Huyện Hà Trung phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế phía Bắc của Thanh Hóa
Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, năm 2022 huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội.
- 18-01-2023Khánh Hòa phục hồi kinh tế ấn tượng, cao nhất cả nước
- 18-01-2023Chiều 18/1, Quốc hội xem xét miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
- 18-01-2023An ninh sân bay Tân Sơn Nhất tìm tài sản bị mất siêu nhanh
Cụ thể, trong năm 2022, huyện Hà Trung đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 23/25 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tốc độ gia tăng giá trị sản xuất đạt 16,01%; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm; tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên 3.000 tỷ đồng; tỷ lệ tăng thu ngân sách 12%.
Trong năm 2022, trên địa bàn huyện Hà Trung đã thành lập mới được 60 doanh nghiệp, đạt 120% kế hoạch. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường được siết chặt, đảm bảo đúng quy định. Giá trị công nghiệp, xây dựng ước đạt 9.081,1 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch; thương mại, dịch vụ giá trị sản xuất đạt 6.378 tỷ đồng. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách xã hội và cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đặc biệt, trong năm 2022, huyện Hà Trung đã tổ chức xây dựng được 6 mô hình thâm canh lúa đạt tiêu chí VietGAP, với diện tích 130 ha, bằng các giống lúa chất lượng cao như Đài thơm 8, Bắc thơm số 7, ST 24, ST 25. Trong đó mô hình lúa cá luân phiên tại xã Hà Lĩnh với diện tích 35 ha cho hiệu quả kinh tế cao.
Huyện tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) với các mô hình lúa - cá luân phiên, lúa - ốc nhồi, lúa - tôm càng xanh...; tăng cường xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, các hợp tác xã với doanh nghiệp để mở rộng quy mô thương hiệu và thị trường tiêu thụ cho nông sản của địa phương. Trong năm 2022, tổng sản lượng lương thực của huyện Hà Trung đạt hơn 69.000 tấn.
Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022 tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực. An sinh xã hội được thực hiện kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,95%. Thu ngân sách ước đạt 2.211 tỷ đồng, chi ngân sách thực hiện theo dự toán và cơ bản đáp ứng nhiệm vụ trên các lĩnh vực, tổng chi ngân sách huyện 1.162,52 tỷ đồng.
Về phát triển du lịch, huyện Hà Trung là địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch, tâm linh, lễ hội. Đề án phát triển du lịch huyện Hà Trung hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó sẽ ưu tiên huy động các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từ đó kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh…
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Hà Trung vẫn còn những hạn chế về thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, thanh tra, tư pháp và công tác chỉ đạo điều hành. Để khắc phục những tồn tại, năm 2023 huyện Hà Trung đề ra 25 chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt từ 16% trở lên. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 3.000 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng từ 12% trở lên, thành lập mới 46 doanh nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/năm. Sản lượng lương thực đạt 62 nghìn tấn trở lên, xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023...
Tiền Phong