IMF chỉ ra những rủi ro tác động đến triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay
GDP Việt Nam năm nay được IMF dự báo tăng 6% và tăng 7,2% vào năm tới.
- 12-05-2022Không phải Quảng Ninh hay Hải Phòng, một tỉnh miền Tây 14 năm liên tiếp luôn nằm trong top 5 địa phương có năng lực cạnh tranh cao nhất cả nước
- 12-05-2022Người dân ở TPHCM, Hà Nội sẽ mất bao lâu để mua một căn nhà ở xã hội 300 triệu đồng của Vinhomes?
- 12-05-2022Top 10 địa phương kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tốt nhất
Tại diễn đàn dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023 với chủ đề kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng 6% và tăng 7,2% vào năm tới. Lạm phát dự kiến tăng ở mức cao hơn so với dự báo hồi đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu 4% mà Chính phủ giao.
Ông Francois Painchaud cho rằng kinh tế năm nay có thể tăng trưởng chậm lại và áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm sẽ gia tăng do phải đối mặt với những rủi ro nhất định.
Chỉ ra một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như lạm phát Việt Nam đó là tình hình xung đột xảy ra tại Ukraine. Điều này sẽ ảnh hưởng ngay lập tức và tác động trực tiếp đến giá hàng hóa của Việt Nam. Trong đó, giá một số mặt hàng được dự báo tiếp tục leo thang là dầu mỏ, năng lượng và thực phẩm. Thêm nữa, không ngoại trừ những tác động lần 2 đối với các ngành công nghiệp do chi phí vận tải và điện năng cao hơn.
Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam còn có thể bị chịu tác động bởi sức cầu từ bên ngoài chậm lại và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Trong đó, có thị trường EU khi thị trường này chiếm 13% thị phần xuất khẩu của Việt Nam năm 2021; Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian lớn nhất cho Việt Nam (chiếm khoảng 40%) đang tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt phòng, chống dịch hướng đến mục tiêu Zero COVID.
Thêm nữa, nguy cơ Trung Quốc và các nhà cung cấp châu Á khác bị ảnh hưởng bởi hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine có thể làm trầm trọng hơn tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vốn đã bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, chi phí vận chuyển bị tăng cao và thương mại bị suy giảm.
Trong bối cảnh đó, đại diện IMF đã đưa ra một số khuyến nghị và cho rằng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, đảm bảo quá trình phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, vốn đang trong quá trình phục hồi không đồng đều.
Trong ngắn hạn, ông Francois Painchaud gợi ý Việt Nam cần hoạch định chính sách mau lẹ, chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần chính sách hỗ trợ để phù hợp với tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
Trường hợp tăng trưởng kinh tế năm nay chậm lại và áp lực lạm phát gia tăng, chính sách tài khóa nên đóng vai trò là "tuyến phòng thủ đầu tiên" mà không cần đến sự hỗ trợ thêm của chính sách tiền tệ.
“Cho đến nay, chính sách tiền tệ đã hỗ trợ một cách thích hợp nhưng cần phải cảnh giác với rủi ro lạm phát. Nếu áp lực lạm phát kéo dài xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ của mình và truyền thông rõ ràng những biện pháp giúp kiềm chế lạm phát”, đại diện IMF đề xuất.
Đồng thời, cần tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng để hỗ trợ cho tăng trưởng trong trung hạn một cách bền vững. Theo ông Francois Painchaud, không nên gia hạn quy định cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ sau tháng 6 năm nay, vì sẽ trì hoãn việc ghi nhận các tài sản có vấn đề và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phân bổ sai tín dụng và chấp nhận rủi ro quá mức.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn cần tăng cường quản lý và giám sát tài chính để đối phó với những rủi ro mới nổi và xây dựng một hệ thống ngân hàng linh hoạt hơn.
Khi kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi vững chắc, chuyên gia IMF khuyến nghị nên chú trọng việc đạt được tăng trưởng bền vững, bao trùm. Trong đó, việc huy động nguồn thu ngân sách phải được tăng cường để xây dựng lại các vùng đệm tài khóa, tài trợ cho việc cải thiện an sinh xã hội, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và đối phó với áp lực già hóa dân số.
Đồng thời, hiện đại hóa hơn nữa khuôn khổ chính sách tiền tệ để tăng cường hiệu quả của chính sách lãi suất. Những quy định về lãi suất huy động và cho vay nên được nới lỏng để cải thiện việc xác định lãi suất tiền gửi và cho vay dựa trên thị trường cũng như cải thiện việc phân bổ tín dụng.
Ông Francois Painchaud đề xuất bỏ dần mức trần tăng trưởng tín dụng tổng thể và trần đối với từng tổ chức tín dụng. Việc này cùng với sự linh hoạt hơn về tỷ giá hối đoái theo hai chiều sẽ cải thiện phân bổ tín dụng và củng cố cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, việc nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng cũng là một việc làm cần thiết. Việc áp dụng Basel II được cho là chìa khóa để nâng cao năng lực quản lý rủi ro và khả năng xử lý thua lỗ của các ngân hàng.
Người đồng hành