Huyện Quốc Oai, Hà Nội: Nước lũ tràn đê, người dân thức trắng đêm "sơ tán" lợn gà, cây trái
Các hộ làm trang trại chăn nuôi phải kêu gọi người dân hỗ trợ để đưa vật nuôi từ gà, vịt, lợn, trâu bò lên khu vực cao hơn. Các hộ trồng cây ăn quả phải thức trắng đêm để thu hoạch trái non vì tiếc công tiếc của.
- 15-09-2017Ảnh hưởng bão số 10, biển Quất Lâm nước tràn bờ đê, ngập lụt khắp nơi
- 30-08-2017Ngập lụt - yếu tố không thể bỏ qua khi chọn nhà
- 25-08-2017Thái Nguyên: Nhiều nơi ngập lụt nghiêm trọng do ảnh hưởng của bão số 6
Sau nhiều ngày mưa không dứt, nước ở các nơi đổ về, các khu vực ven đê sông Tích gồm xã Tuyết Nghĩa, xã Hòa Thạch, xã Cấn Hữu huyện Quốc Oai (Hà Nội) ngập trắng đồng. Vụ lúa mùa đang trong thời gian thu hoạch, nhiều hộ vẫn chưa thu hoạch xong, có những hộ đã đưa được lúa ở ngoài đồng về nhà nhưng cũng trong cảnh ngồi trên đống lửa vì thóc không phơi được.
Chiều 11/10, các cán bộ xã và huyện đã lường trước tình hình nên kêu gọi bà con khẩn trương di dời tài sản, vật nuôi lên khu vực cao hơn vì nước có thể tràn vào vùng an toàn bất cứ lúc nào. Người dân trong khu vực đều được huy động để hỗ trợ cho các gia đình ở vùng thấp, các trang trại để di chuyển máy móc, vật nuôi như lợn, gà lên khu vực cao hơn.
Chiều 10/11, nước mới chỉ ngập đôi chút, bà con vẫn chờ đợi xem nước có xuống không để không phải thu hoạch trái non (ảnh: Khánh Nguyễn)
Nhưng đến nửa đêm 11/10, nước ngày một lên cao và ngập tràn qua đê Sông Tích - là ranh giới giữa ba xã, khiến cho nhiều đoạn đê vỡ và nước ầm ầm đổ vào khu vực vẫn được coi là an toàn trước đó. Nước lên rất nhanh, ban đầu chỉ ngập chưa đến nửa mét, sau lên cao và rạng sáng nay nhiều trang trại chỉ còn nhìn thấy...nóc nhà.
Chiều tối 11/10, bà con vẫn còn hỗ trợ các gia đình sơ tán vật nuôi thì đến rạng sáng hôm sau nước đã lên đến tận mái nhà (ảnh: Khánh Nguyễn)
Bà Thông (73 tuổi), cho biết đây là trận ngập lụt lớn nhất kể từ khi bà được sinh ra cho đến giờ. Hồi năm 1971 cũng có ngập lụt lên tận mái nhà, nhưng thời điểm đó đường sá và nhà cửa còn thấp, còn bây giờ nhà cửa đã tôn lên rất cao, đường cũng được sửa sang nâng lên nhiều lần mà vẫn bị ngập thì đúng là không thể so sánh được.
Trong khi đó, ngồi thất thần bên đống bưởi vừa thức trắng đêm để hái dù phải 1-2 tháng nữa mới chính thức thu hoạch được, anh Nguyễn Văn Minh ngụ tại thôn Trại Ro của xã Tuyết Nghĩa cho biết, gia đình anh trồng 300 gốc bưởi giống Diễn và gần 1.000 con gà. Chiều hôm qua, ngồi trong nhà nghe tiếng gió giật mạnh, cành bưởi gãy và tiếng quả bưởi rơi ngoài vườn mà xót ruột. Bão tan, ra vườn không tin nỗi vào mắt mình vì bưởi rụng gần hết một nửa.
Đến khoảng 4h chiều, cán bộ xã gọi loa thông báo sơ tán, gia đình anh và bà con trong làng chỉ hỗ trợ sơ tán được gà lên chỗ cao, còn bưởi không bị rụng thì anh định không thu hoạch do nghĩ còn non và nước khó mà lên cao được vì mưa đã dứt.
Nhưng đến đêm, nước lên ngày càng cao, cả gia đình anh, từ mẹ già đến các cháu nhỏ đều phải chạy ra hái bưởi về vì tiếc công, tiếc của. "Chăm bón cả năm mất bao nhiêu tiền vốn liếng đổ vào, cả nhà chỉ trông chờ vào trang trại này nhưng bây giờ mưa lũ quét hết cả, tiếc quá nên chúng tôi phải hái về, xem có ăn được, bán được gỡ gạc chút nào không".
Anh Minh tính toán, bình thường nếu khoảng 1 tháng nữa thì bưởi nhà anh thu hoạch có thể bán vơi giá 35.000 - 40.000 đồng/quả, nhưng nay bưởi này mang về không biết có bán nổi 10.000 đồng/quả hay không.
Mẹ anh Nguyễn Văn Minh giúp các con cất bưởi vào tầng cao trong nhà để chạy ngập
Tại xã Cấn Hữu thì có nhiều gia đình làm trang trại và chăn nuôi hơn. Chị Lê Thị Tâm - một hộ dân trồng với diện tích bưởi nhiều nhất nhì trong huyện - thì vừa khóc vừa nói, "Nhà tôi đếm qua cũng hơn 1.000 quả bưởi bị rụng xuống đất mà còn chưa gom được hết vào nhà, giờ mang về cũng không biết có bán nổi hay không".
Tại xã Hòa Thạch, chị Nguyễn Thị Nhung cho biết, gia đình chị không trồng trọt chăn nuôi nhưng cả làng cũng đứng ngồi không yên vì lo vỡ đê tràn vào nhà. Đêm qua nhiều người phải thức trắng trông đê.
Nhưng thiệt hại hơn cả là các hộ chăn nuôi trang trại vịt, trại gà, làm ao cá. Anh Nguyễn Văn Sơn ở Cấn Hữu cho biết gia đình đang nuôi 3.000 con vịt đẻ, nhiều hộ xung quanh cũng nuôi vịt, nuôi gà, việc phải sơ tán gà vịt trong đêm khiến cho họ không biết những ngày tới phải làm thế nào vì không có chỗ cho vật nuôi ở. Anh lo gà vịt sẽ bị chết chứ chưa nói gì đến lượng trứng bị giảm.
Còn gia đình ông Khang nuôi cá thì cho biết, tài sản khác có thể sơ tán được, cá trong ao nhà ông thì chẳng có cách nào để bắt lên. Cả nhà xót ruột nhìn chỉ biết chảy nước mắt, dùng lưới kéo lên được con nào hay con đấy chứ nước tràn vào thì chỉ có nước trắng tay.
Đoạn đường liên huyện cũng bị cấm đường do nước ngập quá lớn.
Được biết, tại các xã bị ảnh hưởng bởi ngập lụt của Quốc Oai có rất nhiều gia đình làm trang trại sau khi được chuyển đổi đất sang mô hình tiểu thủ công nghiệp. Họ đều là những người nông dân chân lắm tay bùn không có tài sản, đều phải vay mượn vốn ngân hàng để làm ăn.