ILO: Yếu tố để các nước thu nhập thấp bắt kịp với các nền kinh tế phát triển chỉ trong 1 quý về phục hồi số giờ làm việc
Mới đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đưa ra dự đoán rằng số giờ làm việc trên toàn cầu vào năm 2021 sẽ thấp hơn 4,3% so với mức trước đại dịch (quý 4/2019), tương đương với 125 triệu công việc toàn thời gian.
- 28-10-2021Hàng trăm tỷ USD có nguy cơ 'mắc kẹt' tại các dự án khí đốt mới
- 28-10-2021Báo Nhật nói gì khi VinFast dần bước vào thị trường phương Tây, cạnh tranh với các 'ông lớn' Tesla, Volkswagen?
- 28-10-2021Nguồn điện nào sẽ chiếm ưu thế tại Việt Nam trong 10-20 năm tới?
Con số này cao hơn nhiều so với dự báo hồi tháng 6 của ILO (số giờ làm giảm 3,5%, tương đương 100 triệu việc làm toàn thời gian). Trong quý 3/2021, tổng số giờ làm việc ở các nước thu nhập cao giảm 3,6% so với quý 4/2019. Trong khi đó, các nước thu nhập thấp giảm 5,7% và các nước thu nhập trung bình thấp giảm 7,3%.
Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ phục hồi khác nhau giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, dẫn đến tổn thất kinh tế toàn cầu nói chung. Trong báo cáo mới nhất, ILO cảnh báo rằng, nếu không có những hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cụ thể, sự phục hồi việc làm giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển sẽ tồn tại một sự “phân hóa lớn”.
Sự thay đổi giờ làm việc toàn cầu so với quý 4/2019. Nguồn: ILO
Theo khu vực, châu Âu và Trung Á là hai khu vực có số giờ làm việc giảm ít nhất (2,5%). Tiếp theo là khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 4,6%. Châu Phi, châu Mỹ và các nước Ả Rập lần lượt giảm 5,6%, 5,4 và 6,5%.
Tác động của đại dịch Covid-19 cũng dẫn đến sự thay đổi chưa từng có và biến động về mức năng suất lao động toàn cầu. Năng suất mỗi giờ làm việc của thế giới đã tăng 4,9% vào năm 2020. Đáng chú ý, con số này cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ trung bình hàng năm từ 2005-2019 (2,4%).
Tuy nhiên, tăng trưởng năng suất lao động toàn cầu đã có sự đảo chiều với sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia. Năng suất mỗi giờ làm việc toàn cầu được dự báo sẽ giảm 0,1%, với mức giảm mạnh nhất ở các nước thu nhập thấp (–1,9%) và các nước thu nhập trung bình thấp (–1,1%).
Năng suất lao động toàn cầu trước và sau đại dịch Covid-19. Nguồn: ILO
Khoảng cách năng suất giữa các nước phát triển và đang phát triển được dự báo sẽ tăng từ 17,5 lên 18, mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2005.
Ông Guy Ryder, giám đốc của ILO, cho biết: "Quỹ đạo của thị trường lao động đang ở trạng thái phục hồi một cách đình trệ, với những rủi ro xấu và sự cách biệt lớn giữa các nước phát triển và đang phát triển. Xu hướng này càng mạnh mẽ do sự phân bổ vaccine không đồng đều và sự cách biệt về khả năng tài chính. Cả hai đều cần được giải quyết sớm".
“Hồi tháng 6, Hội nghị Lao động Quốc tế đã thông qua chương trình Kêu gọi Hành động Toàn cầu về phục hồi COVID-19 lấy con người làm trung tâm, một lộ trình cam kết các quốc gia đảm bảo rằng sự phục hồi kinh tế và xã hội của họ sau cuộc khủng hoảng là thực hiện đầy đủ, bền vững và thích ứng”, ông Ryder nói thêm.
Thị trường lao động Việt Nam lao đao vì Covid-19
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động Việt Nam trong quý 3/2021. Theo đó, hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, bao gồm mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Hơn nữa, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý 3/2021 cũng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, với 65,6%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Trong quý 3/2021 tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 3,98%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Điều này khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động càng khó khăn hơn.
Theo đó, tỷ lệ trên tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,60 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoài.
Trong quý 3/2021, thu nhập bình quân một tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Chia theo giới tính, thu nhập bình quân một tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần so với lao động nữ (6 triệu đồng so với 4,3 triệu đồng). Ngoài ra, thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn 1,35 lần so với lao động ở khu vực nông thôn (6,2 triệu đồng so với 4,6 triệu đồng).
Hai chìa khóa giúp phục hồi thị trường lao động
Đầu tiên, ILO chỉ ra việc tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp thúc đẩy đáng kể sự phục hồi trong thời gian tới. Theo ước tính, cứ 14 người được tiêm chủng đầy đủ trong quý 2/2021 thì tương ứng sẽ có một công việc toàn thời gian được thêm vào thị trường lao động toàn cầu.
Trong trường hợp không có vaccine, ILO ước tính số giờ làm việc sẽ bị giảm 6% trong quý 2/2021, thay vì 4,8% như thực tế ghi nhận. ILO cho biết, nếu các quốc gia có thu nhập thấp được tiếp cận công bằng hơn với vaccine, thì chỉ cần một quý sẽ bắt kịp với các nền kinh tế phát triển về việc phục hồi số giờ làm việc.
Tiếp theo, các gói kích thích tài khóa là yếu tố then chốt còn lại trong quỹ đạo phục hồi của thị trường lao động. Tuy nhiên, khoảng cách kích thích tài khóa giữa các nước vẫn chưa được giải quyết, với khoảng 86% các biện pháp kích thích toàn cầu tập trung ở các nước có thu nhập cao. Các dự đoán cho thấy, việc tăng kích thích tài khóa 1% GDP hàng năm đã làm tăng số giờ làm việc hàng năm thêm 0,3 điểm phần trăm so với quý 4/2019.