IEA: Nhu cầu dầu toàn cầu bỗng trở nên khó đoán vì ‘ẩn số’ Trung Quốc
Dự báo nhu cầu dầu tại Trung Quốc tiếp tục giảm trong khi các thị trường khác đều tăng. Điều này khiến cho tổng nhu cầu toàn thị trường thay đổi so với các dự báo trước đây.
- 15-09-2022Chưa hết khủng hoảng do bão giá và nguồn cung, thị trường dầu thô thêm mối lo ngại
- 14-09-2022OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng cầu dầu mỏ toàn cầu
- 14-09-2022Thị trường ngày 14/09: Giá dầu, vàng, đồng giảm khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ bất ngờ tăng
Nhu cầu dầu mạnh mẽ tại nhiều thị trường vẫn không bù đắp được lượng sụt giảm đến từ Trung Quốc, do nước này đối diện với các đợt phong toả vì Covid-19. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, tăng trưởng nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ bị kìm hãm trong năm nay.
Trong báo cáo thị trường dầu mỏ của mình, IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc thêm 400.000 thùng/ngày trong năm nay, xuống còn 15 triệu thùng/ngày – ít hơn 420.000 thùng/ngày so với năm ngoái.
Đối với năm 2023, cơ quan có trụ sở tại Paris đã hạ dự báo nhu cầu của Trung Quốc xuống 300.000 thùng/ngày nhưng dự kiến nhu cầu vẫn tăng lên 16 triệu thùng/ngày khi các lệnh hạn chế đi lại được nới lỏng.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đang đi ngược với xu hướng tiêu thụ dầu toàn cầu. Tại nhiều quốc gia khác, nhu cầu dầu vẫn tăng mạnh một cách đáng ngạc nhiên bất chấp lạm phát cao, lãi suất tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại. IEA cho biết nhu cầu dầu ở Mỹ đang tăng mạnh hơn dự kiến, trong khi nhu cầu ở Trung Đông cũng mạnh do thời tiết nóng thúc đẩy nhu cầu phát điện bằng dầu trên mức trung bình.
Trong khi đó ở châu Âu, giá khí đốt tăng cao – do Nga đóng đường ống Nord Stream – đang làm tăng thêm nhu cầu dầu dự kiến khi các nhà máy điện chuyển sang sử dụng dầu thô như một nguồn năng lượng rẻ hơn.
Theo IEA, xu hướng này sẽ dẫn đến mức tăng 700.000 thùng/ngày đối với dầu trong 6 tháng tới, tính đến tháng 3/2023. Mức tăng này sẽ nhiều hơn khoảng 150.000 thùng/ngày so với dự kiến trong các báo cáo trước.
Giá dầu thô giao sau của Mỹ hôm 14/9 tăng 1,34%lên 88,48 USD/thùng, giảm 28% so với mức đỉnh của năm nay nhưng vẫn tăng khoảng 22% so với một năm trước. Dầu thô Brent, chuẩn dầu thô quốc tế, tăng 1%, đóng cửa ở mức 94,1 USD/thùng.
Tổng thể, IEA dự báo tổng nhu cầu trong năm nay là 99,7 triệu thùng/ngày. Cơ quan này giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ năm 2023 ở mức 2,1 triệu thùng/ngày, tức là tổng nhu cầu ở mức 101,8 triệu thùng/ngày.
Lo ngại về tăng trưởng kinh tế yếu và nhu cầu dầu mỏ kéo giá dầu xuống thấp trong những tháng gần đây. Dầu thô Brent đã giảm hơn 20% trong 3 tháng qua.
Giá dầu giảm cũng làm suy yếu doanh thu xuất khẩu dầu của Nga, vốn đã giảm 1,2 tỷ USD trong tháng 8 xuống còn 17,7 tỷ USD, IEA cho biết.
Giá dầu tăng vọt hồi đầu năm đã khiến doanh thu từ dầu mỏ của Nga cao hơn đáng kể, dù xuất khẩu ít hơn. Trong một báo cáo hôm 12/9, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu toàn cầu ở mức ổn định khoảng 100 triệu thùng/ngày trong năm nay và 103 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Những lo ngại về nhu cầu dầu trước đó được cho đã bị thổi phồng quá mức. Sau đó, giá dầu giảm mạnh do thị trường biến động và thiếu thanh khoản.
Nhịp sống Thị trường