MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ II): "Phá băng" sự trì trệ

24-08-2020 - 10:23 AM | Bất động sản

Tháng 7/2020, Hà Nội đã chủ động làm việc với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển đô thị ven sông Hồng.

Tuy nhiên, Hà Nội sẽ phải có những giải pháp rất chủ động, sáng tạo mới hy vọng "phá băng" sự trì trệ dự án kéo dài gần 3 thập kỷ.

Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ II): Phá băng sự trì trệ - Ảnh 1.

Tấm biển phối cảnh dự án Trấn Sông Hồng đã thay đổi nhiều lần nhưng dự án vẫn bất động

Trở lại thời điểm tháng 9/2009 khi Chính phủ cho phép Hà Nội phối hợp với Seoul (Hàn Quốc) nghiên cứu, xem xét lập quy hoạch xây dựng dự án Trấn Sông Hồng với tổng mức đầu tư dự kiến rất khổng lồ vào thời điểm đó là 7,1 tỉ USD nhiều chuyên gia quy hoạch đã có ý kiến tham góp về tính khả thi của dự án này.

Cần sớm thực hiện

Một trong những tiếng nói đóng góp trọng lượng nhất thời điểm đó là của cố Giáo sư Nguyễn Thế Bá - Nguyên Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam khi ông cho rằng việc quy hoạch, thiết kế các công trình suốt 40km bờ sông Hồng chảy qua Hà Nội là một ý tưởng táo bạo. Tuy nhiên, việc thiết kế quá nhiều khu nhà ở, chung cư cao tầng ở đây là không nên và việc quy hoạch hai bên bờ sông phải đảm bảo được 3 tiêu chí là an toàn, mỹ quan và thỏa mãn được mối tương quan với các khu vực khác.

Đến cuối năm 2010, khi Hà Nội nêu ý tưởng sẽ lồng ghép quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội theo dự án hợp tác giữa Hà Nội và thành phố Seoul, Hàn Quốc với đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã có nhiều ý kiến cho rằng đây là quy hoạch như một bộ phận cấu thành kiến trúc đô thị, nếu thông qua các chỉ tiêu về Quy hoạch Thủ đô mà thông qua luôn dự án hai bên bờ sông là không thích hợp.

Là người được giao chuyên trách dự án quy hoạch đô thị ven sông Hồng một thời, ông Đỗ Viết Chiến – nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thấy rất tiếc khi dự án không thực hiện được. Ông khẳng định, nếu không sớm thực hiện dự án sẽ triệt tiêu nguồn lực đầu tư từ 1.500 ha đất bóc ra từ thềm đất bãi. Diện tích đất bỏ không này chính là nguồn nuôi dự án nhằm tái đầu tư trở lại. Nếu không thực hiện, quỹ đất này sẽ bị lấn chiếm.

Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ II): Phá băng sự trì trệ - Ảnh 2.

Khu đất đề xuất xây dựng dự án giờ đã không còn vì dân lấn chiếm

"Hiện khu đất đề xuất xây dựng dự án đã không còn vì dân lấn chiếm. Mỗi lần bản quy hoạch đưa ra lấy ý kiến thì người dân lại tranh thủ lấn chiếm ra sát bờ sông. Và hiện tại gần như mất hết nguồn lực để thực hiện dự án" - ông Chiến cho biết.

Khoanh vùng thử nghiệm

Nhấn mạnh cần sớm thực hiện dự án, PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế chỉ rõ, nếu thực hiện được quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hà Nội. Với tổng chiều dài 120 km, chảy qua nhiều quận, huyện, sông Hồng có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Hà Nội. Đặc biệt, theo ông Long, trong giai đoạn hiện nay, khi đất đai trong nội đô đang dần trở khan hiếm, thì quỹ đất lên tới hàng nghìn mét vuông dọc 2 bờ sông Hồng có thể giúp thành phố tận dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà ở, chung cư phục vụ cho vấn đề an sinh xã hội.

Khi kết hợp với cảnh quan khu vực ven sông, nhiều chủ đầu tư đã nhìn ra cơ hội tạo ra lợi nhuận "khủng", lên tới hàng tỷ USD khi phát triển hệ thống chung cư, khu đô thị cao cấp kết hợp với du lịch sinh thái. Vì vậy, khi Hà Nội quyết tâm thực hiện ý tưởng xây dựng thành phố ven sông Hồng, chắc chắn các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ không bỏ qua cơ hội này để góp vốn đầu tư, thực hiện dự án.

Theo KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, để kích hoạt, khởi động dự án, Hà Nội nên tập trung trọng điểm, chọn một đoạn ngắn (1 - 2km) qua các quận trung tâm để thực nghiệm. Và có thể tham khảo giải pháp của nhóm CitySolution (bao gồm các chuyên gia đô thị Việt Nam và quốc tế) đề xuất như: Khoanh vùng an toàn, tạo nên một đơn vị tự chủ cân bằng sinh thái, bảo đảm cả 3 yếu tố phát triển bền vững là đô thị, nông thôn và môi trường. Bảo đảm an toàn 3 mức nước từ +10 : +11m đến +14 m, bảo vệ bởi 3 lớp đê bê tông. Toàn bộ cư dân sẽ tái định cư tại chỗ trên tầng sàn cao +20m so với mặt biển.

Khu vực bãi giữa sông Hồng cây cối đã phát triển tốt có thể trở thành công viên mới rộng 50ha, lớn hơn cả công viên Thống Nhất (40ha) lại nằm giữa hàng trăm hecta mặt nước sông Hồng. Mùa cạn, nơi đây sẽ là công viên an toàn cho mọi người, mùa lũ là thao trường huấn luyện cứu hộ cứu nạn của dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện. Dự án tạo ra tài sản công trị giá hàng tỷ USD, tăng tính năng động cho nền kinh tế địa phương mà còn tạo ra hàng triệu việc làm mới trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.

Giải pháp này đáp ứng yêu cầu cốt yếu của quy hoạch phòng chống lũ và đê điều, không chỉ chu kỳ 300 - 500 năm mà có thể 700 - 1.000 năm, thích ứng với biến đổi khí hậu cực đoan tới mức cao nhất.

Theo KTS Ánh, giải pháp này đã được một số TP ven sông Trung Quốc thực hiện như: Bãi giữa làm vườn hoa mùa cạn, mùa nước lên vẫn có cầu đi dạo an toàn. Sáng tạo mới là tổ chức khu dân cư ngoài đê sông Hồng đặt trên cao. Toàn bộ không gian mặt đất được giải phóng, tăng thêm 50 - 80ha không gian thoát nước mùa lũ, không gian công cộng mùa cạn, tổ chức giao thông đa phương tiện bảo đảm an toàn trong mọi tình huống.

Theo Diệu Hoa

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên