MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hưng Yên: 100% xã, phường, thị trấn công bố hết dịch tả lợn Châu Phi

18-11-2019 - 18:08 PM | Thị trường

Toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch tả lợn Châu Phi và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã công bố hết dịch.

Theo thống kê của Chi cục Thú y Hưng Yên, từ ngày 15/9 đến nay, tỉnh không có địa phương nào báo cáo có phát sinh lợn ốm, lợn bệnh phải tiêu hủy. Đã qua 2 tháng các vùng dịch trước đây đều đã khống chế được dịch tả lợn châu Phi, 151/151 xã, phường, thị trấn công bố hết dịch bệnh này.

 Hưng Yên: 100% xã, phường, thị trấn công bố hết dịch tả lợn Châu Phi - Ảnh 1.

Tỉnh Hưng Yên đã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Sau khi công bố hết dịch, tỉnh đang tập trung cho việc tăng đàn, tái đàn. Tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có hơn 400.000 con. Trong đó, tổng số lợn nái, lợn hậu bị khoảng 80.000 con. Các trang trại chăn nuôi tập trung vẫn còn số lượng lợn lớn.

Dù dịch đã chấm dứt, nhưng tỉnh chủ trương chỉ tái đàn có trọng điểm và đối với các cơ sở chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Các cơ sở phải quản lý được vận chuyển và khử trùng tiêu độc định kỳ. Con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, không nhiễm bệnh, phải được nuôi cách ly ban đầu, sau đó lấy mẫu xét nghiệm âm tính thì mới nhập đàn; đồng thời được yêu cầu tiêm phòng bắt buộc các loại vaccine phòng bệnh.

Tỉnh thống nhất chủ trương sẽ không tái đàn ồ ạt, mà làm từng bước, có lộ trình. Nếu hộ chăn nuôi nào cố tình tái đàn không báo cáo, không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng, nếu không may bị dịch tả lợn châu Phi sẽ không được hỗ trợ.

Đồng thời, tỉnh khuyến khích các hộ chăn nuôi quy mô lớn, đối với chăn nuôi nhỏ lẻ thì không chăn nuôi lợn nữa vì lợn hiện chưa có vaccine phòng dịch.

Bên cạnh đó, Hưng Yên sẽ tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào địa bàn tỉnh. Bố trí kinh phí, nhân lực, dự trữ hóa chất để chủ động xử lý ổ dịch và môi trường tại các khu vực nguy cơ cao; đẩy mạnh hướng dẫn, xây dựng vùng, cơ sở, chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh theo quy định.

Theo Hưng Giang

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên