Huyền thoại Thanh Nga: Mong muốn một điều, chưa làm được thì qua đời ở tuổi 36
"Mong muốn của chị Thanh Nga là đi diễn ở miền Bắc một lần, cũng chuẩn bị đi, nhưng chưa diễn được thì đã qua đời" – nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân chia sẻ.
- 28-08-2024Nữ NSND được gọi "chị đại showbiz":Tuổi 55 vẫn trẻ đẹp, cuộn trào sức sống, tài năng khiến đàn em kính nể
- 27-08-2024Nam NSND là kép đẹp cải lương một thời: 53 tuổi chưa lấy vợ, chọn sống đơn độc nhưng lạc quan
- 26-08-2024Một "quái kiệt" được phong NSND: Diễn một vai chỉ nói 2 chữ, nhưng bỏ vai là cả tuồng phải hủy
Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân được biết tới là một cô đào cải lương nổi tiếng trong thập niên 70, từng hát chung vở cải lương kinh điển Tiếng trống Mê Linh với huyền thoại Thanh Nga.
Tại chương trình The Jimmy TV tuần này, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân đã chia sẻ về kỷ niệm với Thanh Nga.
Bà nói: "Tôi không biết mình "nhiễm" chị ba Thanh Nga từ hồi nào nhưng tôi rất quý cái nghề của chị. Chị ba rất có duyên với sân khấu, chỉ cần bước ra là khán giả mê mệt.
Trong tuồng Tiếng trống Mê Linh, hai chị em tôi diễn vô cùng ăn ý với nhau, chị ba vai Trưng Trắc, tôi vai Trưng Nhị. Lúc hát tuồng đó, tôi cũng nghiên cứu một chút. Sau này, một số khán giả có trình độ hỏi rằng, tại sao Hà Mỹ Xuân và Thanh Nga hát hai vai trong tuồng rất hợp với nhau, không thể thay thế?
Họ bảo rằng, chị ba diễn rất ra dáng người lãnh đạo điềm tĩnh, còn tôi thì rất nhiệt huyết, háo thắng, lúc nào cũng máu lửa trong người. Tôi nghe khán giả nhận định mà ngộ ra nhiều thứ. Chị Thanh Nga nói những câu rất nhẹ nhàng, sâu sắc để chỉ bảo tôi.
Khán giả nói rằng, rất khó để có thể diễn lại tuồng Tiếng trống Mê Linh sau này vì không tìm được hai nghệ sĩ nào hợp vai như tôi và chị Thanh Nga, dù cho nghệ sĩ đó có nổi tiếng, giỏi hơn tôi.
Có lẽ do lúc đó tôi còn trẻ, hợp tuổi nhân vật, lại có gương mặt giống chị Thanh Nga, nên khán giả dễ chấp nhận hơn và đóng đinh trong lòng khán giả.
Lần đó chúng tôi thu vở tuồng này hoàn toàn là hát live, tới giờ tôi cũng biết hát nhép. Tôi và chị Thanh Nga cứ hát và thu trực tiếp, thu liên tục, hết một màn mới ngưng để người ta đổi cảnh. Vở tuồng kéo dài hơn hai tiếng mà chỉ có 3 màn, tức là mỗi màn phải hát live liên tục gần tiếng đồng hồ.
Mong muốn của chị Thanh Nga là đi diễn ở miền Bắc một lần, cũng chuẩn bị đi, nhưng chưa diễn được thì đã qua đời.
Lúc chị Thanh Nga qua đời, tôi phải đi diễn thế hết các vai của chị ở ngoài miền Bắc.
Chị Thanh Nga ở ngoài dễ thương lắm và cũng hài hước, vui vẻ, tếu táo, chứ không nghiêm nghị như trên sân khấu.
Ngày đó, tôi rời đoàn Thanh Minh Thanh Nga nên chị ba cũng giận tôi. Tôi bảo chị ba: "Em cũng hoàn cảnh lắm mới làm vậy, chị ba thương em". Chị Thanh Nga chỉ nói một câu: "Em biết chị thương em cỡ nào rồi".
Sau khi chị Thanh Nga mất, tôi thay chị ra Bắc diễn, đêm nào cũng nằm mơ thấy chị. Lần nào tôi về đoàn Thanh Minh Thanh Nga là cũng gặp chị trong mơ. Tôi không tin dị đoan nhưng tâm linh là phải có. Một phần do tôi nghĩ về chị Thanh Nga quá nhiều nên diễn rất tự nhiên nhưng vẫn có hình bóng chị ba dù tôi không hề cố gắng bắt chước theo chị".
Thanh niên Việt