hồi sinh các dự án đắp chiếu - Ảnh 4.

Các dự án 8x do Hưng Thịnh M&A và phát triển

Hướng đi này giúp Hưng Thịnh tiết kiệm được thời gian và xoay vòng phát triển dự án nhanh hơn. Chỉ sau vài năm, Hưng Thịnh đã phát triển mạnh hàng loạt dự án ở khắp các tỉnh, thành phố. Chuyên môn về kế toán giúp ích cho Hưng Thịnh hơn cả là ở việc xoay vòng vốn hiệu quả.

Năm 2012, trong một lần đi công tác tại Khánh Hòa, ông Trung nhận ra nhu cầu lao động của các khu nghỉ dưỡng ven biển dọc đường Nguyễn Tất Thành. Ông quyết định phát triển dự án dân cư Golden Bay ở bắc bán đảo Cam Ranh và nhanh chóng được hấp thụ.

Với triết lý nghiên cứu kỹ đặc thù vùng miền, tạo ra khoảng 60-70% dự án hướng tới người mua có nhu cầu thật, hiện Hưng Thịnh đã có mặt tại Tp.HCM, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Định, Bà Rịa- Vũng Tàu, Vĩnh Long, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai.

Giai đoạn 2013-2014, nhờ M&A mà Hưng Thịnh vượt qua được giai đoạn u ám của thị tường nhờ các dự án có giá cả và diện tích hợp lý như 8x Thái An, 8x Plus.

Giai đoạn 2015-2017 tập đoàn này tiếp tục thực hiện M&A, có năm lên tới 14 dự án. Theo ông Hưng, nhờ lịch sử giao dịch tốt, có uy tín nên việc vay vốn ngân hàng thuận lợi để thực hiện M&A.

Đầu năm 2021, Hưng Thịnh Land (công ty thành viên của tập đoàn Hưng Thịnh) phát hành thành công 3 lô trái phiếu có tổng mệnh giá 1,200 tỷ đồng. Số vốn này được dành để thực hiện thương vụ M&A dự án khu phức hợp dự án Anderson Park. Tuy nổi tiếng là vua M&A bất động sản nhưng cũng có dự án Hưng Thịnh thất bại khi đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng sau đó chưa thể triển khai do vướng các thủ tục pháp lý.

HỆ SINH THÁI KHÉP KÍN TIẾT KIỆM 1/5 CHI PHÍ

"Nhìn vào thực tế thị trường hiện nay rất ít sản phẩm mà người nhu cầu thật có thể mua được. Muốn người có nhu cầu thật tiếp cận được sản phẩm nhà ở thì sản phẩm phải có thiết kế hợp lý, diện tích vừa phải, kéo giá thành xuống thấp hơn nữa", chủ tịch Hưng Thịnh chia sẻ với Forbes.

Hưng Thịnh Corp làm được điều này nhờ xây dựng được hệ sinh thái riêng từ thiết kế, xây lắp, bán hàng đến quản lý chung cư. Theo ước tính, hệ sinh thái này giúp Hưng Thịnh tiết kiệm xấp xỉ 20% chi phi so vơi sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Dưới mô hình tập đoàn và cốt lõi là bất động sản, hệ sinh thái của Hưng Thịnh được tạo ra tương ứng vai trò của 5 công ty thành viên chủ lực là Hưng Thịnh Land, Hung Thinh Investment, Hung Thinh Incons, Hung Thinh Technology và PropertyX.

Trong đó, Hưng Thịnh Land được phát triển với vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái của Hưng Thịnh Corp với vai trò phát triển dự án bất động sản. Những dự án Hưng Thịnh Land đã phát triển có thể kể đến như: Thiên Nam Apartment với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, 12 view với 2 block với diện tích xây dựng 4.850 m2, 8x Thái An, 8x Rainbow, Melody Residence, Lavita Garden, SaigonMia,…

Đáng chú ý nhất là chuỗi dự án căn hộ "dòng 8x" ra mắt giai đoạn 2013-2014 khá thành công dù thị trường bất động sản lao dốc. Đây là loại căn hộ nhắm tới gia đình trẻ, khách hàng là thế hệ 8X (sinh vào những năm 1980s) đã đi làm được 5-10 năm, có tích lũy nhất định. Các dự án này được chỉnh sửa thiết kết để diện tích căn hộ trên dưới 50 m2, hạ giá bán dưới 1 tỷ đồng, phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời đẩy mạnh môi giới. Kết quả các căn hộ 8x Thái An, 8x Plus bán hết hàng ngay ở thời điểm thị trường khó khăn.

Nhiều dự án được công ty hồi sinh như c8X Plus (quận 12), 8X Thái An (quận Gò Vấp), 8X Đầm Sen (quận Tân Phú); Melody Residences (quận Tân Phú); Moonlight Park View (quận Bình Tân); Richmond City (quận Bình Thạnh); Moonlight Boulevard (quận Bình Tân) và MoonLights Residences (quận Thủ Đức); Florita (quận 7); 9 View Apartment (quận 9); Sky Center (Tân Bình)…

Các dự án do Hưng Thịnh phát triển được thiết kế bởi công ty nội bộ Prowind. Việc dùng đội thiết kế nhà giúp Hưng Thịnh tính toán, thiết kế chi ly từ đó tăng dược diện tích bán hàng đồng thời giảm được 5% chi phí vật liệu xây dựng tính trên mỗi đơn vị diện tích.

Đơn vị xây lắp chính là công ty Hưng Thịnh Incons. Việc sử dụng đội xây lắp nội bộ giúp tập đoàn này tiết kiệm khoảng 4-5% chi phí theo tiết lộ của Forbes. Việc sử dụng đội xây lắp chính chủ còn giúp Hưng Thịnh chủ động về dòng tiền để tiếp tục phát triển các dự án khác.

Các dự án của Hưng Thịnh sau khi phát triển xong sẽ được phân phối bởi PropertyX là công ty thành viên với khoảng 1.300 nhân viên. PropertyX, Đất Xanh, Cenland hiện là 3 ông lớn trong mảng môi giới bất động sản. PropertyX giúp tập đoàn này tiết kiệm thêm 3-4% chi phí. Ngoài chức năng bán hàng, PropertyX còn là được xem là đơn vị trinh sát thị trường phản hồi thông tin để tập đoàn vạch ra kế hoạch kinh doanh tiếp theo.

Hưng Thịnh còn sở hữu các công ty quản lý tòa nhà, công ty nội thất, công ty cây xanh riêng, công ty công nghệ bất động sản protech. Việc sở hữu công ty nội thất giúp tập đoàn này tiết kiệm thêm 1% chi phí. Trong khi đó công ty quản lý tòa nhà giúp Hưng Thịnh nhận phản hồi từ khách hàng, quá trình vận hành để liên tục cải tiến về thiết kế cho các dự án phát triển về sau.

TÌNH HÌNH KINH DOANH

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Vietcombank, Tập đoàn Hưng Thịnh chiếm 4% thị phần bất động sản nhà ở tại Việt Nam trong giai đoạn 2016 – nửa đầu 2020 và là nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 ở Việt Nam, chỉ xếp sau Vinhomes.

Chỉ tính riêng năm 2020, Hưng Thịnh Land giới thiệu ra thị trường gần 7.000 sản phẩm, góp phần đáng kể vào tổng doanh số và lợi nhuận toàn Tập đoàn lần lượt đạt 19.448 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng.

Khoảng năm 2020, Hưng Thịnh bắt đầu rục rịch truyền thông về kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với Hưng Thịnh Land.

Tháng 3/2021, Hưng Thịnh Land vừa huy động thành công 1.200 tỷ thông qua 3 lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm, nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện các dự án của Hưng Thịnh Land.

Theo nhiều nguồn tin, nhiều khả năng trong năm 2021, Hưng Thịnh Land sẽ IPO để hút nguồn vốn trên thị trường nhằm phát triển các dự án bất động sản.

Trong số 5 công ty thành viên, Hung Thinh Incons là đơn vị duy nhất đã niêm yết cổ phiếu HTN trên sàn chứng khoán vào tháng 11/2018. Báo cáo tài chính năm 2020 cho thấy, doanh thu của Hưng Thịnh Incons đạt 4.552 tỷ đồng (tăng 24% so với 2019), với mức lợi nhuận sau thuế 357,5 tỷ đồng (tăng 91% so với năm 2019).

Hưng Thịnh Corp: Từ văn phòng môi giới việc làm chuyển sang môi giới địa ốc, thành tập đoàn lớn mạnh nhờ thâu tóm và hồi sinh các dự án đắp chiếu - Ảnh 5.

Trước diễn biến phức tạp của Covid, ông Nguyễn Đình Trung từng chia sẻ về kế hoạch kinh doanh của tập đoàn thay đổi ra sao để ứng phó với đại dịch Covid-19.

"Đại dịch tác động rất lớn đến thị trường bất động sản , nguồn cung có thể giảm nhưng không mất đi và bất động sản vẫn còn đó. Giống như một làn sương quét qua thành phố, không ai ra đường, không ai tiêu dùng… Mọi thứ hữu hình vẫn như vậy nhưng vô hình đã thay đổi.

Sau ngày Lễ 30/4, chúng tôi quan sát thấy nhu cầu nghỉ dưỡng biển vẫn có nhưng nhiều người vẫn e dè khi đến khách sạn. Do đó tôi tin ngôi nhà thứ 2 (second home) là sản phẩm hợp túi tiền và có cơ sở phát triển mạnh trong tương lai.

Second home phục vụ cho những cá nhân hay gia đình có nhu cầu nghỉ dưỡng. Khi có nhu cầu du lịch thì đến ở, có biến cố thì về nghỉ ngơi, vừa an toàn vừa tốt cho sức khỏe lại gần gũi với thiên nhiên, lại vừa 1 sản phẩm tạo công việc và thu nhập thường xuyên.

Ngày 9/6 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức lễ ra quân dự án Ho Tram Complex. Đây là sản phẩm căn hộ nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe tọa lạc ngay mặt tiền cung đường ven biển Hồ Tràm, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Vấn đề của chúng tôi là cần tạo ra một sản phẩm rẻ nhất có thể mà vẫn đảm bảo được các tiện ích tốt nhằm giúp nhiều người mua được, đây quả thực là bài toán hóc búa. Vậy phải chuyên mục tiêu, lấy gì làm trọng tâm? Lúc này, có sản phẩm kinh doanh, lợi nhuận ít, chủ yếu là tạo công ăn việc làm cho cán bộ nhân viên là tốt lắm rồi".

Theo công bố của tập đoàn, gần 20 năm kinh doanh, Hưng Thịnh tham gia hơn 100 dự án và hơn 4.500ha quỹ đất, cung cấp hơn 50.000 sản phẩm ra thị trường. Các dự án do đơn vị này đầu tư và phát triển trải dài khắp cả nước, không chỉ dừng lại ở các thành phố trọng yếu như TP.HCM mà còn mở rộng ở các khu vực nhiều tiềm năng như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Định và Hà Nội.

Theo Thảo Nguyên

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên