Hữu Liên Á Châu lỗ 416 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2016, nâng tổng lỗ lũy kế lên gần 1.500 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh của Hữu Liên Á Châu đi ngược với xu hướng của các doanh nghiệp ngành thép khác. Nguyên nhân chủ yếu là do những năm gần đây, công ty liên tục trích lập dự phòng nợ khó đòi với khoản tiền rất lớn.
CTCP Hữu Liên Á Châu (mã chứng khoán HLA) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm tài chính 2016 đã kiểm toán (năm tài chính của công ty bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau).
Kết quả kinh doanh cả niên độ tài chính 2016, Hữu Liên Á Châu báo lỗ gần 416 tỷ đồng - và đây là năm thứ 4 liên tiếp công ty báo lỗ lớn sau chuỗi mấy năm có lãi, dù số lãi không lớn.
Cụ thể, niên độ tài chính 2016 công ty lỗ 416 tỷ đồng, niên độ 2015 lỗ 387,3 tỷ đồng, lùi lại 2014 lỗ 475,6 tỷ đồng và năm 2013 lỗ 235,7 tỷ đồng. Tổng cộng 4 năm gần đây, HLA lỗ tổng cộng hơn 1.500 tỷ đồng.
Xét về doanh thu, cả năm HLA đạt chưa đến 46 tỷ đồng, giảm mạnh so với 248 tỷ đồng đạt được năm 2015. Tuy nhiên xét bắt đầu từ năm 2013, doanh thu công ty đạt hơn 4.065 tỷ đồng, giảm hơn 900 tỷ đồng so với năm 2012. Sang năm 2014 doanh thu còn trên 1.876 tỷ đồng và năm 2015 còn hơn 248 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán 71 tỷ đồng, cao hơn cả doanh thu nên công ty lỗ gộp 25,5 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh năm 2016. Đây cũng là tình trạng khá chung kể từ năm 2013 khi lúc đó doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng nhưng giá vốn đội lên cao nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn chưa đến 12 tỷ đồng, trong đó, đáng chú ý, trong năm công ty trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trên 106 tỷ đồng.
Ngoài ra, niên độ tài chính 2016, công ty chi hơn 103 tỷ đồng chi phí tài chính – mà chủ yếu là chi phí lãi vay, cộng thêm 265 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Những khoản chi này đã góp phần nâng tổng lỗ cuối năm lên gần 416 tỷ đồng.
Trong số hơn 265 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2016, có đến hơn 248 tỷ đồng chi phí dự phòng phải thu khó đòi. Trước đó, năm 2015, Hữu Liên Á Châu cũng ghi nhận chi phí dự phòng phải thu khó đòi lên đến 160 tỷ đồng.
Trong các khoản phải thu của công ty, có khoản nợ 140 tỷ đồng từ Công ty TNHH MTV thép Hưng Long, Công ty TNHH MTV Thép Vĩnh Tiến và bà Vũ Thị Hồng Cúc là đã trích lập dự phòng 100%, và hiện các đơn vị này đã giải thể, phá sản.
Ngoài ra, còn các khoản nợ xấu từ Công ty TNHH MTV Thép Hữu Liên, Công ty TNHH SXTM Quảng Tiến, Công ty TNHH MTV Thép Vĩnh Tiến, CTCP XDKC Thép Trường Phú – CNBD, Công ty TNHH Thép Việt Nga Công ty TNHH XĐVTV XNK Lê Quang, CTCP Kiến trúc sư Lại Thế Duy và cộng sự, CTCP Đầu tư phát triển Phú Điền...Tổng nợ xấu đến cuối năm gần 560 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của Công ty âm 970 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu trên 344 tỷ đồng. Tổng cộng tài sản còn 484 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho cuối năm chưa đến 13 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 1.459 tỷ đồng.
Trên BCTC đã soát xét của công ty, kiểm toán viên cũng đưa ra lưu ý về tính hoạt động liên tục của công ty. Theo đó, kiểm toán viên nhấn mạnh, đến 30/9/2016, nguồn vốn chủ sở hữu công ty -970 tỷ đồng, và nợ phải trả vượt quá tổng tài sản với cùng số tiền 970 tỷ đồng. Điều này chỉ ra sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn, trọng yếu, có thể gây ra đáng kể sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
HNX