Huy động 500 tấn vàng "ngủ" trong dân bằng cách nào?
Kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh thiếu vốn, nguy cơ nguồn viện trợ ODA sẽ sớm chấm dứt, thị trường vàng ảm đạm… một lần nữa đã giúp “xới tung” câu chuyện về 500 tấn vàng đang “ngủ quên” dưới gầm giường người dân. 500 tấn- tương đương với hàng chục tỷ USD sẽ là một nguồn vốn lớn, quan trọng đối với nền kinh tế lúc này. Vậy, huy động bằng cách nào?
Thực ra, câu chuyện huy động nguồn vàng trong dân để đưa vốn vào phục vụ sản xuất kinh doanh không hề mới, mà đã được đặt ra từ nhiều năm nay.
Cho đến thời điểm này, nếu xét theo các tiêu chí mà NHNN từng đặt ra, thì các điều kiện đều đã chín muồi: lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt là giá vàng trong nước không những đã ngang bằng với giá thế giới, mà có những thời điểm còn thấp hơn giá thế giới hàng trăm nghìn đồng mỗi lượng.
Người dân bắt đầu thờ ơ với vàng, giao dịch trên thị trường khá èo uột. Hiện tương người dân đổ xô, xếp hàng mua vàng đã gần như không còn, thị trường được “bình ổn” theo đúng nghĩa.
Tại tờ trình NHNN, Hiệp hội Kinh doanh vàng đã khái quát thị trường với một bức tranh màu sáng. Trong đó khẳng định mạng lưới kinh doanh vàng miếng đã được thu hẹp đáng kể, từ khoảng 12.000 đơn vị kinh doanh vàng miếng nay chỉ còn 38 đơn vị kinh doanh vàng miếng.
Đáng nói hơn, theo Bộ Tài chính, dự kiến đến tháng 7-2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn. “Bởi vậy, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay”- Hiệp hội Kinh doanh vàng nếu lý do.
Nhưng, huy động bằng cách nào? Đề xuất ý kiến, Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng để góp phần huy động vàng có hiệu quả, NHNN cũng cần nghiên cứu để sớm thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Bởi vì, thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân.
Ngoài ra, Sở giao dịch vàng quốc gia cũng góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng; loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp (sàn vàng chui); giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua việc thu thuế của các tổ chức, cá nhân giao dịch vàng; cơ quan chức năng có thể giám sát, quản lý được lượng giao dịch vàng để điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Đặc biệt, thông qua Sở Giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước,…
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh trong những kiến nghị trước đây cũng cho rằng Chính phủ có thể huy động vàng tương tự như huy động VND và ngoại tệ hiện nay thông qua phát hành trái phiếu vàng. NHNN sẽ đưa số vàng này ra nước ngoài để hoán đổi thành ngoại tệ hay nội tệ tùy theo yêu cầu của chủ thể phát hành trái phiếu vàng.
“Phát hành trái phiếu bằng vàng để huy động vốn vàng trong dân, vừa tăng thanh khoản của vàng, giúp ngân sách nhà nước có thêm vốn để triển khai các dự án, tăng dự trữ ngoại hối, giảm lượng ngoại tệ để nhập vàng. Trái phiếu Chính phủ bằng vàng cũng được lưu thông trên thị trường tài chính, cả thị trường sơ cấp và thứ cấp tương tự như trái phiếu Chính phủ phát hành bằng VND hay USD hiện nay”, ông Ánh đề xuất.