MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huy động vàng và ngoại tệ trong dân - bài toán khó của NHNN

14-01-2017 - 10:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Vàng - một tài sản giá trị, hữu hình trong khi đó Nhà nước muốn huy động vàng trong dân lại phụ thuộc vào yếu tố tâm lý và niềm tin - những yếu tố vô hình. Làm sao thay đổi được tâm lý nặng nề coi vàng là tài sản an toàn, để tích trữ, để phòng thân? Đây quả là bài toán khó đối với NHNN!

Huy động để đưa vào sản xuất kinh doanh chứ không phải đưa vào ngân hàng

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Theo đó, Chính phủ đã yêu cầu NHNN quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ và thị trường vàng đồng thời hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án chống Đô la hóa và vàng hóa, trong đó các giải pháp cần có lộ trình triển khai phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh nguồn lực vàng và ngoại tệ.

Trước đó, Thủ tướng đã đề cập đến vấn đề này. Ngày 01/7/2016, tại phiên họp của Chính phủ trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh vấn đề huy động được nguồn lực trong dân (gồm cả vàng và tiền), tạo nguồn vốn phục vụ tăng tưởng kinh tế, Thủ tướng giao NHNN chủ trì nghiên cứu, xem xét và báo cáo Chính phủ.

Và tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 11/1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã "cắt nghĩa" huy động ở đây không thể hiểu là huy động vàng, USD để gửi vào ngân hàng. Điều cần làm là có cơ chế chính sách làm sao để tạo được môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cải thiện, giá trị và niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, qua đó sẽ kích thích nguồn lực vàng và ngoại tệ chuyển động, đi vào sản xuất kinh doanh.

Điều này hoàn toàn khác với cách hiểu rằng huy động là ngân hàng hoặc Nhà nước đi vay vàng và ngoại tệ, thông qua nghiệp vụ huy động - cho vay trước đây của các ngân hàng thương mại.

Tại hội nghị trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rõ: “Chúng ta biết rõ tiền nằm trong dân. Tôi không dám nói là ngân hàng huy động tiền, vàng trong dân, đó là một số người hiểu lầm”.

Bài toán khó cho NHNN!

Vàng là tài sản quý giá, hàng hóa có giá trị cao, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nếu không sử dụng nguồn vàng đang ở trong nhà dân quả thực là một điều lãng phí.

Lâu nay, người Việt có thói quen tiết kiệm để tích trữ vàng, coi vàng là tài sản phòng thân. Theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn và kiến nghị Thống đốc NHNN thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia để có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân, nhằm đỡ lãng phí khoản vàng này.

Ý tưởng thành lập Sàn giao dịch vàng Quốc gia không còn mới, bởi đề xuất này đã được kiến nghị cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

Có đề xuất cho rằng, người dân mang vàng đổi lấy chứng chỉ vàng. Chính phủ nhận vàng từ dân rồi trao cho họ các chứng chỉ vàng. Phát hành chứng chỉ vàng được xem là một kênh huy động vốn như trái phiếu cho Chính Phủ. Thậm chí, chứng chỉ này sau đó có thể được dùng để chuyển nhượng, sang tên hoặc cầm cố đi vay vốn, thế chấp...làm tăng tính thanh khoản của vàng, thay vì nằm chết trong góc tủ của người dân.

Song ý tưởng này lại gặp một số ý kiến phản bác vì cho rằng như vậy có khác gì một hình thức in thêm tiền, áp lực gia tăng lạm phát. Đó là chưa kể, thuyết phục được dân đổi lấy chứng chỉ là điều không hề dễ. Thói quen lâu nay của người Việt là mua vàng phòng thân, vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn, thói quen này đã ăn sâu bám rễ từ bao đời nay. Do vậy, rất khó để thuyết phục họ từ bỏ thói quen mua vàng bỏ ống rồi lại đưa cho người khác sử dụng. Lúc này, niềm tin vào sự ổn định của nền kinh tế và cả những cam kết của Nhà nước là vô cùng quan trọng.

Mục đích tích cực từ việc huy động vàng trong dân không ai phủ nhận song phương án này có khả thi hay không lại là điều còn nhiều tranh cãi. Bởi lẽ động chạm đến vàng - một tài sản giá trị, hữu hình nhưng cốt lõi của vấn đề được tranh cãi ở đây nằm ở tâm lý và niềm tin - những yếu tố vô hình. Làm sao thay đổi được tâm lý nặng nề coi vàng là tài sản an toàn, để tích trữ, để phòng thân? Đây quả là bài toán khó của NHNN!

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên